Năm 2018, Việt Nam và Nhật Bản kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (21/9/1973-21/9/2018). Nhân dịp này, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, ngài Umeda Kunio về những thành tựu nổi bật của Việt Nam-Nhật Bản và triển vọng hợp tác giữa hai nước thời gian tới.
-Năm nay, Việt Nam và Nhật Bản kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Xin Đại sứ cho biết những thành tựu nổi bật trong quan hệ Việt Nam-Nhật Bản? Việt Nam có vị trí như thế nào trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản?
Đại sứ Umeda Kunio: Quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản hiện đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất. Đây là mối quan hệ dựa trên sự tin cậy, gần gũi nhất. Hai nước đều chia sẻ nhiều lợi ích mang tính chiến lược. Nhật Bản mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam trên cơ sở nhận thức cơ bản, đó là “sự phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam;” nâng cao năng lực bảo đảm an ninh quốc phòng. Điều này đặc biệt quan trọng đối với sự ổn định và thịnh vượng của Nhật Bản cũng như khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trong bối cảnh trật tự thế giới đang trong thời kỳ có nhiều thay đổi to lớn, tôi cho rằng, việc tăng cường hợp tác giữa hai nước ngày càng trở nên quan trọng.
Trong những năm gần đây, trao đổi đoàn cấp cao giữa hai nước ngày càng thường xuyên, mức độ tin cậy giữa các nhà lãnh đạo càng sâu sắc, cho thấy Nhật Bản đặc biệt coi trọng quan hệ hợp tác với Việt Nam.
-Trong bối cảnh quan hệ kinh tế Việt Nam-Nhật Bản ngày càng chặt chẽ hơn, Đại sứ có thể cho biết, đâu là các lĩnh vực hợp tác ưu tiên giữa hai nước và các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác giữa hai bên?
Đại sứ Umeda Knio: Hiện nay, Việt Nam đang đứng trước một giai đoạn chuyển đổi rất lớn về mặt kinh tế và chính trị, với nguồn năng lượng tràn đầy để tăng trưởng. Nếu Việt Nam phát huy tốt nguồn năng lượng này thì sẽ đón một giai đoạn tăng trưởng nhảy vọt. Tôi rất mong Việt Nam sẽ tận dụng được cơ hội đó để có được sự tăng trưởng mạnh mẽ.
Hợp tác trong lĩnh vực kinh tế giữa hai nước ngày càng mạnh mẽ. Trong những năm gần đây, sự quan tâm của các doanh nghiệp Nhật Bản đối với Việt Nam ngày càng tăng dựa trên số dự án, doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư. Đặc biệt, các dự án đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường Việt Nam có xu hướng gia tăng thay vì chỉ mở rộng sản xuất phục vụ xuất khẩu.
Năm 2017, đầu tư trực tiếp nước ngoài của Nhật Bản vào Việt Nam đạt 9,1 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay; 6 tháng đầu năm 2018, giá trị đầu tư cũng đạt 6,5 tỷ USD. Nhật Bản vươn lên trở thành nhà đầu tư số 1 Việt Nam.
Số lượng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam vượt hơn 3.100 doanh nghiệp, tăng 40% trong vòng 4 năm qua. Đến nay, số doanh nghiệp Nhật Bản là Hội viên Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam là trên 1.700 doanh nghiệp, vượt qua Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Thái Lan, trở thành nước đứng đầu Đông Nam Á có số doanh nghiệp tham gia Hiệp hội đông nhất.
Phía Nhật Bản chúng tôi luôn mong muốn được hợp tác với Việt Nam, đặc biệt đối với việc tăng cường hợp tác, nâng cao sức tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Vì vậy, Nhật Bản đã và đang triển khai nhiều chương trình hợp tác với Việt Nam trong việc phát triển hạ tầng phần cứng như xây dựng các công trình cầu, cảng biển, sân bay, đường cao tốc...
Trong phát triển hạ tầng phần mềm, Nhật Bản đã hợp tác với Việt Nam trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động.
Thời gian tới, cùng với việc mở rộng lĩnh vực và quy mô đầu tư, phía Nhật Bản kỳ vọng sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong phát triển hạ tầng, góp phần hỗ trợ quá trình tăng trưởng bền vững. Một điểm nữa, Nhật Bản mong muốn hợp tác với Việt Nam nhằm nâng cao năng lực quản trị của Việt Nam. Hiện Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc cải cách, đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Cùng với những nỗ lực của Việt Nam, Nhật Bản cố gắng mang đến những kinh nghiệm đã triển khai từ trước đến nay, bao gồm những kinh nghiệm đã thành công cũng như thất bại.
Nhật Bản là một đất nước gặp nhiều thiên tai. Việt Nam là một trong những quốc gia cũng chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu. Do đó, chúng tôi mong muốn tăng cường hợp tác trong lĩnh vực này nhằm khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam.
-Việt Nam và Nhật Bản đều là thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Việc này mở ra triển vọng gì trong quan hệ hợp tác hai nước, thưa Đại sứ?
Đại sứ Umeda Kunio: Tại Hội nghị APEC 2017 tổ chức tại Đà Nẵng, Nhật Bản và Việt Nam đã đóng vai trò đồng chủ trì tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương; từ đó đi đến thỏa thuận Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Có thể nói, đây là thành quả của quan hệ hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam. Trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ ở một số nền kinh tế, việc đưa Hiệp định CPTPP sớm có hiệu lực là vô cùng quan trọng đối với Nhật Bản và Việt Nam.
Hiện nay, trong 11 nền kinh tế đang tham gia Hiệp định này, có 6 nền kinh tế phải hoàn tất thủ tục trong nước của mình để CPTPP có hiệu lực. Đến nay đã có 3 nền kinh tế Mexico, Nhật Bản và Singapore hoàn tất thủ tục phê chuẩn ở trong nước.
Tôi được biết, dự kiến trong Kỳ họp quốc hội sắp tới, Quốc hội Việt Nam sẽ tiến hành thẩm định về những luật liên quan đến Hiệp định này. Tôi rất mong Việt Nam sẽ là một trong 6 nền kinh tế đầu tiên phê chuẩn Hiệp định CPTPP. Nếu Hiệp định CPTPP đi vào hiệu lực thì chắc chắn xuất khẩu của Việt Nam sẽ gia tăng.
-Hợp tác văn hóa, giáo dục, giao lưu nhân dân có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thắt chặt tình hữu nghị, tạo nền tảng cho quan hệ lâu dài giữa hai nước. Theo Đại sứ, hai bên cần làm gì để thúc đẩy quan hệ giao lưu, hợp tác trên những lĩnh vực này?
Đại sứ Umade Kunio: Năm 2018, hai nước kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Dự kiến sẽ có hơn 170 sự kiện diễn ra hai nước trong năm nay. Thông qua các sự kiện đó, sự giao lưu, hiểu biết về văn hóa giữa nhân dân hai nước được tăng cường, từ đó, góp phần củng cố nền tảng của mối quan hệ hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản.
Tại những Lễ hội Việt Nam được tổ chức tại Tokyo, Yokohama của tỉnh Kanagawa, tỉnh Aichi, khoảng 100 nghìn người dân Nhật Bản đã tới tham gia và hào hứng tìm hiểu về đất nước, văn hóa, ẩm thực Việt Nam.
Tại Hà Nội, từ đầu năm đến nay, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đã phối hợp với các tổ chức, hội hữu nghị, triển khai nhiều hoạt động kỷ niệm, đặc biệt là trong tháng 9, tháng cao điểm kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản. Các sự kiện nổi bật như Chương trình hòa nhạc của Dàn nhạc giao hưởng NHK diễn ra ngày 7/9. Đại nhạc hội Việt Nhật 2018 diễn ra ngày 15/9...
Trong lĩnh vực giáo dục, bên cạnh hợp tác giữa các trường đại học của Việt Nam và Nhật Bản, các dự án tăng số lượng người học tiếng Nhật tại Việt Nam, các hoạt động hợp tác mới cũng bắt đầu được triển khai như chia sẻ kinh nghiệm tổ chức các bữa ăn trưa trong trường học, giáo dục âm nhạc, giáo dục thể chất trong các trường phổ thông của Việt Nam. Một dự án biểu tượng cho hợp tác trong giáo dục giữa hai nước là trường Đại học Việt Nhật với kỳ vọng sẽ phát triển vượt bậc trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng chú trọng hợp tác trong lĩnh vực giao lưu giữa thanh thiếu niên hai nước, đặc biệt là lĩnh vực thể thao. Năm 2020 Nhật Bản sẽ tổ chức Olympic và Paralympic tại Tokyo. Tôi hy vọng nhiều vận động viên Việt Nam sẽ tham gia các môn thi đấu tại hai sự kiện này.
Đặc biệt, hai đội tuyển bóng đá nam và nữ của Việt Nam đang ngày càng mạnh. Với tư cách là Ủy viên Ban Quốc tế, thành viên Tổ tư vấn của Liên đoàn bóng đá Nhật Bản, tôi mong hai đội tuyển bóng đá của Việt Nam sẽ giành được suất tham dự Olympic Tokyo 2020.
Trân trọng cảm ơn Đại sứ./.