Việt Nam và Ấn Độ từ lâu đã duy trì mối quan hệ đối tác mạnh mẽ và bền vững, được xây dựng trên nền tảng lịch sử chung, giao lưu văn hóa và lợi ích chiến lược tương đồng.
Trong cuộc phỏng vấn nhân dịp năm mới 2025 với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Sandeep Arya đã chia sẻ những nhận định và góc nhìn về tương lai của quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa hai nước, cũng như những lĩnh vực hợp tác tiềm năng góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ song phương trong những năm sắp tới.
- Nhân chuyến thăm cấp Nhà nước của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính tới Ấn Độ vào tháng 8/2024, hai bên đã ra Tuyên bố chung về tăng cường quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện. Xin ngài chia sẻ ý kiến về những đột phá cần thiết để đưa quan hệ song phương lên tầm cao mới. Những lĩnh vực tiềm năng nào mà hai bên có thể khai thác để làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác nhiều mặt?
Đại sứ Sandeep Arya: Chuyến thăm cấp Nhà nước của Thủ tướng Việt Nam, Ngài Phạm Minh Chính tới Ấn Độ bốn tháng trước đã tạo điều kiện để hai Thủ tướng rà soát chi tiết mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Ấn Độ-Việt Nam và đạt đồng thuận để tăng cường hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực, được cụ thể hóa trong Tuyên bố chung được đưa ra sau chuyến thăm ngày 1/8/2024.
Việc ký kết các thỏa thuận song phương vào tháng 8/2024 trong các lĩnh vực nông nghiệp, y học cổ truyền, hải quan, quốc phòng, truyền thông, pháp luật, cấp gói tín dụng cho các dự án song phương và bảo tồn di sản sẽ mở đường cho việc mở rộng hợp tác Ấn Độ-Việt Nam trong những lĩnh vực này.
Là hai nền kinh tế tăng trưởng nhanh, hợp tác thương mại, đầu tư và doanh nghiệp giữa Ấn Độ và Việt Nam là những lĩnh vực thúc đẩy hợp tác kinh tế một cách tự nhiên.
Cả hai nước đều đang nỗ lực đơn giản hóa quy chế thương mại và giải quyết các vấn đề kỹ thuật để tăng kim ngạch thương mại song phương từ mức hiện tại là 15 tỷ USD.
Việc đang rà soát Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN-Ấn Độ năm 2009 sẽ giúp quy chế thương mại của chúng ta đơn giản hơn, thân thiện hơn và hỗ trợ thương mại hiệu quả hơn.
Các cuộc thảo luận chuyên ngành trong các lĩnh vực như nông nghiệp, chăm sóc sức khỏe và công nghệ số đang ghi nhận nhiều tiến triển.
Hai nước cũng đang tăng cường trao đổi các đoàn doanh nghiệp và tham gia các hội chợ thương mại để tạo điều kiện thúc đẩy thương mại giữa hai bên.
Hai nước đã xác định nhiều lĩnh vực cùng quan tâm nhằm thúc đẩy dòng chảy đầu tư giữa hai bên từ mức hiện tại là hơn 2 tỷ USD vốn đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam.
Nhiều công ty Ấn Độ và Việt Nam đang tiến hành các cuộc thảo luận để triển khai các dự án trong những lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, phát điện từ năng lượng tái tạo, sản xuất một số mặt hàng (phụ tùng ôtô, dược phẩm, hàng tiêu dùng, chế biến thực phẩm, xe điện), các ngành dịch vụ (công nghệ thông tin và truyền thông, tài chính, giáo dục)…
Chúng tôi hy vọng rằng những nỗ lực này sẽ góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ kinh doanh giữa hai quốc gia.
Công nghệ kỹ thuật số và các lĩnh vực khoa học, đổi mới khác cũng là những lĩnh vực tiềm năng đang được thảo luận giữa hai nước.
Một số công trình hạ tầng vừa được khánh thành với sự hỗ trợ của Ấn Độ như Công viên phần mềm Quân đội tại Trường Đại học Thông tin Liên lạc, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa và Trung tâm Đào tạo và Phát triển phần mềm chất lượng cao tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Thành phố Hồ Chí Minh, đã góp phần nâng cao năng lực trong các lĩnh vực giáo dục công nghệ thông tin và truyền thông, trung tâm dữ liệu và ứng dụng số tại Việt Nam.
Chúng tôi tin tưởng rằng các lĩnh vực công nghệ khác như công nghệ sinh học, viễn thông 5G/6G, công nghệ tài chính, năng lượng nguyên tử, quốc phòng, ứng dụng không gian, an ninh mạng... cũng là những ngành có tiềm năng hợp tác lớn giữa hai quốc gia.
Trong khi đó, hệ thống thanh toán kỹ thuật số song phương sẽ hỗ trợ hợp tác trong các lĩnh vực kinh doanh, du lịch, giáo dục và các hoạt động khác giữa hai nước.
Khi hai quốc gia cũng đang nỗ lực cố vị thế của mình trên trường quốc tế, chúng ta cần tiếp tục tăng cường tham vấn và hợp tác về các vấn đề toàn cầu và khu vực, các vấn đề quốc tế như hỗ trợ tài chính cho phát triển, tiếp cận công nghệ, nâng cao tiếng nói và vai trò của các nước khu vực Nam bán cầu.
Các sáng kiến như Liên minh Năng lượng Mặt trời Quốc tế, Liên minh Cơ sở hạ tầng Chống chịu Thiên tai, và Liên minh Nhiên liệu Sinh học Toàn cầu có thể là những nền tảng hữu ích để hai nước mở rộng hợp tác.
Chúng tôi cũng cho rằng hợp tác quốc phòng và an ninh đang phát triển tích cực giữa Ấn Độ và Việt Nam cần được mở rộng hơn nữa dựa trên sự tin cậy chiến lược, các quan điểm tương đồng, sức mạnh tổng hợp, sự hỗ trợ và giá trị mà hai nước đại diện cho nhau.
Trong một thế giới đầy biến động và ngày càng phức tạp, những khía cạnh đó cần được đặc biệt chú trọng.
Tôi cũng cảm nhận rằng quan hệ giữa người dân hai nước, như trao đổi về Yoga, điện ảnh và phim truyền hình, du lịch, học thuật (giáo dục) và trao đổi giữa các viện nghiên cứu, cần được coi trọng thúc đẩy và hỗ trợ hơn nữa, đặc biệt về kinh nghiệm phát triển.
- Hợp tác du lịch nổi lên như một điểm nhấn trong quan hệ Việt Nam-Ấn Độ trong những năm gần đây. Theo ngài, những yếu tố nào đang thúc đẩy quan hệ đối tác du lịch giữa hai nước? Xin ngài chia sẻ các giải pháp và cách tiếp cận mà Việt Nam có thể áp dụng để thu hút nhiều khách du lịch hơn từ Ấn Độ?
Đại sứ Sandeep Arya: Việc mở rộng phát triển hợp tác du lịch hai chiều giữa Ấn Độ và Việt Nam là một xu hướng rất đáng khích lệ. Theo dữ liệu của Việt Nam, gần 500.000 du khách Ấn Độ đã đến Việt Nam trong năm 2024. Trong khi đó, số liệu của Ấn Độ cho thấy số lượng du khách Việt Nam đến thăm Ấn Độ cũng tăng lên, đạt trên 55.000 vào năm 2023.
Ngoài sự quan tâm và tình cảm sâu sắc giữa người dân hai nước, hợp tác du lịch giữa hai bên còn được thúc đẩy bởi việc tăng cường các chuyến bay thẳng với khoảng 56 chuyến bay mỗi tuần. Các cơ quan hàng không dân dụng hai nước gần đây đã đạt được đồng thuận về việc tăng thêm số lượng các chuyến bay thẳng kết nối hai quốc gia.
Thứ hai, việc thúc đẩy cấp visa điện tử hai chiều là yếu tố quan trọng giúp việc đi lại giữa Ấn Độ và Việt Nam thuận tiện hơn.
Thứ ba, những nỗ lực quảng bá du lịch tại cả hai quốc gia và sự hỗ trợ của các công ty lữ hành đã góp phần mở rộng cơ hội hợp tác phát triển du lịch giữa hai nước.
Thứ tư, khi nhu cầu du lịch ngày càng tăng, chất lượng dịch vụ du lịch, lưu trú, ẩm thực và các nhu cầu khác đang dần được cải thiện.
Thứ năm, các điểm đến mới và hình thức du lịch mới như tổ chức đám cưới, hội nghị và hội thảo (MICE), hành hương và giải trí cũng đang góp phần thúc đẩy hợp tác du lịch.Tôi tin rằng những nỗ lực này sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng du lịch giữa Ấn Độ và Việt Nam trong thời gian tới.
- Là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực nhằm thực hiện phát triển xanh bền vững. Trong khi đó, Ấn Độ là quốc gia đứng thứ tư toàn cầu về Công suất lắp đặt năng lượng tái tạo, thứ tư về công suất điện gió và thứ năm về công suất điện mặt trời. Với nhiều thế mạnh trong lĩnh vực này, Ấn Độ có thể chia sẻ những thực tiễn và kinh nghiệm nào với Việt Nam để giúp Việt Nam thu hút thêm đầu tư vào phát triển năng lượng tái tạo và cải thiện hiệu quả năng lượng? Ngài đánh giá như thế nào về triển vọng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng giữa Việt Nam và Ấn Độ?
Đại sứ Sandeep Arya: Hydrocarbon và thủy điện là những lĩnh vực hợp tác lâu đời giữa Ấn Độ và Việt Nam. Tôi cho rằng ngành năng lượng tái tạo như năng lượng Mặt trời, điện gió và nhiên liệu sinh học có thể là những lĩnh vực để hai bên tăng cường hợp tác. Đúng là công suất lắp đặt năng lượng tái tạo đạt 180.000 MW tại Ấn Độ cho thấy cho năng lực và kinh nghiệm quý báu của chúng tôi trong việc triển khai thực tiễn.
Ở cấp Chính phủ, việc chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn trong chính sách và triển khai thực tế sẽ mang lại lợi ích cho cả hai nước. Việc Việt Nam tham gia Liên minh Năng lượng Mặt trời Quốc tế do Ấn Độ khởi xướng sẽ mở ra các cơ hội trao đổi công nghệ, công cụ tài chính, nâng cao năng lực và những vấn đề lớn hơn trong lĩnh vực năng lượng mặt trời.
Các công ty Ấn Độ đang quan tâm và tìm kiếm cơ hội đầu tư vào phát triển năng lượng tái tạo (ngành điện) tại Việt Nam. Chúng tôi kỳ vọng một số dự án hai bên đang thảo luận sẽ sớm được triển khai trong tương lai gần.
Nhiên liệu sinh học cũng là một lĩnh vực liên quan nữa khi tại Ấn Độ, nhiên liệu pha trộn ethanol đóng vai trò quan trọng trong giảm tiêu thụ hydrocarbon trong ngành vận tải. Ấn Độ dự kiến tăng dần mức pha trộn ethanol trong xăng từ 15% hiện nay lên 20% vào năm tới.
Liên minh Nhiên liệu Sinh học Toàn cầu tại Ấn Độ đang thúc đẩy hợp tác và chia sẻ kiến thức giữa các quốc gia, và chúng tôi hy vọng Liên minh này sẽ trở thành một nền tảng cho sự hợp tác sâu rộng hơn với Việt Nam.
Quyết định theo đuổi phát triển năng lượng hạt nhân của Việt Nam cũng sẽ mở ra cơ hội hợp tác giữa hai nước, dựa trên thế mạnh của Ấn Độ với tổng công suất lắp đặt hơn 8.200MW và thành công của chúng tôi trong việc triển khai các lò phản ứng nước nặng áp lực với công suất 700MW, cũng như chuyên môn liên quan tại Ấn Độ.
- Ngài đánh giá như thế nào về những nỗ lực và hành động của Việt Nam khi gần đây Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm khởi xướng và thúc đẩy những định hướng chiến lược nhằm đưa Việt Nam bứt phá, bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc?
Đại sứ Sandeep Arya: Tôi rất ấn tượng khi thấy tầm nhìn và các nỗ lực được tính toán kỹ lưỡng của Việt Nam cho kỷ nguyên vươn mình, nhất là trong khía cạnh phát triển, thịnh vượng và đầu tư công thông qua đổi mới, nâng cao năng lực, chuyển đổi số và các công nghệ mới nổi. Một Việt Nam mạnh mẽ và thịnh vượng hơn, phù hợp với tầm nhìn, định hướng và sự lãnh đạo sáng suốt và năng động, sẽ là sự tiến triển tích cực đối với Ấn Độ - đối tác kiên định của Việt Nam suốt hơn bảy thập niên qua.
Điều đáng chú ý là cả Ấn Độ và Việt Nam đều đang phát triển với tốc độ cao, hơn gấp đôi mức tăng trưởng kinh tế bình quân toàn cầu và hai bên đã đặt ra tầm nhìn dài hạn cho sự phát triển của mình - Việt Nam tới năm 2045 và Ấn Độ tới năm 2047.
Tôi tin rằng thành công của mỗi nước trong việc thực hiện tầm nhìn của mình sẽ mang lại lợi ích cho người dân hai nước, cho khu vực và thế giới. Trên hành trình này, quan hệ đối tác song phương và sự hợp tác chặt chẽ của chúng ta sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên.
Như đã nêu trong Tuyên bố chung trong chuyến thăm của ngài Thủ tướng Việt Nam vào tháng 8/2024, các thực tế địa chính trị hiện nay đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa hai quốc gia./.
Nhiều điểm sáng trong hợp tác kinh tế-thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ năm 2024
Dự kiến, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam-Ấn Độ trong năm nay sẽ vượt 15 tỷ USD là cột mốc đã được lãnh đạo hai nước đặt ra và dự kiến sẽ đạt 20 tỷ trong thời gian tới.