Trao đổi với báo chí Việt Nam về kết quả chuyến tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Pháp ngữ lần thứ 19 và thăm chính thức Cộng hòa Pháp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet nhận định việc lãnh đạo hai nước nhất trí nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện là kết quả tự nhiên của mối quan hệ có bề dày, chiều sâu lịch sử cũng như hai bên đều nhìn thấy tiềm năng phát triển rất mạnh mẽ trong quan hệ hai nước trong thời gian tới.
Pháp rất đề cao chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm
Theo Đại sứ Olivier Brochet, chuyến tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Pháp ngữ lần thứ 19 và thăm chính thức Cộng hòa Pháp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm vừa qua là một chuyến thăm hết sức thành công và quan trọng. Đây là lần đầu tiên sau 22 năm, một nguyên thủ Việt Nam tới thăm Pháp, đồng thời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng là lãnh đạo duy nhất có chuyến thăm song phương bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Pháp ngữ.
"Phía Pháp rất đề cao chuyến thăm này, với chương trình thăm, trong đó có lễ đón tiếp chính thức, họp báo và hội đàm do Tổng thống Pháp chủ trì," Đại sứ Olivier Brochet nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã đến thăm công viên Montreau (thành phố Montreuil) - nơi có tượng và khu tưởng niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đoàn cũng đến thăm thành phố Sainte-Adresse để khánh thành biển kỷ niệm mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh - đây là nơi Người từng sống trong vòng 1 năm.
Theo Đại sứ Olivier Brochet, hành trình về những địa danh này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho thấy yếu tố lịch sử, sự đặc thù trong quan hệ Pháp và Việt Nam.
Đại sứ Olivier Brochet chia sẻ điều làm ông ấn tượng nhất về các cuộc thảo luận giữa Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và các nhà lãnh đạo Pháp là sự tin cậy lẫn nhau và mong muốn cùng nhau hướng đến tương lai hợp tác ngày càng tốt đẹp.
Sự tin tưởng đó chính là nền tảng quan trọng để Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhất trí tuyên bố nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác chiến lược toàn diện.
Hai nhà lãnh đạo đã giao hai Bộ Ngoại giao chủ trì xây dựng kế hoạch hành động nhằm hiện thực hóa các mục tiêu đưa quan hệ hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực.
Cùng giải quyết những vấn đề toàn cầu
Với việc xác lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện, Pháp là quốc gia châu Âu đầu tiên có mối quan hệ ở cấp độ này với Việt Nam. Theo Đại sứ Pháp, điều này phản ánh phía Pháp nhận thấy được vị trí, vai trò quan trọng của Việt Nam trong việc cùng Pháp - nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc - tham gia tích cực vào tất cả các chính sách toàn cầu để góp phần vào bảo đảm hòa bình và ổn định trên thế giới, khu vực.
"Trong cuộc hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngay từ đầu đã bày tỏ sự tán thành với những ý kiến mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm mới đây phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc. Hai nhà lãnh đạo đã chia sẻ rất nhiều các quan điểm tương đồng với nhau và tôi cho rằng việc hai nước nâng cấp quan hệ song phương lên quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện thể hiện sự thống nhất và mong muốn hợp tác giữa hai bên," Đại sứ chia sẻ.
Đại sứ Olivier Brochet cho biết lãnh đạo hai nước khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN và Pháp sẵn sàng tăng cường hợp tác với Việt Nam và ASEAN, góp phần duy trì hòa bình, hợp tác tại khu vực và trên thế giới.
"Việt Nam có vai trò quan trọng trong ASEAN không chỉ bởi diện tích, dân số, sự năng động của nền kinh tế, mà còn là một trong những quốc gia hiểu rõ nhất về giá trị của hòa bình và sự cần thiết phải bảo đảm hòa bình, ổn định. Pháp và Việt Nam luôn nỗ lực để bảo vệ hòa bình trong khu vực và trên thế giới. Đó chính là nền tảng để hai nước tăng cường hợp tác với nhau," Đại sứ nhấn mạnh.
Đại sứ khẳng định Pháp đánh giá cao quan điểm của Việt Nam về chấm dứt bạo lực, giảm leo thang căng thẳng và kêu gọi các bên giải quyết xung đột ở Ukraine, Trung Đông… bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế. Phía Pháp mong muốn Việt Nam phát huy hơn nữa vai trò trong bảo đảm hòa bình, ổn định trên thế giới.
Bên cạnh các vấn đề chính trị thời sự quốc tế, Đại sứ Pháp cũng cho biết lãnh đạo hai nước Việt Nam, Pháp trong các cuộc hội đàm, hội kiến cũng bày tỏ sự quan tâm, chia sẻ tầm nhìn chung về các lĩnh vực như biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, trí tuệ nhân tạo (AI)... cũng như sự phát triển của phong trào Pháp ngữ.
Mở ra những cơ hội phát huy hơn nữa hợp tác trên các lĩnh vực
Theo Đại sứ Olivier Brochet, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Pháp và việc hai nước nâng cấp quan hệ hai nước đã mở ra những cơ hội để hai nước phát huy những tiềm năng hợp tác sẵn có trong các lĩnh vực.
"Một trong những lĩnh vực quan trọng chúng ta tập trung thời gian tới đó là chiến lược hợp tác về quốc phòng, an ninh, tiếp đó có thể kể đến là lĩnh vực giao thông và năng lượng, đổi mới sáng tạo cũng như giao lưu du học sinh để làm sao mối quan hệ hợp tác giữa hai nước chúng ta được tăng cường phát triển trên tất cả các lĩnh vực," Đại sứ Olivier Brochet cho hay.
Cụ thể, trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học, Đại sứ cho biết đây là lĩnh vực mà hai bên Việt Nam và Pháp đã có quan hệ chặt chẽ từ 30 năm nay với những kết quả rất tốt đẹp, với ví dụ nổi bật nhất là Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH, hay còn gọi là Trường Đại học Việt-Pháp).
Hiện nay, có rất nhiều các mối quan hệ giữa các trường đại học và các cơ sở nghiên cứu của Pháp, Việt Nam, trong đó có sự hợp tác giữa Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội với các đối tác Pháp ở các dự án hợp tác giáo dục đào tạo.
Nhiều doanh nghiệp của Pháp cũng có sự hợp tác trong lĩnh vực này. Sau quá trình đào tạo, các doanh nghiệp đã tuyển dụng sinh viên Việt Nam.
Cũng trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, nhiều đối tác Pháp đã liên hệ hợp tác với Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia Việt Nam, góp phần tạo kết nối mạnh mẽ giữa các khu công nghệ cao của Việt Nam. Phía Pháp cũng quan tâm nhiều đến các doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam.
Trong lĩnh vực giao thông, Đại sứ cho biết phía Pháp bày tỏ sự quan tâm hợp tác, hỗ trợ Việt Nam phát triển hệ thống đường sắt, cảng biển, cũng như tiếp tục thúc đẩy hợp tác về hàng không.
"Phía Pháp có thể có những chia sẻ về kỹ năng, về vốn, để đồng hành cùng với sự phát triển của Việt Nam để làm sao góp phần vào việc phát triển bền vững giữa hai nước chúng ta," Đại sứ Olivier Brochet nhấn mạnh và cho biết Pháp không chỉ mong có sự phát triển về con số tài chính trong sự hợp tác mà còn mong muốn quá trình hợp tác hai nước trên cơ sở xoay quanh cả những yếu tố đi kèm, ví dụ như vấn đề đào tạo nhân sự hay chuyển giao công nghệ.
Trong lĩnh vực năng lượng, Đại sứ cho biết phía Pháp đánh giá cao Việt Nam trong việc cam kết hết sức mạnh mẽ, quyết tâm cao về vấn đề trung hòa carbon với mục tiêu là đến năm 2050 sẽ đạt được mức trung hòa carbon bằng 0 tại Việt Nam.
Ở lĩnh vực này, theo Đại sứ, Pháp có rất nhiều công nghệ, cũng có rất nhiều doanh nghiệp lớn có thể đồng hành chia sẻ cùng Việt Nam trong quá trình phát triển bền vững và hiện thực hóa mục tiêu trên.
Đại sứ bày tỏ: "Chúng tôi hy vọng rằng quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa hai nước mà chúng ta vừa thống nhất xác lập trong chuyến thăm vừa qua, sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Pháp có thể có hiện diện và hoạt động mạnh mẽ hơn nữa trong hợp tác với Việt Nam ở lĩnh vực này."
Trong lĩnh vực y tế, một lĩnh vực hợp tác cũng có bề dày hơn 30 năm qua, Đại sứ cho biết Pháp mong muốn lĩnh vực này sẽ có những bước đột phá trong thời gian tới để đáp ứng nhu cầu chăm sóc y tế của người dân Việt Nam đã có những thay đổi trong quá trình phát triển đất nước.
Một lĩnh vực khác mà Đại sứ Olivier Brochet cho biết là một trong những ưu tiên hợp tác trong thời gian tới, đó là lĩnh vực nông nghiệp. Trong lĩnh vực này, theo Đại sứ, phía Pháp chia sẻ mong muốn của phía Việt Nam về thúc đẩy hợp tác, chia sẻ công nghệ để giúp Việt Nam có nền nông nghiệp sinh thái, tăng được giá trị sản phẩm nông nghiệp./.
Việt Nam-Pháp nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện
Pháp trở thành nước đầu tiên trong Liên minh châu Âu (EU) có quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với Việt Nam.