Nhân dịp Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 sắp được tổ chức từ ngày 12-17/8 tại Hà Nội, Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Ngô Đức Mạnh đã trả lời phỏng vấn báo chí về quan hệ Việt Nam-Liên bang Nga, cũng như các hoạt động của Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga trong thời gian qua.
Theo Đại sứ Ngô Đức Mạnh, từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1950, trở thành Đối tác chiến lược năm 2001 và nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 7/2012, quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Liên bang Nga đã được thử thách qua thời gian, trở thành tài sản quý báu của nhân dân hai nước, đang phát triển mạnh mẽ cả về bề rộng lẫn chiều sâu với nhiều thành tựu to lớn trên mọi lĩnh vực.
Quan hệ chính trị với độ tin cậy cao ngày càng được tăng cường thông qua cơ chế trao đổi đoàn và tiếp xúc song phương thường xuyên ở các cấp, đặc biệt là cấp cao và cơ chế tham vấn, đối thoại chiến lược. Hai bên cũng luôn hợp tác và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc, APEC, ASEM, ASEAN - Nga…
[Việt Nam và Nga quyết tâm thúc đẩy hợp tác toàn diện năng động]
Gần đây nhất là chuyến thăm chính thức Nga của Chủ tịch nước Trần Đại Quang vào tháng 6/2017, Tổng thống Vladimir Putin tham dự APEC Việt Nam 2017 tại Đà Nẵng và có cuộc gặp cấp cao bên lề Hội nghị vào tháng 11/2017… đã tạo thêm động lực mới mạnh mẽ, thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả.
Đại sứ Ngô Đức Mạnh cho rằng quan hệ hợp tác kinh tế-thương mại, đầu tư giữa hai nước tiếp tục phát triển năng động. Sau khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu chính thức có hiệu lực từ tháng 10/2016, kim ngạch thương mại hai nước tăng trưởng nhanh với tốc độ hơn 30%/năm.
Về đầu tư, ngoài hợp tác trong lĩnh vực dầu khí, tính đến tháng 6, Liên bang Nga có 117 dự án đầu tư trực tiếp vào Việt Nam còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký đạt gần một tỷ USD. Việt Nam có 22 dự án đầu tư vào Nga với tổng số vốn đầu tư mới và tăng vốn đạt gần 3 tỷ USD.
Quan hệ quốc phòng, an ninh giữa Việt Nam-Liên bang Nga có bước phát triển mới, đi vào chiều sâu, thực chất, nhất là trong hợp tác về đào tạo cán bộ, chuyển giao vũ khí, trang bị…
Đáng chú ý, trong thời gian gần đây, quan hệ giữa các địa phương phát triển mạnh và ngày càng đi vào thực chất, chú trọng hơn đến hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục. Các lĩnh vực du lịch, văn hóa, giao lưu nhân dân tiếp tục được đầy mạnh.
Trước một số nhận định rằng quan hệ kinh tế-thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Liên bang Nga hiện chưa tương xứng với mối quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước, Đại sứ Ngô Đức Mạnh nhấn mạnh các cơ quan hữu quan, các doanh nghiệp của hai nước, trong đó có có Đại sứ quán phải hết sức nỗ lực để hoàn thành cam kết của lãnh đạo cấp cao hai nước phấn đấu đạt kim ngạch thương mại hai chiều đạt 10 tỷ USD vào năm 2020.
Hai bên cần quyết liệt tích cực tìm kiếm những phương thức hợp tác mới, có tính khả thi cao, có lợi cho cả hai bên, đặc biệt cố gắng tạo những điểm đột phá.
Thứ nhất, triển khai đồng bộ và có kết quả những thỏa thuận hợp tác giữa hai nước.
Thứ hai, nâng cao vai trò cơ chế hoạt động của Ủy ban liên chính phủ, tăng cường công tác tham vấn, giám sát của các cơ quan Quốc hội hai nước đối với việc thực hiện các thỏa thuận đã ký.
Thứ ba, cần cải tiến thủ tục hành chính, điều kiện thuận lợi cho việc đi lại và làm việc có thời hạn trên lãnh thổ của nhau. Và đặc biệt có biện pháp thúc đẩy thương mại, triển khai có hiệu quả các dự án của Nga tại Việt Nam; tăng cường giao lưu nhân dân.
Về những “điểm nghẽn” cản trở phát triển quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước, theo Đại sứ Ngô Đức Mạnh, đó là là việc chưa có những cơ chế hữu hiệu để phát huy những tiềm năng và thế mạnh của mỗi nước.
Để hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào hệ thống phân phối tại Nga, vẫn còn tồn tại những rào cản nhất định như vấn đề kiểm dịch động thực vật, cũng như việc tiếp cận mạng lưới siêu thị.
Thứ hai là giữa doanh nghiệp hai nước còn thiếu thông tin về nhau nên chưa có đủ độ tin cậy trong giao dịch thương mại. Vì vậy, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước nắm bắt các thông tin về nhau, tăng cường các giao dịch trực tiếp, loại bỏ dần các chi phí trung gian, cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại.
Mặt khác, cần xây dựng cơ chế hữu hiệu trong xử lý các tranh chấp thương mại theo đúng thông lệ quốc tế và luật pháp của hai nước.
Một điểm nghẽn khác cần giải tỏa là vấn đề thanh toán. Trong điều kiện ổn định tương đối của đồng ruble và Việt Nam đồng, cần mở ra kênh thanh toán bằng nội tệ của hai nước.
Liên quan đến thúc đây hợp tác địa phương và du lịch, hai bên cần tổ chức thêm các chuyến bay thuê tới các địa điểm du lịch ở Việt Nam và Nga. Các địa phương của ta cần chủ động hơn trong quảng bá hình ảnh và tiềm năng của mình.
Đại sứ Ngô Đức Mạnh cũng đề cập tới "Năm Chéo" hay thường gọi là Năm Việt Nam tại Nga và Năm Nga tại Việt Nam vào năm 2019 là một sự kiện lớn, mang nhiều ý nghĩa trong việc tăng cường hợp tác giữa hai nước, với sự tham gia của nhiều Bộ, ngành, địa phương của cả hai nước.
Đây không phải chỉ là hoạt động giao lưu văn hóa, mà còn cả có việc trao đổi đoàn cấp cao, tổ chức các buổi tọa đàm trao đổi kinh nghiệm, các hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch, đầu tư…
Thời gian qua, Đại sứ quán đã kịp thời tham mưu cho các cơ quan chức năng trong nước về tình hình của Nga, về quan hệ giữa hai nước, đề xuất, kiến nghị về cách thức tổ chức các hoạt động của ta trong Năm Việt Nam tại Nga năm 2019.
Đại sứ quán Việt Nam tại Nga đã góp phần chủ động xây dựng các kế hoạch, chương trình kết nối giữa các địa phương và tiến tới hoàn chỉnh các chương trình hoạt động trong năm 2019 để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt, sau đó tích cực triển khai thực hiện.
Cũng theo Đại sứ Ngô Đức Mạnh, công tác bảo hộ công dân, công tác cộng đồng cũng là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của Đại sứ quán.
Thế hệ thứ hai của người Việt tại đây được sinh ra và lớn lên, được học hành bài bản tại Nga và đang tham dự tích cực vào đời sống kinh tế, xã hội ở sở tại.
Đại sứ Ngô Đức Mạnh khẳng định chính quyền Nga đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho bà con ta sinh sống và làm việc tại Nga. Đại sứ quán cũng thường xuyên nắm bắt thông tin và kịp thời có những biện pháp giúp bà con giải tỏa những khó khăn vướng mắc, hỗ trợ bà con các thủ tục giấy tờ do Việt Nam cấp, giải quyết những vấn đề với chính quyền sở tại vì nhiều người Việt Nam không nắm vững tiếng Nga, cũng như luật pháp sở tại. Qua đó, giúp bà con ổn định cuộc sống, làm ăn trên đất bạn.
Một số bà con vì những lý do khác nhau, đã vi phạm luật cư trú của Nga, Đại sứ quán đã tạo điều kiện thuận lợi để bà con hồi hương về nước trật tự./.