Với tư cách là Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2020, Việt Nam đã có “vai trò tích cực và thành công ấn tượng,” đặc biệt trong việc dẫn dắt thực hiện các sáng kiến và ưu tiên của ASEAN trong bối cảnh các nước trong khu vực và trên toàn thế giới đang phải đối mặt với các thách thức của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Đây là đánh giá của Đại sứ-Trưởng Phái đoàn đoàn đại diện thường trực Lào tại ASEAN, ông Ekkaphab Phanthavong, trong cuộc phỏng vấn với phóng viên TTXVN tại Jakarta.
Cụ thể, Việt Nam đã tích cực đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN, đặc biệt là sáng kiến triệu tập hội nghị các cấp như Hội nghị cấp cao ASEAN, Hội nghị giữa ASEAN và các nước đối tác đối thoại qua hình thức trực tuyến…, góp phần tăng cường các nỗ lực và quan hệ đối tác của ASEAN nhằm chuẩn bị tốt cho việc phòng chống và giảm thiểu các tác động của đại dịch đối với sinh kế của người dân cũng như nền kinh tế, trong đó có việc thành lập Quỹ ASEAN ứng phó với đại dịch COVID-19, thiết lập kho dự trữ vật tư y tế thiết yếu.
Đại sứ Ekkaphab bày tỏ “tin tưởng mạnh mẽ” rằng Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp quan trọng nhằm đạt được các mục tiêu, sáng kiến và dự án hợp tác trong ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài nhằm củng cố Cộng đồng ASEAN vững mạnh, trong đó có việc tiếp tục tham vấn và phối hợp giữa các cơ quan chuyên trách triển khai ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN nhằm thực hiện Kế hoạch phục hồi toàn diện hậu COVID-19, tập trung vào các lĩnh vực chiến lược như y tế công cộng, thúc đẩy thương mại nội khối, kinh tế số, chuỗi cung ứng và an ninh con người.
[Đại sứ Indonesia tại ASEAN đề cao khả năng lãnh đạo của Việt Nam]
Đánh giá về vai trò và vị thế của Việt Nam sau 25 năm gia nhập ASEAN, nhà ngoại giao Lào cho rằng Việt Nam đã tích cực đóng góp và khuyến khích các nỗ lực chung trong quá trình thành lập Cộng đồng ASEAN thông qua tất cả các lĩnh vực hợp tác và trên cả 3 trụ cột, đưa ASEAN dần phát triển và chính thức thành lập Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015.
Theo Đại sứ Ekkaphab, một trong những thành tựu nổi bật nhất là Việt Nam đã góp phần quan trọng vào việc duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, đặc biệt là việc đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều năm 2019 tại Hà Nội.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã hoàn thành tốt các nghĩa vụ, cụ thể là đảm nhiệm thành công hai nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN năm 1998 và năm 2010, và nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN lần thứ 3 trong năm nay với chủ đề “Gắn kết và chủ động thích ứng” phù hợp với tình hình hiện tại, nhất là hợp tác ASEAN nhằm giải quyết các thách thức của đại dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã tích cực khuyến khích hợp tác kinh tế trong ASEAN, cũng như giữ vai trò chủ chốt trong việc ủng hộ Sáng kiến Hội nhập ASEAN (IAI) nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển nội khối, trong đó chủ yếu là Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam (CLMV), nhằm phát triển cơ sở hạ tầng, thông tin và viễn thông, công nghệ, nguồn nhân lực và kết nối kinh tế trong khu vực, phát triển kinh tế ngày một đồng đều hơn và từng bước hội nhập với các quốc gia thành viên ASEAN khác, mang lại lợi ích cho người dân ASEAN, cũng như người dân Việt Nam và Lào.
Đánh giá về vai trò và vị thế của ASEAN, Đại sứ Ekkaphab cho rằng trong 53 năm qua, tổ chức khu vực này đã phát triển đồng bộ với khu vực và quốc tế, bất chấp sự đa dạng về văn hóa, tôn giáo, ngôn ngữ, hệ thống chính trị và trình độ phát triển, qua đó từng bước đưa ASEAN trở nên lớn mạnh.
ASEAN hiện bao gồm 10 quốc gia Đông Nam Á và từng bước làm sâu sắc và mở rộng hợp tác trên tất cả các lĩnh vực như chính trị và an ninh, kinh tế, và văn hóa-xã hội.
Đồng thời, ASEAN đã tăng cường quan hệ đối ngoại thông qua việc mở rộng quan hệ đối thoại với các nước lớn trên thế giới, thiết lập nhiều nền tảng hợp tác đối ngoại phù hợp với tiềm năng và thực tế của mỗi nước, đồng thời duy trì vai trò trung tâm của mình.
Theo Đại sứ Ekkaphab, các thành tựu của ASEAN trong 53 năm qua đã được gặt hái nhờ một số yếu tố. Một trong những yếu tố quan trọng nhất là “Phương thức ASEAN” với tư cách là nền tảng hợp tác, dựa trên tính chất đa dạng của khu vực, sự hiểu biết lẫn nhau và tuân thủ các nguyên tắc của ASEAN như tham vấn và đồng thuận, cũng như Hiến chương ASEAN, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam (TAC), và các văn kiện chính thức của ASEAN.
Những yếu tố này đã giúp ASEAN ngày càng được công nhận tại các diễn đàn khu vực và quốc tế.
Đại sứ Ekkaphab nhấn mạnh rằng thành tựu lớn nhất của ASEAN là duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh và ổn định tại Đông Nam Á, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội của các quốc gia thành viên, tăng cường hợp tác nội khối, thúc đẩy quan hệ đối ngoại và góp phần thành lập Cộng đồng ASEAN - một cộng đồng có nền tảng vững chắc hướng tới tương lai - vào ngày 31/12/2015.
Khẳng định năm 2020 là năm quan trọng đối với ASEAN, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Đại sứ Ekkaphab đánh giá ASEAN đã thể hiện được sự đoàn kết và ủng hộ lẫn nhau giữa các nước thành viên, cũng như các nỗ lực chung của cả khối với các đối tác bên ngoài trong việc ngăn chặn, giám sát, kiểm soát và ứng phó với tác động của dịch bệnh./.