Đại sứ Hà Kim Ngọc: Việt Nam coi trọng quan hệ Đối tác Mekong-Mỹ

Đại sứ Hà Kim Ngọc khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ Đối tác Mekong-Mỹ, cam kết tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Mỹ và các nước Mekong thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch đã thỏa thuận.
Hội thảo trực tuyến công bố Báo cáo tóm tắt kết quả Đối thoại chính sách kênh 1,5 trong khuôn khổ quan hệ Đối tác Mekong-Mỹ. (Ảnh: TL CQTT Washington)

Nhận lời mời của Trung tâm Stimson, sáng ngày 15/9, Đại sứ tại Mỹ Hà Kim Ngọc đã tham dự Hội thảo trực tuyến công bố Báo cáo tóm tắt kết quả Đối thoại chính sách kênh 1,5 trong khuôn khổ quan hệ Đối tác Mekong-Mỹ.

Cùng tham dự sự kiện có Quan chức cao cấp Kin Moy, Cục Đông Á và Thái Bình Dương, Bộ Ngoại giao Mỹ, Đại sứ Campuchia tại Mỹ Chum Soundry, Phó Đại sứ Lào Bounthanongsack Chanthalath, đại diện một số Đại sứ quán các nước Mekong tại Mỹ, đại biểu nhiều tổ chức, cơ quan liên quan tại Mỹ và các nước Mekong.

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, tại Hội thảo, các đại biểu đều hoan nghênh những bước tiến trong hợp tác giữa các nước Mekong và Mỹ, nhất là việc nâng cấp từ Sáng kiến Hạ nguồn Mekong (LMI) lên quan hệ Đối tác Mekong-Mỹ từ năm 2020, qua đó mở rộng hơn lĩnh vực hợp tác và thu hút thêm nguồn lực cam kết.

Các đại biểu cũng đánh giá cao kết quả cuộc Đối thoại chính sách kênh 1,5 đầu tiên được tổ chức vào tháng 3/2021.

Hội thảo này đã đưa ra nhiều khuyến nghị thiết thực và có giá trị để thúc đẩy hơn nữa hợp tác Mekong-Mỹ trong các lĩnh vực kết nối, năng lượng và hạ tầng, quản lý nguồn nước xuyên biên giới, xây dựng các giải pháp “thuận thiên” và xử lý các thách thức an ninh phi truyền thống.

[Mỹ cam kết tăng cường hợp tác với các nước tiểu vùng sông Mekong]

Phát biểu tại Hội thảo, Đại sứ Hà Kim Ngọc khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ Đối tác Mekong-Mỹ, cam kết tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Mỹ và các nước Mekong thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch đã thỏa thuận.

Đại sứ thông báo trong năm Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã phối hợp với các nước ASEAN và các đối tác tích cực gắn kết các mục tiêu, kế hoạch phát triển của Tiểu vùng Mekong với mục tiêu, chiến lược phát triển chung của ASEAN, nhất là trong lĩnh vực thu hẹp khoảng cách phát triển, thúc đẩy kết nối hạ tầng và phát triển bền vững.

Đánh giá cao nội dung, kết quả và các khuyến nghị chính sách đưa ra tại Đối thoại chính sách kênh 1,5, Đại sứ Hà Kim Ngọc đề nghị trong thời gian tới, các nước Mekong và Mỹ tiếp tục ưu tiên thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực phát triển hạ tầng, kinh tế số, năng lượng sạch và tái tạo.

Đại sứ đề nghị các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp Mỹ tích cực quan tâm, tìm hiểu cơ hội và gia tăng đầu tư tại khu vực, nhất là khuyến khích đầu tư của khu vực tư nhân cũng như quan hệ Đối tác công-tư (PPP).

Trước mắt, Đại sứ gợi ý các công ty, doanh nghiệp Mỹ có thể xem xét, tập trung triển khai thành công một vài dự án hạ tầng trọng điểm, có ý nghĩa biểu tượng cao cho quan hệ Đối tác Mekong-Mỹ.

Ngoài ra, Đại sứ đề nghị hai bên tiếp tục ưu tiên hợp tác nhằm nâng cao khả năng chống chịu và thích ứng của tiểu vùng Mekong trước các tác động của biến đổi khí hậu, cũng như hợp tác quản lý bền vững nguồn nước.

Đại sứ Hà Kim Ngọc cũng đề xuất tăng cường phối hợp giữa Đối tác Mekong-Mỹ với các cơ chế, khuôn khổ hợp tác tiểu vùng khác như Mekong-Nhật Bản, Mekong-Hàn Quốc, Mekong-sông Hằng (với Ấn Độ) và Mekong-Lan Thương (với Trung Quốc).

Đối thoại chính sách kênh 1,5 quan hệ Đối tác Mekong-Mỹ (MUSP) là hoạt động đã được nhất trí trong Kế hoạch hành động MUSP 2021-2023 được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mekong-Mỹ tháng 8/2021.

Dự kiến trong giai đoạn 2021-2023, sẽ có 7 vòng đối thoại được tổ chức nhằm tạo cơ hội cho các quan chức, học giả, tổ chức phi chính phủ và người dân tham gia, đóng góp ý kiến nhằm góp phần xây dựng chính sách, biện pháp ứng phó với những thách thức bền vững mà Tiểu vùng Mekong đang đối mặt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục