Đại sứ Đinh Toàn Thắng: Năm 2024, quan hệ Việt Nam-Pháp vươn lên tầm cao mới

Đại sứ Việt Nam ở Pháp Đinh Toàn Thắng khẳng định năm 2024 là một năm lịch sử trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Pháp, đặc biệt với chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm hồi tháng 10/2024.
Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng. (Ảnh: Nguyễn Thu Hà/TTXVN)

Năm 2024 đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam-Pháp, khi hai nước nâng cấp lên Đối tác Chiến lược Toàn diện.

Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng đã có cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN tại Paris về những thành tựu nổi bật và các định hướng hợp tác tương lai giữa hai nước.

Đại sứ Đinh Toàn Thắng khẳng định năm 2024 là một năm lịch sử trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Pháp, đặc biệt với chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm hồi tháng 10/2024.

Chuyến thăm đã đưa Pháp trở thành quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đầu tiên có quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với Việt Nam. Sự kiện này không chỉ khẳng định sự tin cậy lẫn nhau mà còn mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới trong các lĩnh vực như kinh tế, quốc phòng, văn hóa và giáo dục.

Hai bên tiếp tục duy trì trao đổi đoàn các cấp, tiến hành họp định kỳ cơ chế hợp tác, đối thoại như Đối thoại cấp cao về kinh tế lần 8, Đối thoại Biển lần thứ nhất, giúp tăng cường hiểu biết lẫn nhau, tháo gỡ vướng mắc trong các hồ sơ song phương và thúc đẩy hợp tác trong các vấn đề quốc tế và khu vực.

Đại sứ bày tỏ tin tưởng rằng hai bên sẽ sớm thống nhất lộ trình hiện thực hóa các cam kết trong Tuyên bố chung nâng cấp quan hệ Việt Nam-Pháp lên Đối tác Chiến lược Toàn diện nhân các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo cấp cao hai nước trong năm 2025.

Về kinh tế, Pháp tiếp tục là đối tác quan trọng của Việt Nam tại châu Âu với kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng mạnh mẽ. Các doanh nghiệp Pháp đã đầu tư đáng kể vào các lĩnh vực tiềm năng của Việt Nam như công nghệ cao, năng lượng tái tạo và chuyển đổi số. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam cũng tích cực tìm kiếm cơ hội tại thị trường Pháp.

Về quốc phòng, Đại sứ Đinh Toàn Thắng đánh giá chuyến thăm của Bộ trưởng Quân đội Pháp tới Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ đã nhấn mạnh vai trò của Việt Nam như một hình mẫu về hòa giải sau chiến tranh.

Trung tâm lưu trữ tư liệu Bộ quốc phòng Pháp giới thiệu những thước phim tư liệu do Trung tâm sản xuất về cuộc chiến Điện Biên Phủ. (Ảnh: Nguyễn Thu Hà/TTXVN)

Trong các tiếp xúc, trao đổi ở các cấp, hai bên cam kết triển khai các thỏa thuận đã ký và mở rộng hợp tác trong gìn giữ hòa bình, rà phá bom mìn, tìm kiếm người mất tích và triển lãm quốc phòng.

Các chương trình giao lưu văn hóa, giáo dục và khoa học giữa hai quốc gia cũng được đẩy mạnh, tạo nên những kết nối bền vững giữa thế hệ trẻ của chúng ta. Các sáng kiến hợp tác trong nghiên cứu khoa học, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao và đổi mới sáng tạo, đã góp phần nâng cao chất lượng hợp tác toàn diện giữa hai bên. Tuy nhiên, Đại sứ Đinh Toàn Thắng cho rằng vẫn còn một số thách thức cần vượt qua.

Đại sứ Đinh Toàn Thắng nhấn mạnh hợp tác kinh tế giữa hai nước cần đi sâu hơn, đặc biệt trong các ngành công nghiệp mũi nhọn như công nghệ cao, năng lượng tái tạo và sản xuất bền vững. Việc tiếp cận thị trường và đầu tư cũng cần được cải thiện để hỗ trợ tốt hơn cho các doanh nghiệp hai nước. Ngoài ra, các lĩnh vực mới nổi như trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số và bảo vệ môi trường cũng cần được đẩy mạnh để bắt kịp xu thế toàn cầu.

Để mối quan hệ này phát triển thiết thực hơn trong thời gian tới, hai bên cần chuyển đổi từ các cam kết đơn lẻ sang các chương trình hợp tác chiến lược dài hạn. Đồng thời, Pháp với vai trò là thành viên chủ chốt của EU có thể hỗ trợ Việt Nam mở rộng quan hệ với khối này, đặc biệt trong các lĩnh vực thương mại, giáo dục và bảo vệ môi trường.

Việt Nam cũng cần tận dụng các sáng kiến quốc tế do Pháp khởi xướng để nâng cao vị thế, như tham gia Hội nghị Thượng đỉnh AI (dự kiến diễn ra trong tháng 2/2025) hay Hội nghị Liên hợp quốc về Đại dương lần thứ 3 (6/2025).

Theo Đại sứ Đinh Toàn Thắng, quan hệ giữa Việt Nam và các tổ chức quốc tế tại Pháp cũng có bước tiến vượt bậc. Việt Nam đã đảm nhiệm vai trò quan trọng trong Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), thúc đẩy các dự án về phát triển bền vững, chuyển đổi số và ứng phó biến đổi khí hậu.

Đặc biệt, quan hệ với UNESCO tiếp tục được củng cố thông qua việc vận động thành công nhiều danh hiệu quan trọng, qua đó quảng bá hình ảnh quốc gia và thu hút nguồn lực phát triển.

Năm 2024 không chỉ là dấu mốc phát triển vượt bậc trong quan hệ Việt Nam-Pháp mà còn khẳng định vai trò của Việt Nam như một đối tác quan trọng trên trường quốc tế.

Với nền tảng vững chắc và sự cam kết mạnh mẽ từ cả hai phía, mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước hứa hẹn sẽ ngày càng phát triển sâu rộng, mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai quốc gia và đóng góp tích cực vào các mục tiêu chung toàn cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục