Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc và đoàn công tác đặt vòng hoa tại Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở thủ đô Buenos Aires trong khuôn khổ chuyến công tác tại Argentina từ ngày 29/9 đến ngày 1/10/2024. (Ảnh: TTXVN phát)

Đại sứ Argentina: Văn hóa truyền thống Việt Nam thấm đẫm trong đời sống

Đại sứ Argentina tại Việt Nam cho rằng hai nước tuy có khoảng cách xa xôi về mặt địa lý nhưng lại có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, phong cách sống.

Từ khi bắt đầu nhiệm kỳ tại Việt Nam vào tháng 8/2024, Đại sứ Argentina tại Việt Nam Marcos A. Bednarski đã rất phấn khởi khi được công tác tại một đất nước hiếu khách và giàu năng lượng.

Ngày 11/12, Đại sứ hào hứng chủ trì Ngày Tango Quốc gia Argentina tại Hà Nội nhằm thúc đẩy sự giao lưu văn hóa và thấu hiểu lẫn nhau giữa hai dân tộc.

Nhân dịp này, Đại sứ chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus về triển vọng trong mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Argentina.

Hợp tác kinh tế-thương mại còn nhiều dư địa

- Đại sứ có đánh giá như thế nào về quan hệ hợp tác giữa hai nước trong thời điểm hiện nay?

Đại sứ Bednarski: Argentina là một trong những quốc gia đầu tiên ở Mỹ Latinh thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam (25/10/1973-25/10/2023), sau khi Hiệp định Paris được ký kết vào năm 1973.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Argentina Mauricio Macri duyệt đội danh dự Quân đội Nhân dân Việt Nam. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Việc hai nước mở Đại sứ quán tại hai thủ đô từ những năm 1990 và tiếp theo đó là các chuyến thăm thường xuyên của lãnh đạo cấp cao hai nước đã tạo động lực mạnh mẽ để thúc đẩy các mối quan hệ chính trị, kinh tế, văn hóa giữa Việt Nam và Argentina.

Việt Nam và Argentina tuy xa cách về địa lý, nhưng nhân dân hai nước có mối quan hệ hữu nghị, luôn dành cho nhau tình đoàn kết và sự ủng hộ quý báu. Việt Nam luôn trân trọng và ghi nhớ phong trào quần chúng nhân dân Argentina đoàn kết ủng hộ nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây.

Nói về quan hệ song phương giữa Argentina và Việt Nam, chúng tôi rất hài lòng về những thành tựu đã đạt được.

Hai nước đã thiết lập nhiều cơ chế và ký kết nhiều văn kiện quan trọng thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực thế mạnh. Các cơ chế hợp tác như: Cơ chế tham khảo chính trị cấp Thứ trưởng ngoại giao giữa hai nước (đã tiến hành được 8 phiên, trong đó phiên thứ 8 tổ chức trực tuyến vào tháng 5/2021); Bộ trưởng Ngoại giao hai nước tiến hành điện đàm (tháng 4/2022); Ủy ban hợp tác liên chính phủ (thành lập từ năm 1999) họp định kỳ 2 năm/phiên và đã tiến hành 7 phiên, trong đó phiên thứ 7 theo hình thức trực tuyến (tháng 8/2021).

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao, Ngoại thương và Tôn giáo Argentina Diana Elena Mondino ngày 20/3/2024. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Các Hiệp định, thỏa thuận đã ký kết như: Khuyến khích và bảo hộ đầu tư, Hợp tác kinh tế-thương mại, Hợp tác công và nông nghiệp, Bản ghi nhớ về hợp tác trong xúc tiến đầu tư, Hợp tác thú y, Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực phát thanh, Bản ghi nhớ về hợp tác chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, Bản ghi nhớ về hợp tác chống buôn người…

Ngoài hợp tác song phương, hai nước ủng hộ nhau và hợp tác hiệu quả tại các diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới, Diễn đàn hợp tác Đông Á-Mỹ Latinh (FEALAC) và Hợp tác Nam-Nam trong khuôn khổ Liên hợp quốc. Trên cơ sở quan hệ chính trị tốt đẹp, Việt Nam mong muốn nhận được sự ủng hộ của Argentina bầu Việt Nam vào Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2023-2027, ủng hộ Việt Nam làm thành viên của Ủy ban Liên hợp quốc về Luật Thương mại quốc tế (UNCITRAL) nhiệm kỳ 2025-2031 và tăng cường hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương.

Cùng với quan hệ chính trị-ngoại giao tốt đẹp, hợp tác về kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Argentina tiếp tục phát triển, trở thành nền tảng cho quan hệ lâu dài giữa hai nước.

Lễ ký biên bản thỏa thuận hợp tác trong khuôn khổ Hội nghị Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội-Argentina 2024. (Ảnh: Diệu Hương/TTXVN)

Argentina xuất khẩu sang Việt Nam thức ăn chăn nuôi và ngô, chiếm tới 93% kim ngạch xuất khẩu sang Việt Nam. Các sản phẩm khác là da, thủy hải sản, dược phẩm, rượu và thịt bò. Trong khi đó, chúng tôi nhập khẩu điện thoại, thiết bị điện tử, giày dép, sản phẩm dệt may từ Việt Nam.

Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Argentina ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ, và là đối tác thương mại lớn thứ 8 của chúng tôi trên toàn cầu.

Tôi cho rằng hợp tác kinh tế-thương mại hai nước còn nhiều dư địa để phát triển.

Ngoài ra, quan hệ giao lưu văn hóa và nhân dân giữa hai nước cũng phát triển tương đối nhanh chóng với những điểm nhấn, như việc xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Công viên Việt Nam ở thủ đô Buenos Aires. Cùng với đó, ngày càng có nhiều địa phương của hai nước xây dựng quan hệ kết nghĩa với nhiều hình thức đa dạng và phong phú góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của các địa phương.

- Trong nhiệm kỳ của mình, Đại sứ sẽ ưu tiên tập trung thúc đẩy quan hệ hợp tác hai nước trong những lĩnh vực nào?

Đại sứ Bednarski: Tôi cho rằng công nghệ sinh học, nông nghiệp công nghệ cao là lĩnh vực mà Argentina đã có nhiều thành tựu phát triển và chúng tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam.

Đại sứ Argentina tại Việt Nam Marcos A. Bednarski. (Ảnh: ĐSQ)

Ngoài ra, năng lượng là một lĩnh vực có nhiều dư địa để hợp tác, đặc biệt vì Argentina có trữ lượng đáng kể dầu và khí đốt cùng các mỏ lithium, tạo điều kiện để có thể đóng góp vào quá trình chuyển đổi năng lượng, hướng tới xây dựng nền kinh tế xanh.

Ngành khai khoáng Argentina đang nhận được những khoản đầu tư quan trọng để khai thác đồng, niken, bạc, vàng và chúng tôi hy vọng xuất khẩu của Argentina sang Việt Nam sẽ có mức tăng trưởng đáng kể với các sản phẩm khoáng sản nói trên.

Về thương mại, Argentina ủng hộ và sẽ tích cực thúc đẩy sớm đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR), góp phần thiết thực vào sự phát triển kinh tế mỗi nước và các nước MERCOSUR, tạo quan hệ lâu dài, bền chặt và đưa quan hệ song phương Việt Nam-Argentina lên một tầm cao mới.

Chương trình giao lưu nhân dân trong năm 2025 do đại sứ quán tổ chức cũng sẽ rất sôi động. Cụ thể, ngày 17/04/2025, nhân kỷ niệm Ngày Rượu vang Malbec Thế giới, chúng tôi sẽ có các hoạt động quảng bá ở các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh.

Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục quảng bá điệu nhảy Tango. Trong các cuộc gặp gỡ với lãnh đạo địa phương, tôi đã đề nghị họ ủng hộ sáng kiến đưa điệu nhảy Tango vào các hoạt động giao lưu văn hóa của thành phố.

Về thể thao, Argentina là một cường quốc bóng đá thế giới, chúng tôi hy vọng cũng có thể hợp tác trong lĩnh vực thể thao với Việt Nam. Hiện nay, huấn luyện viên trưởng đội tuyển futsal Việt Nam là người Argentina. Ông Diego Giustozzi là huấn luyện viên danh tiếng, từng đưa tuyển futsal Argentina vô địch World Cup 2016. Chúng tôi hy vọng sẽ có thêm các chuyên gia thể thao Argentina sẽ đến làm việc tại Việt Nam.

Hào hứng trải nghiệm Tết Việt

- Đại sứ có cảm xúc như thế nào khi nhận nhiệm vụ ngoại giao tại Việt Nam?

Đại sứ Bednarski: Tôi từng đến Việt Nam du lịch cách đây vài năm, tôi rất thích Việt Nam và các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á.

Kể từ khi đến Hà Nội vào tháng Bảy năm nay, tôi đã bắt gặp một thành phố rất sôi động với nguồn năng lượng tích cực. Tôi nhận thấy người dân ở đây rất chăm chỉ làm việc với quyết tâm phát triển, vì một tương lai ngày càng tốt đẹp hơn.

Bí thư Đoàn thanh niên Cộng sản Argentina Ivana Estefano trình bày tham luận tại Hội thảo “Hồ Chí Minh và quan hệ Việt Nam–Mỹ Latinh” ngày 22/8/2024. (Ảnh: Diệu Hương/TTXVN)

Tôi cũng rất ấn tượng trước sự thân thiện, hiếu khách của người dân.

Hai tuần trước, tôi có chuyến công tác tại Thành phố Hồ Chí Minh, với một lịch trình hoạt động rất phong phú. Tại các buổi tiếp xúc với các lãnh đạo thành phố, chúng tôi đã có dịp cùng đánh giá tiềm năng của mối quan hệ song phương Argentina và Việt Nam. Tôi cũng nhận thấy Hồ Chí Minh là một thành phố rất năng động.

Tôi rất thích ẩm thực Việt Nam đặc biệt là các món ăn có vị cay nồng nàn. Người Việt kết hợp nhiều gia vị một cách khéo léo, tạo ra ấn tượng khó quên.

Ở Việt Nam, có thể thấy văn hóa truyền thống thấm đẫm, in sâu vào đời sống. Tôi thấy người phụ nữ Việt mặc áo dài trong các dịp lễ hội hay sự kiện quan trọng cho thấy sự trân trọng bản sắc.

Hai nước chúng ta có khoảng cách địa lý lớn nhưng lại có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, phong cách sống nên tôi có cảm giác rất gần gũi.

- Năm nay sẽ là năm đầu tiên Đại sứ đón Tết cổ truyền Việt Nam. Ông đã có dự định gì để trải nghiệm nét văn hóa độc đáo này?

Đại sứ Bednarski: Tết Nguyên đán là dịp lễ quan trọng nhất của người Việt. Vì là lần đầu tiên đón Tết Việt nên tôi rất háo hức. Tôi sẽ dành thời gian khám phá, tìm hiểu thêm về văn hóa cổ truyền Việt Nam, tham quan một số thắng cảnh. Đón Tết là phong tục truyền thống tốt đẹp, là dịp tốt để tôi hiểu hơn về văn hóa và con người Việt Nam.

- Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục