Đài Loan dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu thịt bò Nhật Bản kéo dài 16 năm

Việc nhập khẩu được nối lại với điều kiện thịt và sản phẩm thịt bò Nhật Bản phải là từ những con bò được chưa tới 30 tháng tuổi, độ tuổi được cho là ít có nguy cơ nhiễm bệnh bò điên.
Đài Loan dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu thịt bò Nhật Bản kéo dài 16 năm ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Sky News)

Vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) ngày 18/9 đã dỡ bỏ có điều kiện lệnh cấm nhập khẩu thịt bò của Nhật Bản kéo dài 16 năm qua.

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Cơ quan quản lý Thuốc và Thực phẩm (FDA) Đài Loan ban hành thông báo hôm 17/7, trong đó cho biết Đài Loan đã nhất trí về nguyên tắc đối với việc dỡ bỏ lệnh cấm này.

Theo đó, việc nhập khẩu được nối lại với điều kiện thịt và sản phẩm thịt bò Nhật Bản phải là từ những con bò được chưa tới 30 tháng tuổi, độ tuổi được cho là ít có nguy cơ nhiễm bệnh bò điên. Ngoài ra, bò bị giết mổ và xử lý tại những cơ sở được Chính phủ Nhật Bản cấp giấy chứng nhận, cũng như có xuất xứ trang trại mà chúng được chăn nuôi trong hơn 100 ngày.

Người đứng đầu bộ phận an toàn thực phẩm của FDA Wu Tsung-his cho biết chính quyền Đài Loan đang đợi Chính phủ Nhật Bản cung cấp danh sách các cơ sở được chính phủ chứng nhận, để các nhà nhập khẩu của Đài Loan có thể nhập khẩu thịt bò Nhật Bản từ những cơ sở này.

Năm 2001, vùng lãnh thổ Đài Loan đã áp đặt lệnh cấm đối với thịt bò nhập khẩu từ Nhật Bản sau khi phát hiện bệnh bò điên ở nước này.

Việc dỡ bỏ lệnh cấm đối với thịt bò Nhật Bản được coi là bước tiến quan trọng trong đàm phán song phương về một Hiệp định Quan hệ Đối tác Kinh tế (EPA). Theo các nguồn thạo tin, với việc dỡ bỏ trên, hai bên có thể tiến tới giải quyết trở ngại tiếp theo là những hạn chế của Đài Loan đối với nhập khẩu thực phẩm của 5 tỉnh Nhật Bản, được áp đặt sau sự cố hạt nhân tại Nhà máy điện Fukushima số 1 do trận động đất, sóng thần gây ra hồi tháng 3/2011.

Đài Loan nhập khẩu tới 95% thịt bò để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tại vùng lãnh thổ này. Năm ngoái, Mỹ là nước xuất khẩu thịt bò lớn nhất của Đài Lan, tiếp đó là Australia và New Zealand./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục