Đại lễ Phật đản: Tăng, ni TP.HCM xét nghiệm COVID-19 trước khi hành lễ

Đối với các Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo quận, huyện, nếu đã đăng ký tổ chức lễ An cư Kiết hạ sẽ được tập trung với số lượng không quá 20 tăng ni và đều phải có kết quả âm tính với SARS CoV-2.
Nghi lễ Tắm Phật được tổ chức nội bộ, đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống COVID-19. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Ngày 24/5, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh ra thông báo hướng dẫn việc tổ chức lễ An cư Kiết hạ Phật lịch 2565-Dương lịch 2021 tại Thành phố Hồ Chí Minh theo đúng các quy định Giáo luật và đảm bảo yếu tố phòng, chống dịch COVID-19.

Theo công văn khẩn do Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, ấn ký yêu cầu, các Ban chuyên ngành Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các quận, huyện, chư tôn đức trụ trì các tự, viện trên địa bàn thành phố tổ chức lễ An cư Kiết hạ Phật lịch 2565 đảm bảo tinh thần giữ gìn quy củ, sự trang nghiêm của Giáo hội và lợi ích xã hội, đồng thời đảm bảo công tác phòng, chống dịch theo đúng trách nhiệm đối với sức khỏe cộng đồng.

Theo đó, lễ An cư Kiết hạ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh sẽ chuyển sang biện pháp hậu An cư Kiết hạ, dự kiến thực hiện vào ngày 16/5 Tân Sửu.

Đối với các Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo quận, huyện, nếu đã đăng ký tổ chức An cư Kiết hạ Phật lịch 2565 với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và được đồng thuận chấp nhận sẽ tiến hành An cư Kiết hạ tập trung với số lượng không quá 20 hành giả (tăng ni tham dự), đảm bảo biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định.

Các hành giả phải có giấy xác nhận âm tính với SARS CoV-2 trước đó 1 ngày.

[Phát động tuần lễ 'Tắm Phật online,' góp quỹ phòng chống COVID-19]

Các hành giả chưa có giấy xác nhận, Ban tổ chức phối hợp với cơ quan y tế địa phương xét nghiệm SARS-CoV-2 tại chỗ ít nhất 1 ngày trước khi nhập lễ.

Trong thời gian tập chúng An cư, các hành giả không được xuất ngoại giới (ra ngoài nơi tu tập).

Nếu các Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo quận, huyện chưa đăng ký tổ chức An cư Kiết hạ Phật lịch 2565 với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ chuyển sang biện pháp hậu An cư Kiết hạ (từ 17/4 Tân Sửu đến 16/5 Tân Sửu).

Trong trường hợp An cư tại chỗ, Ban tổ chức không được phép nhận người từ bên ngoài tham dự.

Nội dung nghi lễ trong mùa An cư Kiết hạ Phật lịch 2565 bao gồm hoạt động tụng kinh, tọa thiền, niệm Phật… nghiên cứu kinh Phật, Hiến chương Giáo hội, nội quy Ban Tăng sự Trung ương, thông bạch, thông tư... của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Luật tín ngưỡng tôn giáo và quy định của Nhà nước đối với tôn giáo.

An cư Kiết hạ là một hoạt động tu tập đặc trưng, có ý nghĩa đặc biệt của Phật giáo, diễn ra từ Rằm tháng 4 đến Rằm tháng 7 hàng năm.

Trong thời gian này, tăng, ni dành trọn thời gian cho việc tu học, tu tâm, trau dồi Phật pháp. Trong ba tháng an cư, tăng, ni hạn chế mọi tiếp xúc bên ngoài, không để các yếu tố bên ngoài chi phối hay làm ảnh hưởng quá trình an trí, tu tập.

Kết quả An cư Kiết hạ được coi là một trong những tiêu chí quan trọng đánh giá về quá trình tu tập, rèn luyện của các tăng, ni./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục