Đại lễ kỷ niệm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam diễn ra ngày 7/11

Đại lễ sẽ diễn ra vào sáng 7/11, qua hệ thống đường truyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ điểm cầu Hà Nội kết nối với điểm cầu Thành phố Hồ Chí Minh và các điểm cầu tại các tỉnh, thành phố.
Ảnh minh họa. (Ảnh: TTXVN)

Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, trong điều kiện dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, Ban thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội đã quyết định tổ chức Đại lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập (1981-2021) theo hình thức trực tuyến.

Đại lễ sẽ diễn ra vào sáng 7/11, qua hệ thống đường truyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ điểm cầu Hà Nội (trụ sở Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) kết nối với điểm cầu Thành phố Hồ Chí Minh (Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam-Thiền viện Quảng Đức, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh) và các điểm cầu đặt tại trụ sở Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tất cả các tỉnh, thành phố.

Đại lễ có chủ đề “40 năm Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Hội nhập và phát triển cùng đất nước." Đây là sự kiện trọng đại của các cấp Giáo hội, các ban, viện Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và tăng, ni, phật tử Việt Nam ở trong nước và nước ngoài.

Qua đó khẳng định Giáo hội Phật giáo Việt Nam là chủ thể kế thừa lịch sử hàng ngàn năm của Phật giáo Việt Nam. Giáo hội ra đời là sự kết tinh trí tuệ, đáp ứng trọn vẹn nguyện vọng thống nhất các sơn môn, hệ phái của tăng, ni, phật tử Phật giáo Việt Nam.

Đại lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng là dịp các cấp Giáo hội nhìn lại chặng đường lịch sử đã qua, kế thừa truyền thống lịch sử hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam; đánh giá những thành tựu to lớn của Giáo hội trong sự nghiệp hoằng dương chính pháp, phát triển tổ chức, chăm lo cho đồng bào phật tử, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

[Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc gửi thư chúc mừng đồng bào Phật giáo]

Từ đó, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống lịch sử và nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của các cấp Giáo hội, của tăng, ni, phật tử trong việc đoàn kết, hòa hợp, không ngừng xây dựng Giáo hội Phật giáo Việt Nam trưởng thành và phát triển trong thời kỳ hội nhập quốc tế theo phương châm: Đạo pháp-Dân tộc-Chủ nghĩa xã hội, có những bước đi vững chắc cùng đất nước trong tương lai, xây dựng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, hướng đến năm 2045 kỷ niệm 100 năm thành lập nước.

Từ ngày 4-7/11/1981, tại chùa Quán Sứ, Thủ đô Hà Nội, 9 tổ chức hệ phái trong cả nước gồm: Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh, Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam, Giáo hội Thiên Thai Giáo Quán, Giáo hội Tăng già Khất sỹ Việt Nam, Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước miền Tây Nam bộ, Hội Phật học Nam Việt, cùng Ban vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam đã tổ chức thành công Đại hội đại biểu thống nhất Phật giáo, thành lập nên Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Hiện tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam có hai hội đồng: Hội đồng Chứng minh và Hội đồng Trị sự. Hội đồng Chứng minh có 96 thành viên là các trưởng lão cao tăng, thạc đức. Hội đồng Trị sự có 225 ủy viên Hội đồng Trị sự và 45 ủy viên dự khuyết.

Hội đồng Trị sự điều hành 13 ban, viện Trung ương và Phật sự của 63 Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh, thành phố trong cả nước.

Tổng số có gần 55.000 tăng, ni, hơn 18.000 cơ sở tự viện, hơn 50 triệu phật tử và những người yêu mến đạo Phật. Giáo hội đã thành lập 10 Hội Phật tử Việt Nam ở nước ngoài và thiết lập mối liên lạc thường xuyên hướng dẫn tăng, ni, phật tử Việt Nam ở 35 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Trải qua 8 nhiệm kỳ, trong chặng đường 40 năm, Giáo hội Phật giáo Việt Nam là đại diện duy nhất cho tăng, ni, phật tử Việt Nam ở trong nước và nước ngoài, đã có nhiều hoạt động Phật sự ích đạo, lợi đời, có nhiều thành tích tham gia, đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Giáo hội luôn hướng dẫn tăng, ni, phật tử tu tập, thực hành đúng theo chính pháp giáo lý của Phật giáo, sống tốt đời, đẹp đạo, thực hiện nghiêm pháp luật nhà nước, phát huy tinh thần yêu nước, giữ gìn truyền thống văn hóa, nêu cao tinh thần đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết các tôn giáo, xây dựng đời sống văn hóa tâm linh lành mạnh, bài trừ mê tín dị đoan, góp phần vào sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục