Ngày 4/3, tại chùa Nisshikutsu ở Tokyo, Hội Phật giáo Việt Nam tại Nhật Bản đã tổ chức Đại Lễ cầu siêu, thắp nến tri ân, tưởng niệm các liệt sỹ hy sinh trong trận chiến Gạc Ma (14/3/1988-14/3/2018).
Đại lễ có sự tham dự của các tăng ni, phật tử, các sử gia, nhà nghiên cứu lịch sử của Nhật Bản, cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, bạn bè quốc tế, cùng đông đảo cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản.
Tại buổi lễ, ban tổ chức đã thuật lại những diễn biến chính về sự kiện Gạc Ma và khắc họa chân dung các liệt sỹ trong trận chiến này. 30 năm đã trôi qua, sự kiện lịch sử đau thương xảy ra vào ngày 14/3/1988 vẫn còn nguyên giá trị và in đậm trong tâm khảm người dân Việt Nam.
Lời văn tưởng niệm do Sư cô Thích Tâm Trí Hội trưởng Hội Phật tử Việt Nam tại Nhật Bản trình bày đã nêu bật sự hy sinh anh dũng, ý nghĩa sống cao cả của các chiến sỹ trong trận chiến Gạc Ma.
Theo Sư cô Thích Tâm Trí, với đạo lý và triết lý uống nước nhớ nguồn, trong sâu thẳm trái tim của người dân Việt Nam là sự biết ơn vô hạn đối với các chiến sỹ trong trận chiến này. Sự hy sinh của các chiến sỹ là mất mát to lớn, nhưng cũng là niềm tự hào, thôi thúc những người lính biên cương chắc tay súng ngày đêm giữ từng tấc đất, biển đảo, vùng trời quê hương.
Sau lời văn tưởng niệm, các Phật tử, cùng đông đảo cộng đồng người Việt Nam, bạn bè Nhật Bản và quốc tế đã thành kính thắp nến tri ân, cầu nguyện cho anh linh các liệt sỹ được siêu thoát.
Hòa thượng Yoshimizu Daichi chứng minh và gia trì buổi lễ cho biết cũng giống như người dân Việt Nam, người dân Nhật Bản chịu nhiều đau thương mất mát do chiến tranh. Buổi lễ cầu siêu là việc làm có ý nghĩa, giúp mọi người tưởng nhớ những người đã ngã xuống cho cuộc sống hôm nay.
Theo Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Nhật Bản Trần Ngọc Phúc, hạnh phúc chúng ta đang có được xây dựng từ sự hy sinh lớn lao của những người chiến sỹ vì Tổ quốc thân yêu. Sự kiện Gạc Ma của 30 năm trước chưa khi nào vơi giá trị, nhắc nhở các thế hệ Việt Nam phải không ngừng nỗ lực xây dựng phát triển và bảo vệ đất nước.
Nghẹn ngào và xúc động, Phó Chủ tịch Hội Thanh niên sinh viên Việt Nam Trần Thị Thùy đã bày tỏ lòng biết ơn các chiến sỹ đã ngã xuống cho các thế hệ trẻ có cuộc sống hòa bình như hôm nay và những người trẻ như Thùy còn có thể sang Nhật Bản du học, tiếp thu kiến thức của một nước phát triển.
Tinh thần, ý chí anh dũng của người chiến sỹ Gạc Ma 30 năm trước mãi là bản hùng ca tuổi trẻ đầy nhiệt huyết, với lòng quyết tâm cống hiến tất cả để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc thân yêu.
Trong khuôn khổ buổi lễ, ban tổ chức cũng đã tổ chức trưng bày hình ảnh giới thiệu các tư liệu cổ khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như các hành động của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam thời gian gần đây.
Một số hình ảnh về buổi lễ: