Trang mạng nationalinterest.org, tương lai trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Pháp có lẽ phụ thuộc vào khả năng “Âu hóa” cách tiếp cận của Paris.
Đã hơn một năm trôi qua kể từ khi AUKUS - hiệp ước an ninh ba bên giữa Mỹ, Anh và Australia - ra đời và dẫn đến cuộc khủng hoảng ngoại giao ngay sau đó giữa Pháp và Australia.
Sau cú sốc ban đầu do tuyên bố về AUKUS gây ra, Pháp không còn lựa chọn nào khác ngoài việc xem xét cải tổ chính sách đối tác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Sự tranh chấp này không chỉ làm xấu đi quan hệ song phương giữa Paris và Canberra, mà còn gây phức tạp cho các kế hoạch của Pháp trong khu vực.
Mặc dù các phương tiện truyền thông ban đầu coi sự bất bình của Pháp là tranh chấp thương mại do Australia hủy đơn đặt hàng tàu ngầm trị giá hàng tỷ USD với Pháp, song thỏa thuận này chỉ là một phần trong chiến lược lớn hơn của Paris nhằm duy trì vị thế ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Cho đến tháng 9/2021, chiến lược này vẫn được cho là dựa vào 2 trụ cột: nối lại quan hệ với Ấn Độ đã tạo ra một trụ cột ở Ấn Độ Dương, trong khi quan hệ đối tác với Australia là một trụ cột ở Thái Bình Dương. Điều này càng quan trọng hơn bởi vì trong lịch sử, Pháp đã can dự nhiều hơn vào Ấn Độ Dương so với Thái Bình Dương, và quan hệ đối tác với Canberra được kỳ vọng khắc phục phần nào sự mất cân bằng này.
Kể từ căng thẳng do AUKUS, cam kết của Pháp ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã có nhiều định dạng. Ở cấp độ song phương, một trong những bước phát triển quan trọng nhất là việc Pháp nối lại quan hệ với Indonesia.
Trong năm 2022, hai bên đã tăng cường trao đổi cấp bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng. Hồi tháng 7/2022, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto đã gọi Pháp là “đối tác chiến lược chính của Indonesia.”
Vài tháng sau, Bộ trưởng Lực lượng Vũ trang Pháp Sebastien Lecornu khẳng định “một chiến lược gắn kết mạnh mẽ… đang được hình thành giữa Indonesia và Pháp.”
Việc nối lại quan hệ không chỉ bằng lời nói. Trong bối cảnh Indonesia có kế hoạch hiện đại hóa lực lượng vũ trang, Pháp đã ký kết thỏa thuận bán 42 máy bay chiến đấu Rafale cho Indonesia, và tiếp theo có thể là bán 2 tàu ngầm tấn công lớp Scorpene.
Trong khi đó, Pháp đã chấp nhận cách tiếp cận “đơn phương.” Năm 2020, Paris đã khởi động cuộc đối thoại ba bên với Ấn Độ và Australia, nhưng đã bị đình trệ sau cuộc khủng hoảng AUKUS. Tuy nhiên, bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc hồi tháng 9/2022, các nhà ngoại giao Pháp đã gặp gỡ những người đồng cấp Ấn Độ và Australia để khôi phục khuôn khổ đó.
Với Paris, việc Australia có thủ tướng mới sau cuộc bầu cử hồi tháng 5/2022 là điều kiện thuận lợi để khôi phục mối quan hệ. Sau đó 2 tháng, chuyến thăm của tân Thủ tướng Anthony Albanese tới Paris đã giúp khởi động lại cuộc đối thoại Pháp-Australia ở cấp cao nhất. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thậm chí còn gợi ý rằng thỏa thuận tàu ngầm vẫn “nằm trên bàn” nếu chính phủ mới của Australia quan tâm đến ý tưởng này (cho đến nay vẫn chưa).
Cảm giác bị “phản bội” liên quan đến AUKUS đã để lại vết sẹo sâu trong giới hoạch định chính sách đối ngoại và chính quyền Pháp. Mặc dù các cuộc tham vấn song phương có thể tiếp tục, nhưng hiện tại Pháp không có kế hoạch xem xét lại quan hệ đối tác với Canberra như một trụ cột trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Điều thú vị là một cuộc họp ba bên khác đã diễn ra bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc - cuộc họp đầu tiên theo định dạng 3 bên giữa Ấn Độ, Pháp và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Quan hệ đối tác ba bên này đã phát triển một cách nghiêm túc sau thất bại AUKUS, mặc dù các quan chức Pháp thận trọng bác bỏ bất kỳ sự liên quan nào giữa 2 sự kiện và nhấn mạnh rằng việc nối lại quan hệ hữu nghị giữa 3 quốc gia đã được hình thành từ vài năm trước.
Từ năm 2009, UAE đã đồng ý để Pháp đặt trụ sở Bộ Chỉ huy Hải quân ở Ấn Độ Dương tại nước này, với khoảng 800 binh sỹ Pháp đồn trú. Trùng hợp là ngày 15/9/2021, khi AUKUS được công bố, Macron đã tiếp đón nhà lãnh đạo UAE Mohammed bin Zayed, người bất đồng với Mỹ. Ba tháng sau, trong bối cảnh các cuộc đàm phán về F-35 gây tranh cãi giữa Abu Dhabi và Washington bị đình chỉ, UAE thông báo kế hoạch mua 80 máy bay chiến đấu Rafale của Pháp.
Trong khi đó, UAE và Ấn Độ cũng đã nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược, liên quan hợp tác chống khủng bố và các khoản đầu tư lớn của UAE vào cơ sở hạ tầng của Ấn Độ. Năm 2021, hải quân ba nước đã tiến hành tập trận chung ở Vùng Vịnh.
Còn quá sớm để nói nhóm “Bộ ba” này có thể tiến xa đến đâu. Pháp dường như mong muốn thúc đẩy các cuộc đàm phán về hợp tác công nghiệp quốc phòng chung, đặc biệt sau khi Công ty Dassault giành được hợp đồng sản xuất máy bay chiến đấu Rafale cho cả Abu Dhabi và New Delhi.
Ngoài ra, cũng có khả năng Pháp tham vấn nhiều hơn trong lĩnh vực an ninh hàng hải ở Ấn Độ Dương, mặc dù năng lực hạn chế của hải quân UAE có thể làm kìm hãm tham vọng đó.
Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Pháp cũng mang nhiều tham vọng hơn ở cấp độ đa phương. Trong 2 năm qua, Paris đã tăng cường cam kết với các tổ chức khu vực. Năm 2020, Pháp trở thành thành viên chính thức của Hiệp hội Vành đai Ấn Độ Dương, với lập luận rằng các lãnh thổ của Pháp trong khu vực - La Réunion và Mayotte - khiến Pháp trở thành quốc gia có chủ quyền trong khu vực ngang hàng với Bangladesh hoặc Sri Lanka.
Tháng 11/2022, Pháp cũng chính thức nhận quy chế quan sát viên tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng, nền tảng cho các cuộc tham vấn quân sự của ASEAN với các đối tác bên ngoài như Australia, Ấn Độ và Mỹ.
Cũng trong tháng này, Macron trở thành nhà lãnh đạo châu Âu đầu tiên phát biểu tại Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở Bangkok, cho phép ông nêu bật cách tiếp cận của Pháp đối với khu vực, thường được mô tả bằng cụm từ “cân bằng sức mạnh,” một khái niệm mơ hồ cả trong cả tiếng Anh và tiếng Pháp.
Giới chức Pháp khẳng định Paris bác bỏ khái niệm “đối đầu” giữa các cường quốc trong khu vực. Mục tiêu của chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Pháp không phải là chống Trung Quốc mà là thúc đẩy quan hệ đối tác dựa trên lợi ích chung hơn là các mối đe dọa chung. Những lập luận đó của Pháp giống như một lời chỉ trích gần như công khai đối với lập trường của Mỹ, được coi là quá phân cực ở Paris (cũng như ở một số quốc gia châu Á).
Các sáng kiến gần đây như nối lại quan hệ với Indonesia, khởi động đối thoại 3 bên với UAE và Ấn Độ cũng như khôi phục đối thoại với Ấn Độ và Australia đã tạo động lực mới cho chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Pháp. Phải thừa nhận rằng quan hệ đối tác với Abu Dhabi và New Delhi có những hạn chế riêng của nó, dù giúp Pháp tăng cường sự hiện diện ở Tây Ấn Độ Dương nhưng khó có thể vượt ra ngoài khu vực đó. Đây một lần nữa là điều làm cho quan hệ đối tác của Pháp với Canberra trở nên rất quan trọng.
Do đó, Pháp vẫn đang xem xét các cách để mở rộng chính sách đối tác. Một số nhà quan sát suy đoán Indonesia có thể tham gia định dạng 3 bên Pháp-Ấn Độ-UAE.
[Pháp, Ấn Độ cam kết phối hợp tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương]
Ngoài việc nối lại quan hệ gần đây với Pháp, quốc gia Đông Nam Á này cũng đã xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với cả Ấn Độ và UAE. Singapore cũng thường xuyên được nhắc đến, đặc biệt là do hợp tác ngoại giao và quân sực quan trọng của họ với Paris. Khi duy trì thế cân bằng thận trọng giữa Mỹ và Trung Quốc, Singapore cũng có thể thấy luận điệu của Pháp hấp dẫn hơn quan điểm hiện tại của Washington.
Xét cho cùng, trong quá trình tìm kiếm các mối quan hệ đối tác khu vực để củng cố chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Pháp phải đối mặt với 2 vấn đề cơ bản. Đầu tiên là khả năng định hình môi trường khu vực.
Giới chính sách châu Á vẫn hoài nghi về sức mạnh quân sự và kinh tế mà một quốc gia như Pháp có thể triển khai ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương khi so sánh với các cường quốc như Mỹ và Trung Quốc. Paris nhận thức rõ sự cần thiết phải giải quyết sự hoài nghi này và trong năm qua đã triển khai lực lượng hải quân để tăng cường sự hiện diện ở các vùng biển châu Á.
Chi tiêu quân sự của Pháp dự kiến cũng sẽ tăng, nhưng ít bị chi phối bởi các thách thức an ninh của châu Á hơn là do cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine. Không ai ở Paris ảo tưởng rằng Pháp có thể sánh ngang với năng lực của Mỹ và Trung Quốc. Thay vào đó, mục tiêu là duy trì đủ nguồn lực để dẫn dắt các cường quốc tầm trung ở châu Á xem xét đề xuất của Pháp như một giải pháp thay thế thực sự.
Thách thức thứ hai đối với Paris liên quan sự cần thiết phải làm rõ vị thế trong khu vực. Mặc dù các nhà ngoại giao Pháp ca ngợi tính đặc thù của chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của nước này so với của Mỹ, những câu cửa miệng như “con đường thứ ba của Paris,” “cân bằng sức mạnh” hay Pháp là “cường quốc của các sáng kiến” đều không có sức thuyết phục; trái lại giống như những tuyên bố vụng về để che giấu việc thiếu các mục tiêu cụ thể hoặc tệ hơn, có thể bị coi là lời hoa mỹ che đậy ưu tiên thực sự của Paris - bán vũ khí.
Cuối cùng, độ tin cậy vào năng lực và mục đích của Pháp là vấn đề có liên quan lẫn nhau và chìa khóa để giải quyết vấn đề này nằm ở khả năng thực hiện chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Pháp.
Theo cách tiếp cận này, Liên minh châu Âu (EU) sẽ cung cấp các nguồn lực mà Pháp không thể cung cấp một mình, hỗ trợ khả năng hành động của châu Âu như một giải pháp thay thế hiệu quả trước cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung.
Với các nhà ngoại giao Pháp, điều này có nghĩa là họ phải giữ cho EU hướng sự can dự sang châu Á vào thời điểm EU đang tập trung vào cuộc chiến ở Ukraine. Nói cách khác, tương lai của chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Pháp có thể được quyết định ở Brussels cũng như ở châu Á./.