Đại hội XIII: Phát huy giá trị văn hóa, tiềm năng con người Việt Nam

Bên lề Đại hội, các đại biểu đã chia sẻ những tâm huyết và kỳ vọng về thực hiện ba đột phá chiến lược, trong đó có vấn đề phát triển nguồn nhân lực, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người.
Đại hội XIII: Phát huy giá trị văn hóa, tiềm năng con người Việt Nam ảnh 1Phó giáo sư, tiến sỹ, nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sỹ Việt Nam, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. (Nguồn: TTXVN)

Tại phiên khai mạc Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh cần tập trung đầu tư nguồn lực và đặc biệt chú trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, tạo sự chuyển biến về chất trong việc thực hiện ba đột phá chiến lược do Đại hội XI, XII đã đề ra và được Đại hội lần này bổ sung, cụ thể hóa cho phù hợp với giai đoạn phát triển mới.

Bên lề Đại hội, các đại biểu đã chia sẻ những tâm huyết và kỳ vọng về thực hiện ba đột phá chiến lược này, trong đó có vấn đề phát triển nguồn nhân lực, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam để đây thực sự trở thành sức mạnh nội sinh giúp phát triển bền vững đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện

Phó giáo sư, tiến sỹ, nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sỹ Việt Nam, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cho rằng một trong những trọng tâm mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đặc biệt nhấn mạnh là phát triển văn hóa đồng thời với phát triển sức mạnh, tiềm năng con người.

Thực tế, trong những năm qua, phát triển giữa kinh tế và văn hóa có khoảng cách. Đất nước đã có những bước tiến ngoạn mục về kinh tế-xã hội, trong khi đó, lĩnh vực văn hóa, đặc biệt là lĩnh vực văn học nghệ thuật còn nhiều điều cần cố gắng hơn nữa.

Cái gốc của vấn đề này là tiềm năng, sức mạnh của con người. Chính vì vậy, ngay trong Báo cáo chính trị đặt vấn đề phát triển con người một cách toàn diện và kỳ vọng vào giới văn học, nghệ thuật có nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng, nghệ thuật.

Theo nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, Báo cáo chính trị đã chỉ rõ để có được những tác phẩm có giá trị, ngoài tài năng cần có sự động viên, khuyến khích, hỗ trợ để phát huy được sự tự do sáng tạo cá nhân.

Nhấn mạnh đây là điểm rất mới, nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân cho rằng Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã nhìn nhận thấu đáo, rõ ràng, khẳng định việc tôn trọng sự sáng tạo cá nhân của mỗi tác giả, mỗi văn nghệ sỹ và khuyến khích sự sáng tạo đó là một trong những điểm mấu chốt để có được những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao.

“Bên cạnh đóng góp của văn nghệ sỹ vào công cuộc đổi mới chung của đất nước, giá trị của văn học nghệ thuật không chỉ giúp cho thế hệ hôm nay mà còn định hướng cho những thế hệ tiếp theo, ươm mầm ngay từ thiếu niên, nhi đồng để xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, có thể lực, trí lực và có tình yêu đối với đất nước. Đây là nhiệm vụ rất cao cả và thiêng liêng đối với giới văn học nghệ thuật," nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân nhấn mạnh.

Đánh giá về chất lượng các tác phẩm văn học nghệ thuật, nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân thừa nhận một số sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu về mặt nghệ thuật, tư tưởng. Có tác phẩm chưa thật đào sâu những đề tài của xã hội, vấn đề cốt lõi của đời sống, của nhân dân và phản ánh một cách sơ sài. Một vấn đề nữa cần báo động là xu thế nghiệp dư hóa trong hoạt động sáng tạo, hạ thấp giá trị nghệ thuật và đi theo xu hướng giải trí đơn thuần.

"Khi chỉ là giải trí đơn thuần thì chỉ tính những gì bắt mắt, hấp dẫn. Đơn cử trong lĩnh vực âm nhạc thiếu đi những bài hát có giá trị cao về mặt tình cảm, sáng tạo và thường chỉ theo dòng âm nhạc đương đại như hiphop, nhạc pop... Điều đó làm cho đời sống văn nghệ một phần nào đó bị nông cạn," nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân phân tích.

[Nhân sự giới thiệu ra Đại hội XIII đủ điều kiện, có năng lực, uy tín]

Chính vì vậy, Báo cáo chính trị đã chỉ rõ phải có "sức đề kháng" trước những hiện tượng, sản phẩm độc hại, đi ngược lại trào lưu âm nhạc tiến bộ đồng thời nâng cao sức đề kháng đối với độc giả nói chung, đặc biệt là giới trẻ. Nếu không có sức đề kháng, không biết phân biệt cái đẹp, cái xấu, cái đúng, cái sai sẽ bị nhiễm độc lúc nào không biết. Đây là yêu cầu cũng như những đường hướng lớn, chính xác, khoa học và cụ thể, góp phần xây dựng con người, phát triển văn hóa lớn mạnh.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Bày tỏ thống nhất với 3 nhiệm vụ đột phá được trình bày trong dự thảo Văn kiện trình Đại hội Đảng, đại biểu Phạm Thị Thanh Thủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là khâu đột phá quan trọng để chúng ta tiếp tục quan tâm, đào tạo nguồn nhân lực tham gia vào quá trình đổi mới của đất nước, tham gia vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước."

Đại biểu Phạm Thị Thanh Thủy nêu rõ trong bối cảnh hiện nay, nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ nhanh chóng thích ứng với Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tiếp cận và ứng dụng mạnh mẽ, sáng tạo khoa học công nghệ trong quản lý hoạt động, thực hiện nhiệm vụ trên từng lĩnh vực.

“Từ đó, chúng ta có sức mạnh tổng hợp đóng góp, khơi dậy truyền thống hiếu học, sức sáng tạo trong các đội ngũ trí thức và các tầng lớp nhân dân, góp phần xây dựng đất nước ngày càng phát triển phồn vinh, thịnh vượng, thực hiện thắng lợi mục tiêu Đại hội đề ra," đại biểu Phạm Thị Thanh Thủy nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, đại biểu Lê Ánh Dương, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang cho rằng Đại hội XIII đã làm sâu sắc, cụ thể hơn vai trò của các đột phá quan trọng này, đặc biệt liên quan đến nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ cho công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội.

Đại hội XIII: Phát huy giá trị văn hóa, tiềm năng con người Việt Nam ảnh 2Toàn cảnh phiên họp thảo luận về các văn kiện đại hội tại hội trường Trung tâm Hội nghị Quốc gia, chiều 27/1/2021. (Ảnh: TTXVN)

Đại biểu Lê Ánh Dương nêu rõ đất nước đang trong giai đoạn phát triển rất nhanh và yêu cầu về nguồn nhân lực ngày càng cao. Lần này, Đại hội chú trọng tới nhân lực chất lượng cao, gồm cả nhân lực phục vụ cho công tác quản lý, lãnh đạo. Một trong những giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là chú trọng giáo dục và đào tạo.

“Nếu không đẩy mạnh giáo dục, đào tạo, nguồn nhân lực rất khó vươn tới tầm quốc tế. Nền kinh tế hội nhập, nên nhân lực cũng phải hội nhập với quốc tế. Yêu cầu nguồn nhân lực không chỉ đóng khung trong nước mà phải là chất lượng quốc tế," đại biểu chỉ rõ.

Đối với Bắc Giang, tỉnh xác định đột phá về nguồn nhân lực là trọng tâm phát triển trong thời gian tới. Bắc Giang có 1,9 triệu dân trong đó có 1,15 triệu lao động. Tỉnh rất chú trọng đến việc phát huy tiềm năng con người, đặc biệt là đội ngũ lao động. Nếu 1,15 triệu lao động này được đào tạo, làm việc ở phân khúc thu nhập cao sẽ nâng cao đời sống cho người dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục