Đại hội XIII của Đảng: Tạo sinh lực mới cho khối đại đoàn kết toàn dân

Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã nêu rõ mục tiêu về việc phát huy quyền làm chủ, nguồn lực và sức sáng tạo của nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Bà Trương Thị Mai, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, tặng quà Tết các gia đình chính sách, người có công với cách mạng huyện Đơn Dương, Lâm Đồng. (Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN)

Đoàn kết là truyền thống cực kỳ quý báu, làm nên sức mạnh vô địch của dân tộc ta, được hun đúc trong suốt chiều dài lịch sử của quá trình dựng nước và giữ nước.

Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã nêu rõ mục tiêu về việc phát huy quyền làm chủ, nguồn lực và sức sáng tạo của nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giải quyết tốt những vấn đề bức thiết cho nhân dân.

Thông qua vai trò liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện, Mặt trận đã khích lệ, động viên các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững; thực hiện dân chủ, giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền; làm cầu nối tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.

Sức mạnh của đoàn kết, thống nhất

Kể từ ngày thành lập đến nay, ở bất kỳ thời kỳ nào, tổ chức Mặt trận cũng thể hiện rất rõ và thực hiện rất tốt vai trò, vị trí của mình, luôn trung thành với tôn chỉ, mục đích tập hợp các tầng lớp nhân dân thành một khối đoàn kết thống nhất về ý chí và hành động, tinh thần và lực lượng, tạo thành sức mạnh to lớn của cả dân tộc để hoàn thành những mục tiêu cách mạng cao cả do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.”

[Đại hội XIII của Đảng: Huy động mọi sức mạnh, tiềm năng nhân dân]

Quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc, Mặt trận đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Nhà nước và các tổ chức thành viên tăng cường tuyên truyền, vận động, tập hợp rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận, thống nhất, ổn định xã hội để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Nội dung, phương thức tập hợp linh hoạt, kết hợp giữa tuyên truyền, vận động, phát triển tổ chức với cổ vũ, lôi cuốn đông đảo nhân dân tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước; giữa truyền thông đại chúng với vận động cá nhân, tiếp cận tới mọi thành phần, đối tượng.

Chị Lý Mai Anh (đứng), Phó Ban công tác mặt trận khu phố 1, phường 15, Quận 5 phát biểu tại buổi họp mặt của Chi hội Phụ nữ khu phố 1 nhân ngày Gia đình Việt Nam. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Sau gần 20 năm triển khai, Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc vào dịp kỷ niệm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hằng năm (18/11) được tổ chức nền nếp, rộng khắp, góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, củng cố tình làng, nghĩa xóm, phát huy sức mạnh của cộng đồng, tạo sự gắn bó, liên hệ mật thiết giữa lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên với nhân dân.

Việc biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến, các hộ gia đình vươn lên thoát nghèo, trao tặng nhà đại đoàn kết, tặng quà gia đình chính sách, tổ chức bữa cơm đại đoàn kết... trong dịp diễn ra ngày hội đã góp phần khích lệ, động viên, khơi dậy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái của cộng đồng.

Phát huy tinh thần sáng tạo, tự quản của nhân dân, triển khai các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, Ủy ban Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên đã tổ chức phát động, đổi mới, nâng cao chất lượng, triển khai sâu rộng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, phát huy tinh thần thi đua sáng tạo và nguồn lực để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước.

Thực hiện chủ trương của Đảng về nông nghiệp, nông dân và nông thôn; hưởng ứng phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” do Chính phủ phát động, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phát động, triển khai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” từ năm 2015 và nhanh chóng triển khai đến cơ sở.

Với phương châm “lấy sức dân để chăm lo cho đời sống nhân dân,” Mặt trận đã chủ trì hiệp thương, phối hợp với các tổ chức thành viên vận động nhân dân huy động nguồn lực, hiến đất, hiến công xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường, chấp hành pháp luật; giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, xây dựng các cộng đồng dân cư văn minh, hạnh phúc.

Cùng với đó, các chương trình vận động chăm lo giúp đỡ cho người nghèo tiếp tục nhận được sự quan tâm hưởng ứng của toàn xã hội. Phương thức vận động, giúp đỡ có nhiều đổi mới, trong đó, vừa vận động các nguồn lực vào Quỹ Vì người nghèo các cấp, vừa hướng dẫn, kết nối để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm trực tiếp giúp đỡ người nghèo và các địa phương; chủ trì hiệp thương để mỗi đoàn thể chính trị-xã hội nhận giúp đỡ các hộ gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững theo địa chỉ cụ thể.

Hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động năm 2016, hằng năm, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì phát động tháng cao điểm “Vì người nghèo” khơi dậy những tấm lòng nhân ái, nhiều nghĩa cử cao đẹp.

Bên cạnh đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên thường xuyên tổ chức chăm lo các gia đình chính sách, người có công, nhất là vào các dịp kỷ niệm Ngày Thương binh Liệt sỹ; Tết cổ truyền của dân tộc...

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được triển khai với nhiều giải pháp mới nhằm nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp, nhân dân trong việc đẩy mạnh phát triển sản xuất trong nước.

Đặc biệt, từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, toàn Đảng, để kết nối sự chung tay, huy động sự vào cuộc của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia phòng, chống dịch, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ra Lời kêu gọi “Toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19.”

Những tấm gương của đội ngũ y, bác sỹ, chiến sỹ quân đội, công an cùng với sự góp sức của mỗi người dân trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 chính là biểu hiện sinh động của truyền thống yêu nước, sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc với vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Với phương châm “Chủ động, linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả,” hoạt động đối ngoại nhân dân của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên ngày càng được đổi mới, có trọng tâm, mở rộng về địa bàn, lĩnh vực, đa dạng về đối tượng, góp phần hiện thực hóa chủ trương, đường lối giữ vững độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, “là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế,” phấn đấu vì hòa bình, hợp tác, phát triển, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Phát huy dân chủ trong nhân dân

Nhiệm kỳ Đại hội XII đã khẳng định một giai đoạn phát triển mới trong công tác phát huy dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân trong tham gia thực hiện giám sát, phản biện xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền.

Ở nhiều địa phương, Mặt trận đã làm tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, phối hợp với chính quyền tổ chức các cuộc đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền với nhân dân, qua đó kịp thời tháo gỡ khó khăn, giải tỏa bức xúc, tạo sự đồng thuận xã hội, làm cơ sở, động lực phát triển kinh tế-xã hội, chăm lo đời sống nhân dân, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh.

Công tác giám sát, phản biện xã hội trong nhiệm kỳ đã trở thành hoạt động thường xuyên, trọng tâm của Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội.

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội chủ trì hoặc phối hợp với các tổ chức thành viên và các cơ quan, tổ chức của Đảng, Nhà nước triển khai hàng loạt chương trình giám sát cấp Trung ương, tập trung vào các lĩnh vực như chính sách đối với người có công với cách mạng; đổi mới giáo dục và đào tạo; giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở; cải cách hành chính; thuế và hải quan; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm an toàn thực phẩm; đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước...

Ủy ban Mặt trận các tỉnh, thành phố đã tham mưu đề xuất với cấp ủy, phối hợp với chính quyền ưu tiên lựa chọn những chủ trương lớn về phát triển kinh tế-xã hội, những vấn đề bức xúc ở địa phương để tổ chức giám sát.

Nhiều lĩnh vực quản lý phức tạp, khó khăn, nhạy cảm như bồi thường tái định cư, thu hồi đất, quản lý sử dụng các nguồn lực xây dựng nông thôn mới, bồi thường sự cố ô nhiễm môi trường biển... đã được Mặt trận các cấp giám sát có hiệu quả.

Những báo cáo, kiến nghị sau giám sát của Mặt trận, đặc biệt là những vấn đề bức xúc trong nhân dân đã được các cấp ủy, chính quyền tiếp nhận, kịp thời chỉ đạo giải quyết và thông báo đến các tầng lớp nhân dân.

Hoạt động phản biện xã hội đã tạo điều kiện để các tầng lớp nhân dân phát huy quyền làm chủ tham gia vào quá trình xây dựng pháp luật, các chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và đất nước.

Mặt trận tích cực tham gia phản biện xã hội đối với nhiều dự thảo văn bản pháp luật quan trọng như Dự án Luật tín ngưỡng, tôn giáo; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự; Dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)...

Hoạt động tổ chức tiếp xúc cử tri, tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân để phản ánh với Đảng, Nhà nước ngày càng có nhiều đổi mới.

Thu hút nguồn lực to lớn của kiều bào

Trong các chặng đường lịch sử của dân tộc, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài luôn có những đóng góp quan trọng, trở thành một trụ cột trong công tác đối ngoại của đất nước ta.

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng lớn mạnh về số lượng và mở rộng hơn về địa bàn.

Từ 4,5 triệu người ở 109 quốc gia và vùng lãnh thổ năm 2015, đến nay đã có khoảng 5,3 triệu người sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 18% trong vòng 5 năm.

Vai trò, vị thế và uy tín của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong xã hội sở tại ngày càng được nâng cao. Đại bộ phận bà con đã có địa vị pháp lý, ổn định cuộc sống, hội nhập sâu rộng vào xã hội sở tại, ngày càng có nhiều kiều bào tham gia chính trường sở tại ở các cấp độ khác nhau.

Hiểu rõ vai trò quan trọng và nguồn lực to lớn của kiều bào, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm sâu sắc đến công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, thể hiện qua nhiều chủ trương, chính sách phù hợp qua các thời kỳ.

Người Việt tại Trung tâm thương mại Wólk Kosowska, Warsawa ủng hộ đồng bào miền Trung bị thiệt hại do lũ lụt. (Ảnh: Văn Long/TTXVN)

Chủ trương xuyên suốt “Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam” đã tạo ra bước chuyển biến căn bản cả về nhận thức và hành động, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và mọi người dân trong công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài.

Điển hình, Ủy ban Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên đã có nhiều hình thức tuyên truyền, vận động, tập hợp, đoàn kết người Việt Nam ở nước ngoài.

Hằng năm, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam duy trì phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức chương trình “Xuân quê hương” và gặp mặt kiều bào về đón Tết cổ truyền của dân tộc, dự Lễ giỗ Tổ Hùng Vương, dự Quốc khánh 2/9, trại hè Việt Nam, tổ chức Đoàn đại biểu đi thăm, động viên cán bộ, chiến sỹ ở quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1...

Ở nhiều địa phương, Ủy ban Mặt trận phối hợp thành lập và hỗ trợ hoạt động các tổ chức Hội Hữu nghị, Hội thân nhân kiều bào, Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài.

Ngày càng có nhiều người Việt Nam ở nước ngoài hướng về quê hương, cội nguồn, tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện, đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, về nước khởi nghiệp, đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng gắn bó với quê hương, đã và đang trở thành một trong những nguồn lực quan trọng đóng góp cho quá trình xây dựng, bảo vệ, phát triển, hội nhập quốc tế của đất nước và duy trì, củng cố mối quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Việt Nam và các nước.

Phát huy truyền thống “tương thân, tương ái,” bà con kiều bào qua việc hưởng ứng tích cực, tham gia ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/dioxin và ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh ở trong nước.

Đặc biệt, cộng đồng đã chung sức, đồng lòng ủng hộ trong nước phòng, chống đại dịch COVID-19, với khoản tiền đóng góp khoảng 35 tỷ đồng, cùng nhiều vật tư y tế.

Trong đợt thiên tai lũ lụt miền Trung vừa qua, dù đang phải đối mặt với nhiều khó khăn về kinh tế do ảnh hưởng của dịch COVID-19, kiều bào ở nhiều nơi trên thế giới đã tích cực quyên góp được khoảng 34 tỷ đồng cùng nhiều hàng hóa, vật phẩm giúp đồng bào bị thiệt hại nặng nề, sớm khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống.

Trong tình hình mới, vai trò của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày càng quan trọng, phát huy sức mạnh của bà con kiều bào, hướng về quê hương, cùng nhân dân trong nước trở thành nguồn động lực quan trọng, tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Dự thảo Báo cáo Tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030, trình Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định: “Thực hiện có hiệu quả chính sách thu hút đồng bào hướng về Tổ quốc, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.”

Nhìn lại nhiệm kỳ XII, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, quyết tâm đổi mới trong quản lý, điều hành của Nhà nước cùng những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế-xã hội, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, đảm bảo quốc phòng, an ninh, tăng cường đối ngoại... đã góp phần củng cố niềm tin của nhân dân.

Trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta luôn đề cao, phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững ổn định chính trị để phát triển đất nước.

Những thành tích đạt được trong nhiệm kỳ Đại hội XII tiếp tục khẳng định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xứng đáng là tổ chức đại diện của nhân dân, là một bộ phận cấu thành quan trọng trong hệ thống chính trị./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục