"Phải hạn chế những kẽ hở trong thể chế để chống tham nhũng" - đó là chia sẻ của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Trần Quốc Cường bên lề Phiên thảo luận về dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đang diễn ra tại Hà Nội.
Theo Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Trần Quốc Cường, trong công tác phòng, chống tham nhũng, kinh nghiệm của Việt Nam cũng như kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới đều khẳng định, muốn chống tham nhũng hiệu quả phải để các đối tượng “không dám.”
Phải xử lý kiên quyết các đối tượng tham nhũng, không có vùng cấm trong công tác này. Và chống tham nhũng còn phải bằng thể chế, phải hạn chế những kẽ hở trong thể chế, đồng thời phải nâng cao thu nhập chính đáng cho công chức, đặc biệt các lĩnh vực liên quan có thể xảy ra tham nhũng, cố gắng tránh trường hợp vì khó khăn mà nảy sinh tham nhũng.
“Đó chính là để không thể, không dám, không muốn và không cần tham nhũng nữa!” - Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Trần Quốc Cường nhấn mạnh.
Đại biểu cho biết giai đoạn 8 năm qua, đặc biệt là từ nhiệm kỳ khóa XII đến nay, công tác phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh. Dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trực tiếp là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh toàn diện trên tất cả lĩnh vực.
[Thường trực Ban Bí thư: Chú trọng phát hiện, xử lý vụ án tham nhũng]
Trong Hội nghị Tổng kết công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, công tác phòng, chống tham nhũng không có vùng cấm, không có ngoại lệ, thực hiện trên ba cấp độ.
“Cấp độ một là cấp độ Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc. Cấp độ hai là do Ban Nội chính Trung ương, là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Cấp độ ba là các vụ án, vụ việc được giao cho Ban Thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy,” đại biểu chia sẻ.
Đề cập đến những giải pháp phòng, chống tham nhũng trong giai đoạn tới, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Trần Quốc Cường cho biết, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã chỉ đạo Ban Nội chính Trung ương tổ chức phối hợp với các ngành, các cơ quan như Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện Kiểm sát, Tòa án, Bộ Tư pháp, Thanh tra, cùng nhau nghiên cứu, đề xuất xây dựng cơ chế và xây dựng đội ngũ cán bộ liêm chính để phục vụ công tác này, đồng thời lan tỏa, tuyên truyền rộng rãi cho các tầng lớp nhân dân về công tác phòng, chống tham nhũng…
“Chúng ta cần có cơ quan lãnh đạo và người đứng đầu công tác này như giai đoạn vừa qua. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng là một trong những biểu tượng, một tấm gương trong lãnh đạo phòng, chống tham nhũng. Cuối cùng, là phải được sự đồng lòng của toàn dân và cả hệ thống” - đại biểu Trần Quốc Cường nêu rõ.
Để bảo vệ những người tố cáo tham nhũng, theo đại biểu Trần Quốc Cường, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã ra nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng để bảo vệ những trường hợp này, nhằm phát hiện tham nhũng. Quy định đó đã được các cơ quan chức năng, đặc biệt là các cơ quan phòng, chống tham nhũng nghiên cứu, triển khai, vận dụng trong cơ quan của mình.
“Đó chính là về mặt cơ chế, luật pháp, quy định để bảo vệ người đấu tranh phòng, chống tham nhũng,” đại biểu Trần Quốc Cường nhấn mạnh.
Khẳng định năm 2020 khởi sắc nhất trong công tác phòng, chống tham nhũng chính là thu hồi tài sản, đại biểu Trần Quốc Cường chia sẻ thời gian vừa qua, các cơ quan tố tụng, đặc biệt là cơ quan điều tra đã tổ chức ngay công tác thu hồi tài sản tham nhũng trong quá trình tố tụng, điều tra. Do đó, đã ngăn chặn, thu hồi và tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng đạt rất cao so với thời kỳ trước./.