Giáo sư Carl Thayer, Đại học New South Wales, đánh giá Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đang diễn ra tại thủ đô Hà Nội từ ngày 25/1 đến 2/2 có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc quyết định kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội trong tình hình mới.
Theo Giáo sư Thayer, tại Đại hội Đảng năm 1986, Việt Nam đã có quyết định dũng cảm, mang tính khai phá, mở đường trong việc xóa bỏ cơ chế kế hoạch hóa tập trung và chuyển sang xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Tại Đại hội lần thứ XIII này, Việt Nam phải đưa ra các quyết sách để bảo vệ và phát huy các thành công đã đạt được trong nhiều năm qua trong tình hình mới.
Giáo sư Thayer nhấn mạnh trong năm qua, Việt Nam đã rất thành công trong việc kiểm soát dịch COVID-19 và nhờ đó đang có một nền tảng vững chắc cho việc xây dựng kế hoạch phục hồi và phát triển trong giai đoạn tới.
Các yếu tố đem lại sự thành công trên bao gồm hành động nhanh, quyết đoán và thống nhất của chính phủ Việt Nam nhằm hạn chế tối đa các tác động của đại dịch, bảo vệ người dân bằng cách đóng cửa biên giới, thực hiện các biện pháp cách ly, đeo khẩu trang, giãn cách xã hội, thông tin minh bạch hằng ngày về tình hình dịch bệnh cho người dân, hỗ trợ cộng đồng và chống lại sự lan tràn tin giả. Một yếu tố không kém phần quan trọng khác là người dân Việt Nam sớm tin tưởng và ủng hộ các nỗ lực của chính phủ.
Tuy nhiên, hiện Việt Nam cũng phải đối mặt với các thách thức cả ở trong và ngoài nước. Chuyên gia người Australia nêu rõ dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 mặc dù đã được kiểm soát tốt ở Việt Nam, song vẫn đang là vấn đề nghiêm trọng toàn cầu. Người dân Việt Nam vẫn cần phải được tiêm chủng vắcxin phòng dịch. Ngoài ra, cạnh tranh với các nước lớn đang diễn ra phức tạp.
[Đại hội XIII: Việt Nam đã trở thành viên ngọc quý của châu Á]
Giáo sư Thayer nhận định trong thời gian tới, sau khi Đại hội Đảng XIII kết thúc, một trong những ưu tiên đối nội của Chính phủ Việt Nam sẽ là bảo đảm nguồn cung cấp vắcxin để tiêm phòng COVID-19 cho người dân trong nước. Sau đó Việt Nam sẽ quyết định mở cửa biên giới với thế giới bên ngoài và điều này sẽ phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh ở các nước khác như các nước châu Âu, Mỹ…
Việt Nam mới đây đã ký các thỏa thuận thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU) và Anh. Mặc dù tình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, Việt Nam vẫn có trách nhiệm triển khai thực hiện hiệu quả các hiệp định này. Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam cần đề ra các kế hoạch hỗ trợ sự phục hồi và tăng trưởng của hàng chục nghìn doanh nghiệp tư nhân, giúp người lao động có việc làm trở lại.
Về chính sách đối ngoại, theo học giả Australia, Việt Nam sẽ tiếp tục các nỗ lực tích cực, chủ động hội nhập quốc tế.
Giáo sư Thayer cho rằng dự thảo Kế hoach phát triển kinh tế-xã hội 10 năm được thảo luận tại Đại hội Đảng XIII đã xác định rõ những thách thức trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam, chẳng hạn như hiệu quả của công tác đối ngoại, chất lượng của cán bộ ngoại giao, nâng tầm ngoại giao đa phương, thực hiện cam kết thương mại tự do, tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình… Đây không phải là những thách thức mới, nhưng trong những năm qua, kinh tế toàn cầu và môi trường quốc tế thuận lợi hơn bây giờ. Hiện nay, tình hình quốc tế đã trở nên khó dự báo hơn khiến các thách thức trở nên khó xử lý hơn.
Chuyên gia Australia lưu ý Việt Nam sẽ dễ bị ảnh hưởng hơn và do vậy cần khéo léo thích nghi với môi trường và tình huống bên ngoài vốn đang thay đổi rất nhanh./.