Điềm tĩnh, am hiểu rộng và thú vị là những ấn tượng đầu tiên khi tôi trao đổi với người Việt có “thâm niên” lâu nhất ở Odessa (Ukraine) - bác sỹ Công huân Nguyễn Văn Khanh, Trưởng khoa Ngoại thuộc Trung tâm các bệnh xã hội tỉnh Odessa, Chủ tịch danh dự Hội người Việt Nam tỉnh Odessa.
Sinh năm 1961, quê ở Hậu Lộc, Thanh Hóa, bác sỹ Nguyễn Văn Khanh là Chủ tịch khóa đầu tiên Hội người Việt Nam tỉnh Odessa.
Năm 1979, ông được Việt Nam cử sang Odessa học nhờ thành tích học tập xuất sắc, rồi lập gia đình, ở lại thành phố cảng nổi tiếng này cho tới tận ngày nay.
Có thể nói, theo thời gian, bác sỹ Khanh đã trải qua tất cả thăng trầm cùng đất nước Ukraine đương đại, cũng như người Việt Nam làm ăn sinh sống tại thành phố bên bờ Biển Đen.
[Nghĩa tình cộng đồng Việt nơi 'vùng đỏ' dịch COVID-19 ở Ukraine]
Một trong những thành viên lãnh đạo cộng đồng người Việt ở Odessa kể với tôi rằng những năm 1990, trong bối cảnh Liên Xô tan rã, các nhà máy, xí nghiệp ở Odessa phải đóng cửa.
Người Việt Nam sang xuất khẩu lao động, làm việc tại các nhà máy xí nghiệp không còn việc làm và mất kế sinh nhai, buộc họ phải buôn bán ngoài chợ.
Trong khi đó, chính quyền không cấp giấy phép cư trú cho người Việt khiến họ trở thành người định cư bất hợp pháp.
Chính bác sỹ Khanh, với khả năng thuyết phục và thông thạo tiếng bản địa, đã đi gặp Tỉnh trưởng Odessa khi đó là ông Sergei Grenheveski, giải thích để ông hiểu và thông cảm với tình cảnh người Việt Nam.
Sau đó, nhờ những báo cáo của ông Grenheveski lên chính quyền trung ương ở Kiev và nhờ được các chính trị gia Ukraine ủng hộ, Tổng thống Ukraine, ông Leonid Kuchma tháng 6/2001 đã ký luật định cư của Ukraine, trong đó có điều khoản đặc biệt dành riêng cho người Việt Nam.
Theo quy định này, những công dân Việt Nam sang Ukraine theo dạng hợp tác lao động liên chính phủ trước ngày 1/3/1998 đều được phép định cư.
Trên cơ sở đó, nhiều người Việt đã được nhận thẻ định cư và 5 năm sau nhập quốc tịch Ukraine. Chính từ đây, người Việt có thân phận đàng hoàng, có thể làm ăn hợp pháp tại Ukraine.
Với những hiểu biết sâu sắc của mình về chính quyền, xã hội sở tại, ông Khanh tư vấn, định hướng cho lãnh đạo hội người Việt ở Odessa để họ đoàn kết, tương trợ bà con, để cộng đồng ổn định và phát triển trong xã hội Ukraine.
Năm 2003, người Việt ở Odessa được công nhận là cộng đồng dân tộc thiểu số của tỉnh và điều này có công sức không nhỏ của ông Khanh.
Niềm vui tiếp tục đến với người Việt ở Odessa năm 2010, khi bác sỹ Khanh được Tổng thống Ukraine phong danh hiệu Bác sỹ Công huân vì đã đề xuất và tiến hành phẫu thuật trực tiếp tại viện lao của mình.
Trước đó, do những quy định nghiêm ngặt đối với bệnh nhân lao, người bệnh cần phải chuyển viện, đưa đi mổ ở các bệnh viện lớn. Sáng kiến của bác sỹ Khanh đã giúp tiết kiệm một khoản lớn cho ngân sách.
Cuối năm 2011, bác sỹ Khanh tiếp tục được Tỉnh trưởng Odessa trao tặng huy chương danh dự vì những cống hiến và đóng góp cho sự phát triển chung của thành phố cảng này, cũng như Ukraine.
Năm 2015, ông được bình chọn là một trong 10 gương mặt bác sỹ tiêu biểu ở miền Nam Ukraine. Năm 2017, vị bác sỹ Việt Nam được báo Dumskaya, tờ báo lớn nhất Odessa bình chọn là một trong 5 người nước ngoài có ảnh hưởng lớn nhất tại thành phố.
Tại khoa ngoại Trung tâm các bệnh xã hội, ông Khanh được các y bác sỹ và bệnh nhân gọi một cách trìu mến là “Doktor Khanh.” Ông được các đồng nghiệp và người bệnh quý trọng vì là con người của công việc với khẩu hiệu “Yêu nước không phải là hét toáng lên mà là làm việc.” Đây là câu nói của ông khi trả lời phỏng vấn một phóng viên Odessa.
Trong cuộc phỏng vấn này, bác sỹ Khanh lấy ví dụ rất sinh động: “Nếu một y tá lau sàn nhà 5 lần thay vì 2 lần thì cô ấy là người yêu nước,” bởi theo ông, yêu nước cũng có nghĩa là làm việc tốt hơn.
Trao đổi với bác sỹ Khanh, tôi hiểu rõ đây là con người thẳng thắn và yêu nghề. Ông bày tỏ trong bối cảnh nước Ukraine đang khủng hoảng như hiện nay, ở Trung tâm các bệnh xã hội, ông phải chữa trị cho rất nhiều ca bệnh éo le. Điều trăn trở trong ông, đó là những ca bệnh “biết mà không làm được gì, không có thuốc thang chữa cho người ta.”
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang hoành hành ở Ukraine, gần 100 người Việt ở Odessa đã nhiễm virus SARS-CoV-2.
Tuy nhiên dưới sự lãnh đạo, ứng phó hiệu quả của Hội người Việt Nam tỉnh Odessa, tất cả những người Việt bị ốm đều có ý thức sớm thông báo cho cộng đồng về tình trạng bệnh của mình và đều được Ban phòng chống dịch bệnh cộng đồng do Hội người Việt lập ra chăm sóc, đưa đi khám chữa và điều trị kịp thời.
Bác sỹ Khanh cũng là một thành viên quan trọng của Ban phòng chống dịch bệnh. Ông hỗ trợ chẩn đoán các ca nặng, tham gia chỉ đạo và cung cấp những thông tin y tế kịp thời, bổ ích để định hướng phòng chống dịch.
Chính nhờ sự nhiệt tình, tận tâm và hiệu quả của Ban phòng chống dịch bệnh cộng đồng, hiệu hầu hết những người Việt ở Odessa mắc COVID-19 đã được chữa khỏi, đồng thời tâm lý của bà con cũng ổn định để vững vàng đối diện với cơn sóng dữ này.
Tâm sự với tôi, bác sỹ Khanh cho biết ông giờ có hai quê hương, quê hương nào ông cũng gắn bó: “về Việt Nam thì nhớ Ukraine, còn ở Ukraine thì nhớ tới làng quê nghèo ngày xưa của mình.”
Ông cũng bộc bạch vẫn đau đáu vì người Việt ở Ukraine, các thế hệ con em người Việt ở Ukrane cần hòa nhập hơn nữa với xã hội bản địa, cần coi Ukraine như tổ quốc thứ hai nhiều hơn nữa, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Theo ông, chính những tâm lý đó, tình cảm đó sẽ giúp cho người Việt có thêm nghị lực và sự sáng suốt để vươn lên trong xã hội Ukraine.
Tôi được biết bác sỹ Nguyễn Văn Khanh đã được Đảng bộ, Hội người Việt Nam tỉnh Odessa và các hội đoàn người Việt thống nhất giới thiệu làm Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Odessa với một bản kế hoạch hành động giàu tham vọng.
Bản thân tôi hy vọng “Doktor Khanh” sẽ đảm nhận cương vị này để góp phần thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Ukraine cũng như phát triển cộng đồng người Việt ở Odessa./.