Đại hội thành lập Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt-Đức tại Berlin

Việc xây dựng VGI Network nhằm tạo nền tảng hợp tác cho các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, góp phần tăng vị thế của người Việt Nam tại Đức và hướng tới các dự án cho quê hương.
Giáo sư, tiến sỹ khoa học Nguyễn Xuân Thính phát biểu tại đại hội. (Ảnh: Mạnh Hùng/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, Đại hội thành lập Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt-Đức (VGI Network) đã diễn ra tại trường Đại học Kỹ thuật Berlin (TU Berlin) với sự tham dự của đông đảo các giáo sư, tiến sỹ và nhà khoa học trẻ người Việt trên toàn liên bang Đức.

Phát biểu khai mạc sự kiện, thay mặt Ban đại diện VGI Network, Giáo sư-Tiến sỹ khoa học Nguyễn Xuân Thính cho biết, sau sự kiện ra mắt VGI Network tháng 9/2019, Ban đại diện mạng lưới đã có nhiều hoạt động tăng cường quảng bá, kết nối mạng lưới với các bộ, ban, ngành Việt Nam cũng như Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Cộng hòa liên bang Đức (BMBF) và nhiều chuyên gia ở Đức.

Tuy nhiên, để có thể phát triển và triển khai chương trình hoạt động thời gian tới, mạng lưới cần được công nhận tư cách pháp nhân tại Đức.

Theo Giáo sư Nguyễn Xuân Thính, việc xây dựng VGI Network là nhằm tạo nền tảng hợp tác cho các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, qua đó cũng góp phần tăng vị thế của người Việt Nam tại Đức và hướng tới các dự án cho quê hương.

[Mạng lưới VGI thu hút chất xám của người Việt trên toàn nước Đức]

Thay mặt Đại sứ quán tại Cộng hòa liên bang Đức, Đại sứ Nguyễn Minh Vũ đánh giá cao quá trình chuẩn bị thành lập tổ chức pháp nhân mạng lưới và dù mới thành lập được 4 tháng, song mạng lưới đã tiến hành các hoạt động kết nối với các cơ quan, viện nghiên cứu ở Việt Nam và Đức, làm cơ sở cho các hoạt động thời gian tới.

Theo Đại sứ, việc thành lập VGI Network trước hết nhằm tăng cường, kết nối và hỗ trợ giữa các thành viên của hội, cùng hướng tới những hoạt động thiết thực đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội của quê hương đất nước.

Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức Nguyễn Minh Vũ phát biểu tại đại hội. (Ảnh: Mạnh Hùng/TTXVN)

Đại sứ cũng bày tỏ mong muốn thời gian tới, VGI Network sẽ mở rộng hơn nữa mạng lưới các nhà khoa học để tăng cường sức mạnh, góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của mạng lưới.

Tại đại hội, các đại biểu đã thảo luận về điều lệ và khung hoạt động của VGI Network, trong đó nêu rõ mục đích, tôn chỉ hoạt động là diễn đàn và nền tảng cộng tác để các hội viên hợp tác, trao đổi, chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau trong công việc cũng như cuộc sống, qua đó tạo môi trường tốt để phát minh công nghệ mới và đổi mới sáng tạo trong nhiều lĩnh vực như văn hóa, xã hội, kinh tế, y học và môi trường.

Ngoài ra, VGI Network cũng tạo ra một cầu nối liên kết các chuyên gia, nhà khoa học và công nghệ ở Việt Nam và Đức cũng như toàn châu Âu để trao đổi kinh nghiệm, thông tin chuyên sâu về nhu cầu, thị trường và hệ thống nghiên cứu, ứng dụng khoa học-công nghệ trong nước, các chương trình, dự án phục vụ sự phát triển nền khoa học, kỹ thuật và công nghệ Việt Nam, qua đó đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Một trong những mục đích quan trọng nữa của mạng lưới là hỗ trợ các nhà khoa học, thanh niên, sinh viên và trí thức trẻ người Việt hoặc gốc Việt tại Cộng hòa liên bang Đức trong việc học tập, nghiên cứu và hòa nhập môi trường xã hội Đức.

Các đại biểu đã tiến hành bầu Ban chấp hành Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt-Đức với 21 thành viên, trong đó Ban Thường vụ gồm 5 người.

Giáo sư-Tiến sỹ khoa học Nguyễn Xuân Thính được bầu làm Chủ tịch mạng lưới, 2 Phó chủ tịch là Giáo sư-Tiến sỹ Đỗ Thành Trung và bà Đào Diệu Linh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục