Đại hội Phật giáo: Sửa Hiến chương, thêm tổ chức Giáo hội cấp cơ sở

Tại Đại hội Phật giáo toàn quốc chiều 28/11, các đại biểu đã thống nhất thông qua Hiến chương tu chỉnh lần thứ 7; trong đó sửa đổi, bổ sung quy định về hệ thống tổ chức của Giáo hội Phật giáo VN.
Các đại biểu dự đại hội Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ IX tại Hà Nội, sáng 28/11/2022. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Theo chương trình làm việc tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, chiều 28/11, Đại hội đã nghe Tờ trình dự thảo Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tu chỉnh lần thứ 7. Đây là một trong những nội dung quan trọng của đại hội lần này.

Tại đại hội, các đại biểu đã thống nhất thông qua Hiến chương tu chỉnh lần thứ 7.

Sửa đổi Hiến chương phù hợp với Hiến pháp và pháp luật liên quan

Trình bày tờ trình, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Nội dung Đại hội cho biết việc sửa đổi Hiến chương nhằm hoàn thiện Hiến chương theo hướng phù hợp với Hiến pháp, pháp luật nhà nước liên quan như Bộ luật Dân sự, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và các quy định của pháp luật hiện hành; đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và tầm nhìn, định hướng tương lai hoạt động Phật sự của Giáo hội.

Dự thảo Hiến chương sửa đổi về căn bản kế thừa các nội dung, điều khoản của Hiến chương hiện hành. Dự thảo có 14 chương và 87 điều, nhiều hơn một chương và 16 điều so với Hiến chương hiện hành. Trong đó, sửa đổi, bổ sung quy định về hệ thống tổ chức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Điều 11 Hiến chương hiện hành quy định hệ thống tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam gồm ba cấp: Cấp Trung ương (Hội đồng Chứng minh và Hội đồng Trị sự); cấp tỉnh, thành phố (Ban Chứng minh và Ban Trị sự); cấp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (Ban Chứng minh và Ban Trị sự).

Dự thảo Hiến chương sửa đổi bổ sung cấp cơ sở là Ban Quản trị chùa, tổ đình, tịnh xá, thiền viện, tu viện, tịnh viện, tịnh thất, niệm Phật đường.

Trong dự thảo này, kiện toàn tổ chức và cụ thể hóa vai trò lãnh đạo tối cao của Hội đồng Chứng minh. Đổi tên Hội đồng Giám luật thuộc Hội đồng Chứng minh thành Ban Giám luật.

Xây dựng quy chế hoạt động, tiêu chuẩn hóa thành viên Hội đồng Chứng minh, Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh để nâng cao vị thế lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh và các cơ quan của Hội đồng Chứng minh đảm bảo sự thống nhất tổ chức Giáo hội giữa hai Hội đồng theo Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Sửa đổi Hiến chương lần này cho phép áp dụng trường hợp đặc biệt đối với chư tôn đức là lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo cấp cao của Hội đồng Trị sự khi đủ điều kiện tiêu chuẩn theo Hiến chương và theo yêu cầu, đề nghị của hai Hội đồng được tham gia vào Hội đồng Chứng minh.

Sửa đổi này nhằm khẳng định tính thống nhất trong tổ chức Giáo hội. Hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của Hội đồng Chứng minh và Hội đồng Trị sự là chủ trương thống nhất kỷ cương của Giáo hội.

Quy định rõ về vấn đề tài sản

Dự thảo Hiến chương cũng bổ sung quy định về thẩm quyền của Hội đồng Trị sự và Ban Trị sự cấp tỉnh trong việc thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể tổ chức tôn giáo trực thuộc. Bổ sung quy định về thẩm quyền của Hội đồng Trị sự trong việc đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp đăng ký pháp nhân phi thương mại cho tổ chức tôn giáo trực thuộc.

['Giáo hội Phật giáo nên hoạch định chiến lược về nhân sự']

Bổ sung quy định về thẩm quyền của Ban Trị sự cấp huyện trong việc đề xuất bổ nhiệm thành viên Ban Quản trị tự viện. Hủy bỏ quy định tại khoản 5 Điều 40 Hiến chương hiện hành về thẩm quyền của Ban Trị sự cấp huyện trong việc chuẩn y thành phần nhân sự, Nội quy hoạt động của Ban Hộ tự và các đạo tràng, câu lạc bộ sinh hoạt Phật giáo tại cơ sở tự viện trong địa bàn huyện.

Việc hủy bỏ quy định nói trên để chuyển thẩm quyền này lên Ban Trị sự cấp tỉnh nhằm tăng cường sự thống nhất quản lý các đạo tràng, câu lạc bộ Phật tử sinh hoạt trên địa bàn tỉnh của Ban Trị sự cấp tỉnh. Đồng thời, tăng cường sự quản lý của Ban Trị sự cấp tỉnh đối với việc thành lập Ban Quản trị tự viện trong hệ thống tổ chức bốn cấp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Các đại biểu dự Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ IX. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Theo Thượng tọa Thích Đức Thiện, dự thảo quy định rõ tài sản của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc và thành viên Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Quy định về việc thành lập Ban khen thưởng-kỷ luật ở cấp Trung ương và cấp tỉnh, thành phố. Quy định mức khen thưởng tuyên dương công đức cao bằng biểu tượng là “Tuyên dương công đức Phật Hoàng Trúc Lâm.”

Hiến chương sửa đổi cũng điều chỉnh một số câu chữ, nội quy phù hợp với thực tiễn điều hành Phật sự và sự ổn định phát triển Giáo hội lâu dài trong tương lai.

Bổ sung Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp cơ sở

Nội dung quan trọng chủ yếu trong sửa đổi Hiến chương lần này, theo Thượng tọa Thích Đức Thiện, là bổ sung Chương 8 về Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp cơ sở.

Trong đó quy định, chùa, tổ đình, tịnh xá, thiền viện, tu viện, tịnh viện, tịnh thất, niệm Phật đường là cơ sở tôn giáo thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam (gọi chung là tự viện). Tự viện đang hoạt động hợp pháp theo quy định của Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và pháp luật Nhà nước được thành lập Ban Quản trị tự viện.

Ban Quản trị tự viện là tổ chức tôn giáo trực thuộc cấp cơ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chịu sự quản lý và sự lãnh đạo thống nhất của Giáo hội cấp trên theo Hiến chương và Quy chế của Giáo hội.

Ban Quản trị tự viện do Ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh bổ nhiệm sau khi thống nhất với Ban Thường trực Ban Trị sự cấp huyện về nhân sự để điều hành Phật sự. Ban Quản trị tự viện là cơ quan hành chính, điều hành, quản lý trực tiếp mọi mặt hoạt động Phật sự tại tự viện.

Ban Quản trị tự viện gồm ba hoặc năm thành viên thực hiện theo Quy chế hoạt động của Ban Quản trị tự viện do Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam ban hành, gồm các chức danh: Trưởng ban do trụ trì đảm nhiệm; phó trưởng ban; thư ký; thủ quỹ; kiểm soát.

Trưởng ban và Phó Trưởng ban Quản trị tự viện là tăng, ni. Các thành viên khác của Ban Quản trị tự viện là tăng, ni, hoặc cư sỹ, tín đồ Phật tử có uy tín, năng lực làm việc, có đạo hạnh tốt, có công đức đối với đạo pháp và dân tộc.

Ban Quản trị tự viện có nhiệm vụ tổ chức thực hiện chủ trương, đường hướng, chương trình hoạt động Phật sự tại tự viện theo sự hướng dẫn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp trên.

Tổ chức triển khai, đôn dốc, kiểm tra việc thực hiện chương trình hoạt động Phật sự toàn nhiệm kỳ, chương trình hoạt động Phật sự hàng năm, chương trình chuyên biệt và những sự kiện trọng đại tại tự viện. Quản lý và sử dụng con dấu Ban Quản trị tự viện. Mở tài khoản tự viện tại ngân hàng; lập hệ thống sổ sách quản lý thu chi tiền công đức, tài trợ cho tự viện.

Nhiệm kỳ của Ban Quản trị tự viện là 5 năm, tương ứng với kỳ Đại hội đại biểu Phật giáo Việt Nam cấp huyện./.

Sáng 28/11, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự lễ khai mạc Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với đại biểu dự đại hội. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến dự đại hội. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Hình ảnh Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến dự đại hội. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự lễ khai mạc Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ 9. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu dự lễ khai mạc đại hội. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Các đại biểu dự đại hội. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Hình ảnh các đại biểu dự đại hội. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Nghi thức cung nghinh Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Chư Tôn đức Giáo phẩm quang lâm đại hội. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chúc mừng và chỉ đạo đại hội. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Hình ảnh Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chúc mừng và chỉ đạo đại hội. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với Trưởng lão hòa thượng Thích Trí Quảng, quyền Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng Giáo hội Phật giáo Việt Nam. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương Lao động hạng Hai và hạng Ba cho các tập thể và cá nhân của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài cùng các đại biểu với đoàn Chủ tịch đại hội. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài cùng các đại biểu với đoàn Chủ tịch đại hội. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục