Đại Hội đồng Y tế Thế giới nhất trí trao thêm quyền cho Palestine

Tổng cộng 101 trong tổng số 177 nước có quyền biểu quyết đã ủng hộ dự thảo nghị quyết về việc trao thêm quyền cho Palestine trong Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong khi năm nước phản đối.

Một phiên họp tại Khóa họp Đại Hội đồng Y tế Thế giới (WHA) lần thứ 77, ngày 27/5/2024. (Ảnh: Anh Hiển/TTXVN)
Một phiên họp tại Khóa họp Đại Hội đồng Y tế Thế giới (WHA) lần thứ 77, ngày 27/5/2024. (Ảnh: Anh Hiển/TTXVN)

Tại Khóa họp Đại Hội đồng Y tế Thế giới (WHA) lần thứ 77 ngày 31/5, các nước đã bỏ phiếu, nhất trí thông qua dự thảo nghị quyết về việc trao thêm quyền cho Palestine trong Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tương tự như động thái trước đó của Đại Hội đồng Liên hợp quốc.

Tổng cộng 101 trong tổng số 177 nước có quyền biểu quyết đã ủng hộ dự thảo nghị quyết trong khi năm nước phản đối.

Dự thảo nghị quyết do một nhóm, chủ yếu là các nước Arab, Hồi giáo cùng Trung Quốc, Nicaragua và Venezuela đưa ra, kêu gọi trao cho Palestine - vốn có tư cách quan sát viên tại WHO, gần như tất cả các quyền tương tự các thành viên chính thức.

Theo một số nguồn tin ngoại giao, do lo ngại việc bỏ phiếu công nhận tư cách thành viên của Palestine có thể khiến nguồn tài trợ của Mỹ cho WHO tự động bị đình chỉ, nên các nước thông qua nghị quyết trao thêm quyền cho Palestine, trong đó có việc cho phép đại biểu của Palestine được ngồi chung với các thành viên chính thức, quyền được đưa ra đề xuất và sửa đổi.

Tuy nhiên, nghị quyết nêu rõ Palestine - với tư cách là một quốc gia quan sát viên, không có quyền bỏ phiếu trong Đại Hội đồng Y tế hoặc đưa ra ứng cử viên vào các cơ quan của WHO.

Cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại Geneva, WHA lần thứ 77 cũng thông qua nghị quyết hối thúc WHO hành động để giải quyết nhu cầu y tế ngày càng tăng cao ở Dải Gaza.

Theo nhiều nguồn tin, các nước đã ủng hộ với tỷ lệ áp đảo dự thảo nghị quyết kêu gọi tổ chức hội nghị tài trợ nhu cầu y tế tại các vùng lãnh thổ của Palestine, đồng thời kiến nghị đưa ra nhiều báo cáo hơn về tình hình “thảm khốc” ở Dải Gaza và “hành vi phá hủy vô cớ” của Israel đối với “các cơ sở y tế.”

Tuy nhiên, cuộc bỏ phiếu chỉ được thông qua, sau khi Israel đảm bảo văn kiện có nội dung mở rộng, trong đó có việc kêu gọi trả tự do cho các con tin đang bị giam giữ tại Gaza./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục