Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua 4 nghị quyết ủng hộ Palestine

Nghị quyết "Giải quyết hòa bình vấn đề Palestine" và Nghị quyết về "Ủy ban thực thi các quyền không thể nhân nhượng của người Palestine" là hai trong số 4 nghị quyết được thông qua.
Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua 4 nghị quyết ủng hộ Palestine ảnh 1Người dân Palestine giơ quốc kỳ tại khu vực biên giới Israel-Gaza. (Nguồn: AFP)

Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 3/12 đã thông qua 4 nghị quyết ủng hộ Palestine, theo đó bảo vệ các đường biên giới trước năm 1967 giữa Palestine và Israel và nhắc lại các nhiệm vụ của hai cơ quan thuộc Liên hợp quốc về vấn đề Palestine.

Sau khi hơn 20 quốc gia thành viên thảo luận về vấn đề Palestine, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã bỏ phiếu lần lượt thông qua 4 dự thảo nghị quyết.

Trong số đó, Nghị quyết "Giải quyết hòa bình vấn đề Palestine" nhận được nhiều sự ủng hộ nhất (147 phiếu ủng hộ, 7 phiếu chống và 13 phiếu trắng).

Nghị quyết kêu gọi tất cả các quốc gia không công nhận bất cứ thay đổi nào đối với biên giới trước năm 1967 giữa Palestine và Israel, ngoại trừ những điều chỉnh được các bên liên quan nhất trí thông qua đàm phán.

[Xung đột Israel-Palestine: Giải pháp ''hai nhà nước'' đã chết?]

Nghị quyết cũng kêu gọi không viện trợ hoặc giúp đỡ các hoạt động định cư bất hợp pháp của Israel trên các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng và phải đảm bảo trách nhiệm giải trình phù hợp với luật pháp quốc tế.

Một nghị quyết khác về "Ủy ban thực thi các quyền không thể nhân nhượng của người Palestine" yêu cầu ủy ban này của Liên hợp quốc tăng gấp đôi nỗ lực quốc tế nhằm thiết lập một khuôn khổ đa phương mở rộng, hướng tới khôi phục các nỗ lực đạt được giải pháp hòa bình trong vấn đề Palestine.

Hai nghị quyết còn lại đề cập nhiệm vụ của hai cơ quan Liên hợp quốc phụ trách vấn đề Palestine.

Trước khi 4 nghị quyết trên được thông qua, Ủy ban Thực thi các quyền không thể nhân nhượng của người Palestine đã trình bày báo cáo trước Đại hội đồng Liên hợp quốc, trong đó nhấn mạnh "trách nhiệm của các quốc gia và các thực thể tư nhân không góp phần vi phạm các quyền con người của của người Palestine, đặc biệt là về các khu định cư xây dựng trên các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, bao gồm Đông Jerusalem."

Báo cáo nêu rõ ủy ban trên không coi các quyết định đơn phương của những nước thành viên Liên hợp quốc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel là có hiệu lực.

Ủy ban này cũng giữ lập trường tương tự đối với việc các nước chuyển các đại sứ quán ở Israel từ Tel Aviv đến Jerusalem.

Báo cáo nhấn mạnh: "Ủy ban kêu gọi các quốc gia thành viên hủy bỏ những quyết định đó và tôn trọng hiện trạng lịch sử của các thánh địa ở Jerusalem, duy trì tình trạng pháp lý, nhân khẩu học cũng như tình trạng đa tôn giáo, đa văn hóa mang tính lịch sử của thành phố này"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục