Đại hội đồng Liên hợp quốc nhất trí tổ chức thượng cờ Palestine

Đại hội đồng Liên hợp quốc đã bỏ phiếu phê chuẩn nghị quyết cho phép thượng cờ Palestine tại trụ sở Liên hợp quốc với 119 nước đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết trên.
Đại hội đồng Liên hợp quốc nhất trí tổ chức thượng cờ Palestine ảnh 1Cờ các nước bên ngoài trụ sở Liên hợp quốc. (Nguồn: Bloomberg)

Theo AFP, ngày 10/9, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã bỏ phiếu phê chuẩn nghị quyết cho phép thượng cờ Palestine tại trụ sở Liên hợp quốc.

Tổng cộng 119 nước đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết trên, 45 nước bỏ phiếu trắng và 8 nước bỏ phiếu chống.

Sau khi được thông qua, Liên hợp quốc sẽ có 20 ngày để thực thi quyết định này, kịp thời điểm cho chuyến thăm New York của Tổng thống Palestine Mahmud Abbas vào ngày 30/9 tới.

Theo dự thảo nghị quyết được đề trình lên Đại hội đồng Liên hợp quốc cách đây 2 tuần, lá cờ của Palestine sẽ được kéo lên cùng với cờ của 193 nhà nước thành viên Liên hợp quốc.

Hiện Palestine có quy chế quan sát phi thành viên tại Liên hợp quốc.

Trao đổi với báo giới, Đại diện thường trực Palestine tại Liên hợp quốc Riyad Mansour đánh giá đây là một quyết định "mang tính biểu tượng nhưng cũng là một bước tiến mới trong việc củng cố vị thế của Nhà nước Palestine trên chính trường quốc tế."

Theo quan chức này, nghị quyết cho phép thượng cờ của Liên hợp quốc giống như "ánh sáng của ngọn nến," thắp sáng hy vọng cho người dân Palestine về việc cộng đồng quốc tế vẫn luôn ủng hộ nền độc lập của Nhà nước Palestine.

Phát biểu tại thủ đô Paris sau cuộc họp với Thủ tướng Pháp Manuel Valls, Thủ tướng Palestine Rami Hamdallah đánh giá quyết định trên của Liên hợp quốc là "một bước đi trong lộ trình hướng tới việc Palestine trở thành một thành viên chính thức của Liên hợp quốc."

Trong khi đó, tại Palestine, Ngoại trưởng của Chính quyền Dân tộc Palestine (PNA) Reyad al-Malki cũng hoan nghênh nghị quyết của Liên hợp quốc, gọi đây là "một thời khắc lịch sử."

Ông al-Malki nhấn mạnh lá cờ của Nhà nước Palestine là một biểu tượng của cuộc đấu tranh và sự hy sinh của người dân Palestine trong suốt nhiều thập kỷ qua. Ông cũng gửi lời cảm ơn của người dân Palestine đối với tất cả các quốc gia đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết trên, đồng thời kêu gọi các nước bỏ phiếu chống sẽ thay đổi quan điểm cũng như chấm dứt chính sách "tiêu chuẩn kép" để thúc đẩy tiến trình khôi phục nền hòa bình và công lý tại Palestine.

Trong khi đó, cả Israel và Mỹ đều chỉ trích quyết định trên của Liên hợp quốc. Đại sứ Israel tại Liên hợp quốc Ron Prosor khẳng định "mọi cuộc bỏ phiếu đều không thể biến một cử chỉ mang tính biểu tượng thành một quốc gia."

Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Samantha Power cho rằng việc thượng cờ Palestine ngoài trụ sở Liên hợp quốc "không phải là một phương án thay thế cho các cuộc đàm phán giữa Israel và Palestine, cũng như giúp hai bên tiến gần tới hòa bình."

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner lại cảnh báo đây là một nỗ lực "phản tác dụng."

Các cuộc đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine đã bị đổ vỡ hồi tháng 4/2014 sau khi Palestine thông báo việc thành lập một chính phủ đoàn kết với phong trào Hồi giáo Hamas đang kiểm soát Dải Gaza. Bên cạnh đó, Palestine cũng cáo buộc Israel khiến lộ trình hòa bình định trệ, chỉ trích việc Israel tiếp tục xây các khu định cư Do Thái tại Bờ Tây và Đông Jerusalem - những khu vực vốn dự kiến là một phần của nhà nước Palestine tương lai./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục