Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 6/12 đã thông qua 4 dự thảo nghị quyết nhằm cải thiện bộ máy cứu trợ nhân đạo đang gặp khó khăn trong việc hỗ trợ gần 400 triệu người đối mặt với khủng hoảng nghiêm trọng trên khắp thế giới.
Trong bài phát biểu khai mạc, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Csaba Korosi nhấn mạnh cuộc họp về tăng cường phối hợp hỗ trợ khẩn cấp và nhân đạo của Liên hợp quốc diễn ra vào thời điểm phù hợp, trong bối cảnh thế giới đối mặt với tình trạng khủng hoảng nhân đạo thường xuyên.
Chủ tịch Korosi dẫn báo cáo đánh giá nhu cầu nhân đạo toàn cầu năm 2023 do Văn phòng Điều phối các vấn đề Nhân đạo của Liên hợp quốc công bố tuần trước, cho biết thế giới đang phải đối mặt với số lượng các cuộc xung đột bạo lực cao nhất kể từ năm 1945, khiến 399 triệu người lâm vào cảnh khó khăn cần hỗ trợ. Đây cũng là con số cao nhất từng tổ chức này từng ghi nhận.
Theo ông Korosi, một trong những "cách nhanh nhất và hiệu quả nhất" để đối phó với tình trạng này là thông qua Quỹ Ứng phó khẩn cấp của Liên hợp quốc (CERF). Ông Korosi nhấn mạnh vào vai trò của CERF trong mở rộng quy mô và cung cấp các hoạt động cứu trợ bền vững khi không có nguồn tài trợ nào khác.
[LHQ kêu gọi tăng đồng cảm và đoàn kết đối với các nhu cầu nhân đạo]
Đại hội đồng đã thông qua 4 dự thảo nghị quyết trong cuộc họp. Khi thông qua nghị quyết "Tăng cường phối hợp hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp của Liên hợp quốc," Đại hội đồng tái khẳng định các nguyên tắc của nghị quyết 46/182 mang tính bước ngoặt, trong đó khuyến khích cộng đồng quốc tế hỗ trợ các quốc gia thành viên chuẩn bị ứng phó với các thảm họa. Nghị quyết cũng khuyến khích phát triển các hệ thống cảnh báo đa nguy cơ và ghi nhận thành tích của CERF.
Trong khi đó, với nghị quyết "Hợp tác quốc tế về hỗ trợ nhân đạo trong lĩnh vực thiên tai, từ cứu trợ đến phát triển," hội nghị ghi nhận mối quan hệ giữa ứng phó khẩn cấp, phục hồi và phát triển, cũng như sự cần thiết phải đảm bảo quá trình chuyển đổi suôn sẻ giữa 3 giai đoạn.
Theo các điều khoản của nghị quyết "Hỗ trợ người dân Palestine," hội đồng nhấn mạnh tầm quan trọng của hỗ trợ khẩn cấp và nhân đạo ở Dải Gaza và sự cần thiết phải thúc đẩy tái thiết khu vực này.
Theo các điều khoản của nghị quyết thứ 4 "An toàn và an ninh của nhân viên nhân đạo và bảo vệ nhân viên Liên hợp quốc," hội đồng lên án mạnh mẽ mọi hành vi bạo lực và đe dọa đến nhân đạo, đồng thời kêu gọi các quốc gia tăng cường các biện pháp giám sát, báo cáo và điều tra có hệ thống hơn với các cuộc tấn công./.