Đại hội đồng LHQ thông qua các nghị quyết ngăn chặn vũ khí hạt nhân

Nghị quyết năm nay được đánh giá là không mạnh mẽ bằng những năm trước vì bỏ đi cụm từ “quan ngại sâu sắc” trong phần nội dung đề cập những hậu quả về nhân đạo do việc sử dụng vũ khí hạt nhân.
Đại hội đồng LHQ thông qua các nghị quyết ngăn chặn vũ khí hạt nhân ảnh 1Một phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York, Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 12/12, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua một nghị quyết do Nhật Bản bảo trợ, trong đó kêu gọi loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân.

Đây là năm thứ 26 liên tiếp Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua nghị quyết này.

Nghị quyết năm nay được đánh giá là không mạnh mẽ bằng những năm trước vì bỏ đi cụm từ “quan ngại sâu sắc” trong phần nội dung đề cập những hậu quả về nhân đạo do việc sử dụng vũ khí hạt nhân.

[Bộ Quốc phòng Mỹ thử tên lửa đạn đạo lần hai sau khi rút khỏi INF]

Tổng cộng 160 quốc gia ủng hộ nghị quyết nói trên. Trong số 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Anh và Pháp bỏ phiếu thuận, Trung Quốc và Nga bỏ phiếu chống. Mỹ bỏ phiếu trắng năm thứ hai liên tiếp.

Đại hội đồng Liên hợp quốc cũng đã thông qua 3 nghị quyết do Nga đệ trình nhằm ngăn chặn quân sự hóa vũ trụ, theo đó kêu gọi các nước cam kết không khởi động triển khai vũ khí trong vũ trụ, thực hiện các biện pháp thiết thực để ngăn chặn chạy đua vũ trang trong không gian vũ trụ và đề ra các biện pháp minh bạch và xây dựng lòng tin trong không gian vũ trụ.

Nghị quyết thứ nhất kêu gọi tất cả các quốc gia, đặc biệt là những nước có tiềm lực vũ trụ, tôn trọng cam kết không phát động triển khai vũ khí trong vũ trụ.

Nghị quyết thứ hai kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục tập trung nỗ lực nhằm ngăn chặn chạy đua vũ trang trong vũ trụ, bao gồm cả việc triển khai vũ khí.

Nghị quyết cuối cùng khuyến nghị các nước thành viên Liên hợp quốc "tiếp tục xem xét và thực hiện trên cơ sở tự nguyện những biện pháp minh bạch và củng cố lòng tin ở mức độ cao nhất."

Nghị quyết cũng kêu gọi các quốc gia tại mọi diễn đàn phù hợp, cung cấp thông tin về những biện pháp cụ thể mà các nước đang áp dụng để củng cố lòng tin và tính minh bạch trong hoạt động vũ trụ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục