Đại hội đồng LHQ chính thức thông qua hiệp ước toàn cầu về di cư

Ngày 19/12, Đại hội đồng Liên hợp quốc chính thức thông qua Hiệp ước Toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (GCM), với 152 nước đã bỏ phiếu ủng hộ, 12 nước bỏ phiếu trắng và 5 nước phản đối.
Toàn cảnh một phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York của Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 19/12, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã chính thức thông qua Hiệp ước Toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (GCM), gọi tắt Hiệp ước toàn cầu về di cư.

Tổng cộng 152 nước đã bỏ phiếu ủng hộ hiệp ước này, 12 nước bỏ phiếu trắng và 5 nước phản đối là Mỹ, Hungary, Cộng hòa Séc, Ba Lan và Israel.

Khi được tất cả các quốc gia thành viên Liên hợp quốc, trừ Mỹ, thông qua hồi tháng Bảy vừa qua, hiệp ước này được hoan nghênh là một thành công ngoại giao của Liên hợp quốc.

Tuy nhiên, mới đây, các nước Hungary, Áo, Séc, Ba Lan, Bulgaria và Australia đã liên tiếp tuyên bố rút khỏi hiệp ước này.

Mặc dù vậy, hiệp ước này đã được các nhà lãnh đạo và đại diện của 150 nước trên thế giới thông qua ngày 10/12 vừa qua tại hội nghị Liên hợp quốc tại Marrakesh, Maroc.

Được coi là văn kiện quốc tế đầu tiên về quản lý người di cư, hiệp ước đặt ra 23 mục tiêu đảm bảo di cư hợp pháp và quản lý dòng người di cư tốt hơn trong bối cảnh số người di cư trên toàn thế giới đã tăng lên mức 260 triệu người, tương đương 3,4% dân số toàn thế giới.

Hiệp ước này bao gồm các nội dung như làm cách nào để bảo vệ người di cư, giúp người di cư hòa nhập tại môi trường sống mới hay đưa người di cư trở lại quê nhà.

[LHQ đánh giá di cư là "động lực mạnh thúc đẩy tăng trưởng kinh tế"]

Theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, hiệp ước này là lộ trình để ngăn chặn "sự hỗn loạn và nỗi thống khổ."

Ông tuyên bố đây là cơ cấu khung cho sự hợp tác quốc tế, không mang tính ràng buộc về pháp lý và bao gồm một số điều khoản cụ thể về chủ quyền, khiến việc thực thi hiệp ước này chỉ dựa vào thiện chí của những quốc gia ủng hộ.

Hiệp ước ra đời trong bối cảnh làn sóng người di cư đổ tới châu Âu với quy mô lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai, trong đó đa số trốn chạy khỏi các cuộc xung đột và nạn nghèo đói ở các nước Trung Đông và châu Phi.

Đến nay, lượng người di cư qua đường biển đã giảm rõ rệt, nhưng "dư chấn chính trị" do làn sóng này gây ra vẫn còn rất nặng nề tại EU.

Tại biên giới Mexico-Mỹ, hàng nghìn người di cư cũng đang chờ để tìm cơ hội xin tị nạn tại Mỹ, buộc nước này phải triển khai binh sỹ tới biên giới và tiến hành trấn áp mạnh tay.

Theo số liệu của Liên hợp quốc, số người di cư trên toàn thế giới đã lên tới hơn 260 triệu người, chiếm 3,4% dân số thế giới.

Hơn 80% người di cư trong số này thực hiện hành trình di cư một cách trái phép trong khi hơn 60.000 người đã bị bỏ mạng trong hành trình nỗ lực vượt biên trái phép kể từ năm 2000./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục