Ngày 10/12, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Giáo hội Cơ đốc Phục lâm Việt Nam tổ chức khai mạc Đại hội đồng lần thứ III (diễn ra từ ngày 10-12/12) với sự tham dự của 400 đại biểu gồm chức sắc, tín đồ ở 30 tỉnh, thành phố, đại diện Liên hiệp Hội Cơ đốc Phục lâm Đông Nam Á, các ban ngành và chính quyền Việt Nam.
Nội dung của Đại hội đồng lần thứ III của Giáo hội Cơ đốc Phục lâm Việt Nam gồm Bồi linh, báo cáo công tác mục vụ nhiệm kỳ 2012-2015, sửa đổi Hiến chương (tại Điều 15, nâng thời gian Đại hội đồng từ 4 năm như trước đây lên 5 năm), bầu Ban Quản trị Giáo hội nhiệm kỳ III và thông qua kế hoạch nhiệm kỳ 2015-2020.
Dịp này, Giáo hội Cơ đốc Phục lâm Việt Nam kiến nghị các cấp chính quyền công nhận và cấp giấy chứng nhận sinh hoạt tôn giáo các điểm nhóm của Giáo hội tại Quảng Ngãi (20 điểm), Kon Tum (2 điểm), Đắc Lắc (26 điểm), Điện Biên Phủ (7 điểm) và Đồng Tháp (2 điểm).
Theo Mục sư Trần Thanh Truyện, quyền Hội trưởng Giáo hội Cơ đốc Phục lâm Việt Nam, Giáo hội (trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh) sớm có mặt tại Việt Nam từ năm 1915, đến năm 1929 được Toàn cầu Tổng hội công nhận tổ chức.
Giáo hội đã tổ chức Đại hội đồng lần thứ I (từ ngày 22-24/10/2008) và lần thứ II (từ ngày 12-13/12/2012). Giáo hội được nhận Giấy Quyết định công nhận Tổ chức tôn giáo số 235/QĐ-TGCP do Ban Tôn giáo Chính phủ thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ cấp ngày 4/12/2008.
Hiện Giáo hội có 173 mục sư, truyền đạo và nhân viên với 15 Hội thánh, 162 điểm nhóm, thu hút 15.697 tín đồ.
Phát biểu tại Đại hội, ông Bùi Thanh Hà, Phó trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết Giáo hội Cơ đốc Phục lâm là một trong những tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận đầu tiên theo quy định mới của Pháp lệnh Tín ngưỡng tôn giáo.
Sau khi được Nhà nước công nhận, Giáo hội có điều kiện thuận lợi để hoạt động tôn giáo và ngày càng đi vào ổn định.
Hai nhiệm kỳ qua, dưới sự lãnh đạo của Ban Quản trị, Giáo hội đã có nhiều hoạt động thiết thực, đóng góp cho an sinh xã hội như cung cấp bữa ăn và chăm sóc sức khỏe cho người lao động nghèo, trẻ mồ côi, chung tay cùng cộng đồng chăm lo cho học sinh, sinh viên, xây dựng cầu, trạm xá…
Đây là những biểu hiện cụ thể của việc thực hiện đường hướng hành đạo tiến bộ “Thờ phượng Đức Chúa trời ba ngôi hằng sống, kính Chúa yêu người, phục vụ Tổ quốc dân tộc, hoạt động theo pháp luật” mà Giáo hội Cơ đốc Phục lâm Việt Nam đã tuyên xưng trong Hiến chương của mình.
Bên cạnh đó, tín hữu của Giáo hội cũng tham gia công tác nghĩa vụ công dân, sống “Tốt đời đẹp đạo,” xây dựng mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc, đảm bảo an ninh, an toàn xã hội.
Thời gian qua, Giáo hội và Hội thánh địa phương đã giúp hàng tỷ đồng làm giếng cho dân nghèo, xây cầu bêtông nông thôn, xóa đói giảm nghèo, xây dựng trung tâm sức khỏe cộng đồng…/.