Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, trong bối cảnh Trái Đất vẫn đang ngày một ấm lên, kéo theo các nguy cơ về biến đổi khí hậu, Đại Hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) lần thứ 144 và các cuộc họp liên quan, do Quốc hội Indonesia đăng cai tổ chức từ ngày 20-24/3 sẽ tập trung thảo luận chủ đề “Hướng tới mức phát thải ròng bằng 0 - Vận động Nghị viện hành động chống biến đổi khí hậu.”
Trong thông cáo trước thềm sự kiện này, IPU cho biết tình trạng khẩn cấp về khí hậu đang ảnh hưởng đến mọi khu vực trên thế giới và tiếp tục gia tăng với tốc độ nhanh chóng.
Những phát hiện mới đây của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu cho thấy nếu không tiến hành ngay các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính, mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức 1,5-2 độ C vào cuối thế kỷ này sẽ không thể đạt được.
Trong bối cảnh đó, IPU-144 sẽ xem xét các hành động cần thiết của nghị viện nhằm giảm thiểu tác động của tình trạng khẩn cấp về khí hậu và thực thi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu; tận dụng giai đoạn phục hồi sau COVID-19 để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh; đồng thời đảm bảo giải quyết nhu cầu của các nhóm dân cư có nguy cơ cao như phụ nữ và thanh niên.
IPU-144 sẽ lắng nghe ý kiến của các nhà hoạt động khí hậu và đại diện các quốc gia đang ở tuyến đầu chống biến đổi khí hậu, đặc biệt là các quốc đảo nhỏ đang phát triển.
Trong bối cảnh xung đột Ukraine hiện nay, các thành viên IPU dự kiến sẽ thông qua một nghị quyết mang tính bước ngoặt về chủ đề “Suy nghĩ lại và tái điều chỉnh cách tiếp cận các tiến trình hòa bình nhằm thúc đẩy hòa bình lâu dài,” trong đó tái khẳng định nguyên tắc đối thoại cốt lõi của IPU nhằm giải quyết các tranh chấp quốc tế.
[2022: IPU 144 hướng tới thúc đẩy hành động vì khí hậu]
Nhu cầu thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và đảm bảo tuân thủ luật pháp quốc tế cũng sẽ là cơ sở cho các cuộc thảo luận trong suốt kỳ Đại hội đồng lần này.
IPU sẽ ra mắt hai công cụ mới dành cho các nghị sĩ trong Đại Hội đồng, bao gồm Sổ tay Tăng cường khả năng chuẩn bị an ninh y tế và Báo cáo Nghị viện toàn cầu lần thứ ba về sự tham gia của cộng đồng vào các công việc của quốc hội, được soạn thảo với sự hợp tác của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP).
Được thành lập năm 1889 với trụ sở chính đặt tại Thụy Sĩ, IPU là một trong những tổ chức đa phương lâu đời nhất thế giới. Hiện IPU quy tụ 178 quốc hội thành viên và 14 tổ chức nghị viện khu vực với sứ mệnh thúc đẩy dân chủ và giúp các nghị viện trở nên mạnh mẽ hơn, trẻ hơn, cân bằng giới tính và đa dạng hơn./.