Đại hội đồng IPU-132: Tiếp tục Phiên thảo luận chung

Tại Phiên thảo luận chung, Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh chia sẻ về những thách thức cũng như nỗ lực chung của ASEAN nhằm tăng cường tính bền vững, cải thiện môi trường trong quá trình phát triển.
Đại hội đồng IPU-132: Tiếp tục Phiên thảo luận chung ảnh 1Quang cảnh phiên thảo luận chung ngày 30/3. (Ảnh: TTXVN)

Tiếp tục Phiên thảo luận chung, trong ngày 30/3, Đại hội đồng IPU-132 đã tập trung thảo luận về vai trò, nhiệm vụ và những biện pháp của các Quốc hội và Nghị viện để thực sự “biến lời nói thành hành động,” “thực hiện những mục tiêu phát triển bền vững và đưa ra thông điệp thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của cộng đồng các nghị viện trên thế giới trong việc thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) trong 15 năm tới."

Tại Phiên thảo luận chung, Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh chia sẻ về những thách thức cũng như nỗ lực chung của ASEAN nhằm tăng cường tính bền vững, cải thiện môi trường trong quá trình phát triển.

Tổng Thư ký Lê Lương Minh cho biết khu vực ASEAN được ưu đãi với hệ sinh thái rất đặc biệt, có nguồn nước, vùng vịnh, vùng biển lớn chiếm đến 80% về đa đạng sinh học trên thế giới, đặc biệt những khu rừng nhiệt đới lớn là nơi cư trú của 40% các loại sinh vật trên thế giới. Tuy nhiên, trong những năm qua hệ sinh thái cũng như tài nguyên thiên nhiên của ASEAN đang gặp đe dọa. Dân số tăng nhanh cũng như cấu trúc dân số đang thay đổi; tăng trưởng kinh tế nhanh kết hợp với các khoảng cách phát triển trong khu vực, giữa các quốc gia thành viên ASEAN tạo nên sức ép rất lớn, tác động nghiêm trọng về mặt môi trường, như ô nhiễm nước, ô nhiễm đất và ô nhiễm không khí, suy thoái về môi trường ở các đô thị, nạn cháy rừng xuyên quốc gia và sự hủy diệt tài nguyên thiên nhiên, cũng như đa dạng sinh học.

Ông Lê Lương Minh nhấn mạnh, cũng như các nơi khác trên thế giới, ASEAN cho dù có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú nhưng cũng gặp thách thức lớn khi cân bằng giữa các mục tiêu phát triển bền vững môi trường và phát triển kinh tế.

ASEAN đang hợp tác và làm việc tích cực trên nhiều lĩnh vực khác nhau để thúc đẩy phát triển xanh; nỗ lực tăng cường tính bền vững và cải thiện môi trường bằng việc hướng đến và xây dựng những chuẩn mực chung. Các quốc gia thành viên ASEAN đã cùng nhau hợp tác tăng cường an ninh năng lượng, tiếp cận năng lượng và tính bền vững về năng lượng cho toàn khu vực ASEAN.

Kế hoạch hành động cho giai đoạn 2010-2015 dưới chủ đề biến chính sách thành hành động hướng đến một cộng đồng ASEAN sạch hơn, hiệu quả hơn, bảo vệ tốt hơn bao gồm bảy chương trình, lĩnh vực trọng tâm trong hợp tác. Cụ thể là xây dựng mạng lưới chuyển tải điện ASEAN, xây dựng mạng lưới khí gas xuyên ASEAN, xây dựng mạng lưới về bảo tồn và hiệu quả năng lượng của ASEAN, sử dụng năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng mới và sạch, các chính sách về năng lượng trong khu vực; quy hoạch về sử dụng năng lượng cho các mục tiêu dân sự.

Trong lĩnh vực môi trường, ASEAN đã phát triển những chỉ số chính để đánh giá về không khí sạch, nước sạch, không khí sạch, đất sạch, sử dụng trong lựa chọn, bình bầu những thành phố ASEAN thân thiện và bền vững với môi trường từ năm 2008; đã tham gia vào quá trình sản xuất, tiêu thụ, thúc đẩy các công nghệ thân thiện môi trường, công nghệ sản xuất sạch, tham gia vào nỗ lực toàn cầu giải quyết những thách thức bao gồm vấn đề phát triển và điều chỉnh các công nghệ thân thiện môi trường; đồng thời các nước thành viên ASEAN đã bắt đầu tiến hành sản xuất công nghệ sạch hơn với các sáng kiến về hiệu quả năng lượng.

Các quốc gia ASEAN thực hiện kế hoạch dán nhãn các sản phẩm thân thiện với môi trường để khuyến khích phát triển sản xuất sạch, bền vững.

Ngoài ra, Năm môi trường của ASEAN được tổ chức 3 năm/lần nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tăng cường hợp tác trong khu vực cũng như thực hiện các chương trình hành động về bảo tồn môi trường. ASEAN cũng có một hệ thống cơ sở dữ liệu để giáo dục về bảo vệ môi trường. Đây là sáng kiến sử dụng các nguồn lực trên Internet để tạo mạng lưới gắn kết, tăng hợp tác và trao đổi thông tin. Ngoài ra, cổng thông tin của thanh niên ASEAN về phát triển bền vững đã được kiến tạo để cho phép thanh thiếu niên của ASEAN tham gia trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm của họ về bảo vệ môi trường.

ASEAN cũng có báo cáo thường xuyên của về môi trường, xuất bản 3 năm/lần để đánh giá triển vọng, xác định thách thức phải đối mặt…

Nhấn mạnh về vai trò của các nghị sỹ ASEAN càng ngày càng quan trọng, ông Lê Lương Minh cho biết ASEAN đã đạt được đồng thuận cao liên quan đến vấn đề phát triển bền vững, tầm nhìn cho các mục tiêu ASEAN sau 2015 cần tiếp tục thúc đẩy quá trình tăng trưởng kinh tế toàn diện, bền vững và công bằng, phù hợp với chương trình phát triển của Liên hợp quốc giai đoạn sau 2015.

ASEAN cũng tiếp tục thúc đẩy thu hẹp khoảng cách phát triển, khoảng cách kinh tế-xã hội giữa các quốc gia thành viên, đảm bảo sự cân bằng hợp lý giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, xây dựng cộng đồng có tính hồi phục cao, có khả năng kháng chịu cao, có thể đáp ứng được việc giải quyết các thách thức hiện nay và bao gồm các cơ chế mạnh liên quan đến an ninh lương thực, an ninh năng lượng, thảm họa tự nhiên…; đồng thời đưa ra những thỏa thuận về mặt thể chế khu vực để có thể xây dựng những mối quan hệ đối tác có ý nghĩa và có thể thu hút sự ủng hộ, hỗ trợ của các bên tham gia trong cộng đồng.

Ông Lê Lương Minh nhấn mạnh, 2015 là năm chính thức hóa các mục tiêu phát triển bền vững thông qua những hoạt động của Hội nghị về tài trợ cho mục tiêu phát triển cũng như thông qua các mục tiêu phát triển bền vững trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc sắp tới. Bên cạnh đó là hội nghị cấp cao của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. Đây cũng là lợi ích, nguyện vọng chung trong quá trình thảo luận ở Đại hội IPU-132. Ông Lê Lương Minh bày tỏ, các nghĩ sỹ IPU-132 có đóng góp thiết thực hướng đến việc chính thức hóa, biến lời nói thành hành động trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Cũng tại Phiên thảo luận chung, chiều 30/3, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có bài phát biểu tại Đại hội đồng IPU-132 về Tổng quan chính sách đối ngoại Việt Nam. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh, sự có mặt của trên 170 đoàn với gần 2.000 đại biểu từ các quốc gia thành viên IPU và các tổ chức quan sát viên đã khẳng định sức mạnh, tinh thần đoàn kết và vai trò to lớn của IPU sau 126 năm hình thành và phát triển.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, hòa bình và an ninh là điều kiện tiên quyết cho phát triển bền vững. Vì vậy, xây dựng một nền hòa bình bền vững dựa trên luật pháp quốc tế là lợi ích chung của tất cả các dân tộc. Mục tiêu của đường lối đối ngoại của Việt Nam là hòa bình, hợp tác và phát triển. Trong tiến trình chủ động hội nhập quốc tế của mình, Việt Nam chủ trương là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, vì phồn vinh của mỗi dân tộc, vì hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hòa hiếu, hữu nghị với tất cả các nước, nhất là các nước láng giềng, khu vực, kiên trì phấn đấu cùng các nước trong cộng đồng quốc tế xây dựng một trật tự thế giới công bằng và bình đẳng dựa trên chủ nghĩa đa phương, Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.

Việt Nam luôn coi trọng vai trò, tiếng nói của các thể chế, diễn đàn đa phương đối với các vấn đề an ninh, phát triển của khu vực và thế giới. Với chủ trương đó, việc đăng cai tổ chức Đại hội đồng IPU-132 thể hiện mong muốn và trách nhiệm của Việt Nam đóng góp thực chất, hiệu quả cho công việc của IPU.

Cùng với tiến trình Đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện, Việt Nam đã và đang đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, an ninh quốc tế, thúc đẩy hợp tác phát triển giữa các dân tộc, qua đó khẳng định là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế... Những kinh nghiệm thành công trong xóa đói giảm nghèo, bình đẳng giới, thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ đã được Việt Nam chia sẻ với nhiều bạn bè quốc tế từ châu Á đến châu Phi. Những đóng góp của Việt Nam vào các nỗ lực chung nhằm giải quyết các vấn đề an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, thúc đẩy phát triển bền vững, bình đẳng giới đã được Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Ở khu vực, cùng các nước ASEAN, Việt Nam đang đẩy mạnh quá trình xây dựng Cộng đồng, thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN và các đối tác đối thoại nhằm xây dựng một cấu trúc khu vực bền vững dựa trên các luật lệ và chuẩn mực chung, trong đó ASEAN tiếp tục đóng vai trò trung tâm. ASEAN đang chứng minh rằng tương lai khu vực có thể được định hình bằng hợp tác, chứ không phải cạnh tranh hay đối đầu. Năm 2015, với việc hình thành Cộng đồng có dân số 600 triệu người và GDP 2.500 tỷ USD sẽ trở thành một thực thể có vai trò ngày càng quan trọng ở khu vực. Việt Nam cam kết tiếp tục cùng các nước thành viên ASEAN tăng cường hơn nữa quan hệ với các đối tác đối thoại, trong cũng như ngoài khu vực, nhằm biến châu Á-Thái Bình Dương trở thành một khu vực hòa bình, hợp tác và phát triển.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu đó, tất cả các nước cần tăng cường xây dựng lòng tin chiến lược, thúc đẩy hợp tác tìm giải pháp lâu dài, thỏa đáng cho các thách thức đối với hòa bình và an ninh khu vực, nhất là các tranh chấp lãnh thổ, biển đảo. Đặc biệt, các nước lớn cần thể hiện rõ vai trò và trách nhiệm của mình, tôn trọng các lợi ích chính đáng của các nước vừa và nhỏ, tránh những hành động làm phức tạp thêm tình hình khu vực.

Về phần mình, Việt Nam kiên trì lập trường nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, phản đối các hành động sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, chủ trương giải quyết các tranh chấp, nhất là các tranh chấp ở Biển Đông, bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và các nguyên tắc ứng xử chung ở khu vực.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, là cơ quan lập pháp có quyền lực cao nhất trong hệ thống chính trị của các nước, Nghị viện đóng vai trò rất quan trọng trong việc hiện thực hóa mục tiêu đó. Suốt lịch sử 126 năm qua, IPU đã chứng tỏ sức sống và vai trò quan trọng hàng đầu của mình với tư cách là diễn đàn thường trực đầu tiên về đàm phán chính trị đa phương và trung tâm đối thoại ngoại giao nghị viện toàn cầu.

Phó Thủ tướng bày tỏ tin tưởng, trong thời gian tới, Quốc hội Việt Nam sẽ tiếp tục là cầu nối quan trọng thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Quốc hội và nhân dân Việt Nam với Nghị viện và nhân dân các quốc gia thành viên IPU, đóng góp ngày càng tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu cao cả mà tất cả các quốc gia thành viên IPU cùng chia sẻ.

Sáng cùng ngày, Đại hội đồng IPU-132 đã thảo luận về chủ đề liên quan đến vai trò của Nghị viện trong việc ngăn chặn các hoạt động khủng bố chống thường dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái, của các tổ chức như Daesh và Boko Haram. Chủ đề này do Australia và Bỉ đề xuất đã đạt hơn 2/3 số phiếu ủng hộ và được chọn làm chủ đề khẩn cấp đưa vào chương trình nghị sự của IPU-132./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục