Đại hội đồng IPU-132: Có 8/9 ý kiến của Việt Nam được ghi nhận

Đoàn Việt Nam đã phát huy cao nhất vai trò nước chủ nhà, trách nhiệm thành viên IPU, chủ động, tích cực đóng góp nhiều sáng kiến, đề xuất thiết thực.
Đại hội đồng IPU-132: Có 8/9 ý kiến của Việt Nam được ghi nhận ảnh 1Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Phiên họp Ủy ban Thường trực về Tài chính. (Ảnh: TTXVN)

Với chủ đề “Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động," Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132) do Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức tại Hà Nội từ ngày 28/3-1/4 là sự kiện ngoại giao đa phương lớn nhất từ trước đến nay.

Đây là dịp để Việt Nam giới thiệu với bạn bè quốc tế về đất nước Việt Nam đổi mới, phát triển, con người Việt Nam thân thiện, mến khách và nền văn hóa Việt Nam đa dạng, phong phú; qua đó cũng khẳng định sự đóng góp thiết thực, hiệu quả của Quốc hội Việt Nam đối với IPU.

Sự kiện này đã thu hút sự tham gia của nhiều lãnh đạo cấp cao nhất của nghị viện các nước, các tổ chức liên nghị viện khu vực, các tổ chức quốc tế, các vị khách mời và phóng viên quốc tế.

Tại Đại hội đồng, các Ủy ban đã thảo luận rất nhiều nội dung liên quan đến hòa bình và an ninh, phát triển kinh tế, thương mại, dân chủ, nhân quyền, bình đẳng giới, quản trị nước, chống khủng bố...

Các đại biểu đã nêu giải pháp cụ thể của nước mình, đồng thời cho rằng cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa Nghị viện các nước, giữa các quốc gia, trong đó có vai trò rất quan trọng của Quốc hội, Nghị viện các nước nhằm xây dựng và bảo đảm thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững, biến lời nói thành hành động.

Tại các phiên họp của các ủy ban, Đoàn Việt Nam đã phát huy cao nhất vai trò nước chủ nhà, trách nhiệm thành viên IPU, chủ động, tích cực đóng góp nhiều sáng kiến, đề xuất thiết thực và đã nhận được sự đồng thuận cao của các đoàn.

8/9 ý kiến của Việt Nam được ghi nhận

Tại Ủy ban Thường trực về Hòa bình và An ninh quốc tế, thảo luận về dự thảo Nghị quyết “Chiến tranh mạng - mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh thế giới,” các đại biểu đã thống nhất cao về sự cần thiết trong việc hoàn thiện một công ước quốc tế về mạng Internet, nhằm ngăn chặn các thế lực khủng bố có thể sử dụng internet để thực hiện tội ác của mình, đặc biệt là việc quyên góp nguồn tiền cho các hoạt động khủng bố, chiêu mộ và đầu độc cộng đồng bằng những ý tưởng bạo lực.

Đề xuất của đoàn Việt Nam về việc bổ sung nội dung chống chiến tranh mạng vào cơ chế thảo luận và kiểm soát của Liên hợp quốc đã nhận được sự ủng hộ của các đoàn. Đến nay, dự thảo Nghị quyết “Chiến tranh mạng - mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh thế giới” đã được thông qua với sự đồng thuận cao của các thành viên.

Bên lề phiên họp, ông Vũ Xuân Hồng, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, đại diện đoàn Việt Nam chia sẻ qua hai ngày làm việc, các đại biểu Ủy ban Thường trực về Hòa bình và An ninh quốc tế đã có những tham khảo tích cực và phát biểu những vấn đề liên quan đến tình hình chung trên thế giới. Đặc biệt lần này là vấn đề không gian mạng, chiến tranh mạng và nguy cơ của nó đối với hòa bình và an ninh thế giới.

Bản cuối cùng của dự thảo Nghị quyết được thông qua đã làm phong phú rất nhiều so với dự thảo ban đầu. Số trang gấp đôi, số vấn đề được nêu lên rất nổi trội, trong đó đi vào nội dung vai trò của Quốc hội các nước liên quan đến vấn đề an ninh mạng. Đây là văn kiện sẽ được trình Đại hội đồng thông qua.

Cũng theo ông Vũ Xuân Hồng, đoàn Việt Nam đã tham gia 9 ý kiến và 8 ý kiến đã được ghi nhận đưa vào nghị quyết, một ý kiến khác của Việt Nam được đưa vào đề xuất khác của các bạn.

Việt Nam khuyến nghị Liên minh Nghị viện Thế giới cần ra Tuyên bố chung kêu gọi các quốc gia cam kết không tấn công lẫn nhau trên không gian mạng dưới bất kỳ hình thức nào. Tổ chức Liên hợp quốc khẩn trương xây dựng Công ước quốc tế về bảo đảm an ninh, an toàn không gian mạng. Các quốc gia thành viên cần tăng cường hợp tác, trao đổi, đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ kỹ thuật-công nghệ, chia sẻ thông tin về an ninh mạng và phòng, chống tội phạm mạng; phối hợp thành lập nhóm chuyên gia ứng cứu an ninh mạng khi có sự cố xảy ra. Các quốc gia thành viên tăng cường xây dựng năng lực an ninh thông tin thông qua các hoạt động như: Xây dựng và hoàn thiện hành lang nhằm quy định rõ quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi tham gia vào các hoạt động trên mạng.


Đồng thuận cao bởi: Luôn lấy quyền con người làm trung tâm

Ủy ban Thường trực về dân chủ và nhân quyền đã hoàn chỉnh và thông qua Dự thảo Nghị quyết “Luật pháp quốc tế trong vấn đề chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và quyền con người.”

Dự thảo đề cập 3 nội dung quan trọng là luật pháp quốc tế, chủ quyền quốc gia và quyền con người. Dự thảo nhấn mạnh các quốc gia phải tôn trọng luật pháp quốc tế và coi luật pháp quốc tế là một công cụ để điều chỉnh và xử lý các xung đột; nguyên tắc chủ quyền quốc gia, luật pháp quốc tế tương thích với chủ quyền quốc gia; các quốc gia khẳng định quyền tự quyết và chống lại sự can thiệp của nước ngoài.

Dự thảo Nghị quyết khẳng định luật pháp quốc tế và chủ quyền quốc gia phải luôn lấy quyền con người làm trung tâm. Kết quả là dự thảo Nghị quyết đã được thông qua với 37 phiếu thuận, 3 phiếu chống và 10 phiếu trắng. Với tư cách là nước chủ nhà của Đại hội đồng IPU-132, Việt Nam đã đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy thông qua Dự thảo Nghị quyết quan trọng này.

Đại diện đoàn Việt Nam tham dự phiên họp này, ông Lê Minh Thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Việt Nam, thành viên Tiểu ban Nội dung cho biết, Ủy ban Thường trực về Dân chủ và Nhân quyền Đại hội đồng IPU-132 đã thảo luận một phiên hết sức quan trọng.

Ủy ban đã tiến hành thảo luận dự thảo Nghị quyết về “Luật pháp quốc tế trong vấn đề chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và quyền con người.” Đây là nghị quyết được soạn thảo từ Đại hội đồng IPU-131, do còn có ý kiến khác nhau nên chưa thông qua được. Bởi các quốc gia có nhiều quan điểm khác nhau, có quốc gia đề cao luật pháp quốc tế, có nước đề cao chủ quyền quốc gia, có quốc gia đề cao quyền con người, có quốc gia lại không đặt trong quan hệ tương hỗ giữa 3 yếu tố luật pháp quốc tế, chủ quyền quốc gia và quyền con người nên có những quan điểm khó dung hòa. Việc tiếp thu ý kiến giữa các quốc gia vẫn chưa được các nước đồng thuận nên quyết định chuyển tới Đại hội đồng IPU-132 tại Hà Nội để thông qua nghị quyết quan trọng này.

Nghị quyết phải trở thành các hành động cụ thể

Ủy ban Thường trực về Phát triển bền vững, Tài chính và Thương mại đã tiến hành thảo luận Nghị quyết “Định hình cơ chế mới về quản trị nguồn nước: Thúc đẩy hành động của Nghị viện về vấn đề nước” với nhiều ý kiến đóng góp phong phú.

Đã có 15 quốc gia với 78 ý kiến đóng góp cho dự thảo; các ý kiến đều nhấn mạnh đến yếu tố trung tâm của con người trong quản trị, sử dụng hiệu quả và bền vững nguồn nước; chia sẻ quan ngại về tác động nghiêm trọng của tình trạng khan hiếm nước đối với cuộc sống của người dân và quá trình phát triển; khẳng định sự cần thiết phải tuân thủ luật pháp quốc tế, các thỏa thuận và công ước về nước đã được ký kết, đặc biệt là Công ước 1997 về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia.

Các đại biểu tham gia phiên họp tại Ủy ban Thường trực về Phát triển bền vững, Tài chính và Thương mại cũng đã nhất trí thông qua dự thảo Nghị quyết “Định hình cơ chế mới về quản trị nguồn nước: Thúc đẩy hành động của Nghị viện về vấn đề nước” với sự đồng thuận cao.

Ông Nguyễn Văn Giàu, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, thành viên đoàn Việt Nam tham dự IPU-132 nhấn mạnh tầm quan trọng của Nghị quyết IPU về “Định hình cơ chế mới về quản trị nguồn nước: Thúc đẩy hành động của Nghị viện về vấn đề nước.”

Theo ông, với ý tưởng và tinh thần của Đại hội đồng IPU-132 là “biến lời nói thành hành động,” sau khi thảo luận và thông qua Nghị quyết tại Đại hội đồng IPU, các Nghị viện thành viên cần có những hành động cụ thể tập trung vào 6 nội dung.

Cụ thể là rà soát Luật Tài nguyên nước và các luật, quy định có liên quan trong khuôn khổ pháp lý quốc gia; rà soát, thông qua và giám sát việc thực hiện các chiến lược quốc gia, chương trình, kế hoạch và dự án về quản trị nguồn nước; phân bổ ngân sách thích đáng cho hoạt động quản trị nước; kiện toàn hệ thống tổ chức và bộ máy quản lý ngành nước.

Bên cạnh đó, cần phổ biến nội dung Nghị quyết tới cơ quan nhà nước ở tất cả các cấp, các tổ chức xã hội và toàn thể nhân dân để nâng cao nhận thức chung của toàn xã hội và thúc đẩy xây dựng các chương trình giáo dục đào tạo về quản trị nước; đẩy mạnh ngoại giao ngành nước, tập trung vào ngoại giao Nghị viện để thúc đẩy hợp tác khu vực và quốc tế về quản trị nước, hình thành cơ chế đối thoại thường xuyên với các quốc gia láng giềng, chia sẻ thông tin về tài nguyên nước và các vấn đề liên quan trong công tác quản trị nước, trao đổi kinh nghiệm về sự tham gia của Nghị viện đối với quản trị nước.

Bên cạnh đó, tại hàng loạt các sự kiện như Hội nghị Nữ Nghị sỹ; Diễn đàn Nghị sỹ trẻ, Hội nghị Hiệp hội các Tổng thư ký nghị viện, Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập cơ chế Hội nghị Nữ nghị sỹ, Hướng tới tầm nhìn Bắc Kinh..., Việt Nam cũng đưa ra một số kiến nghị về việc tiếp tục thực hiện Tuyên bố Hành động Bắc Kinh như nâng cao tỷ lệ phụ nữ tham chính, nâng cao khả năng tiếp cận của phụ nữ, phân bổ nguồn lực hợp lý cho bình đẳng giới, xóa bỏ bạo lực với phụ nữ, trẻ em và tiếp tục nghiên cứu để có những mục tiêu phát triển bền vững sau 2015, lồng ghép giới trong toàn bộ các mục tiêu phát triển bền vững.

Việt Nam cũng cam kết với Hội nghị Nữ nghị sĩ là sẽ tiếp tục xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ hơn, lồng ghép giới trong hệ thống pháp luật, tổ chức thực thi hiệu quả và quan tâm tới phân bổ nguồn lực để đảm bảo cho các mục tiêu giới của Việt Nam…

Là nghị viện thành viên của IPU, đoàn đại biểu Việt Nam đã tham gia đầy đủ, tích cực và hiệu quả vào hoạt động của các cơ chế chính thức, tham vấn và các hoạt động bên lề trong khuôn khổ Đại hội đồng IPU-132.

Đồng thời, là đại diện của nước chủ nhà, các đại biểu Quốc hội Việt Nam đã phát huy tinh thần tích cực, chủ động, tham gia có trách nhiệm vào việc thảo luận tại các phiên họp toàn thể, các cuộc họp của các Ủy ban, nhằm đóng góp thiết thực cho thành công của Đại hội đồng IPU-132.

Đối với Việt Nam, việc tổ chức Đại hội đồng IPU-132 là nhằm tiếp tục thực hiện chính sách đối ngoại chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Thành công của việc tổ chức Đại hội đồng IPU-132 còn tạo đà thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch vào Việt Nam, cũng như của Việt Nam ra nước ngoài./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục