Ngày 23/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã dự lễ khai giảng năm học mới 2020-2021 của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phạm Tất Thắng; Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh Nguyễn Anh Tuấn…
Phát biểu tại lễ khai giảng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: "Trường Đại học Sư phạm Hà Nội là cái nôi của ngành sư phạm Việt Nam thời hiện đại và vẫn luôn giữ vững vị trí lá cờ đầu. Nhà trường đã vinh dự hai lần được đón Bác Hồ về thăm, lời dạy của Người: 'Làm thế nào để Nhà trường này chẳng những là trường sư phạm, mà còn là trường mô phạm của cả nước' không chỉ là vinh dự, trách nhiệm, mục tiêu phấn đấu của trường mà của cả hệ thống các trường sư phạm và của đội ngũ giáo viên, cán bộ giáo dục trên cả nước. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, cả nước đang đặt nhiều kỳ vọng vào công cuộc đổi mới nền giáo dục nước nhà nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới."
Phó Thủ tướng chia sẻ đổi mới giáo dục là một quá trình, không thể hoàn thành ngay một sớm một chiều mà phải có lộ trình khoa học. Để đổi mới thành công đương nhiên cần định hướng, chính sách, nguồn lực của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội. Nhưng dù sao, vai trò của nhà trường vẫn là quan trọng nhất. Mọi sự thay đổi, đổi mới đều cần những lực lượng tiên phong, nòng cốt - những người phải quyết tâm vượt qua khó khăn, vượt lên chính mình. Lực lượng đó, chính là cán bộ quản lý giáo dục và đội ngũ giáo viên.
[Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với các trường đại học sư phạm]
Đánh giá cao những nỗ lực phấn đấu của các thế hệ thầy và trò Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn nhà trường tiếp tục có nhiều hoạt động tiên phong, mạnh mẽ hơn nữa để góp phần quan trọng thúc đẩy thực hiện thành công đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.
Phó Thủ tướng đề nghị Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cần tập trung đổi mới mô hình quản trị nhà trường theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương và quy định của pháp luật về giáo dục Đại học; đảm bảo quyền tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình của nhà trường. Tự chủ không có nghĩa là tự lo về tài chính mà quan trọng nhất là tự chủ về chuyên môn, về học thuật. Tinh thần tự chủ phải sâu rộng từ trường tới tất cả các phòng, khoa, tới từng cán bộ, giảng viên để phát huy cao nhất tâm huyết, trí tuệ của mọi thành viên, chỉ có như vậy mới có thể xây dựng được môi trường thực sự khoa học, văn hóa của một nhà trường mô phạm. Mô hình của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội sẽ phải là hình mẫu cho các trường sư phạm trong cả nước tham khảo, noi theo.
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng cần tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức, giảng viên đảm bảo cả về số lượng và chất lượng; thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới mô hình và chương trình đào tạo theo hướng tăng cường rèn luyện năng lực nghề nghiệp cho sinh viên.
Sinh viên tốt nghiệp từ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội phải là những người không chỉ có chuyên môn vững vàng, có tư duy sáng tạo, mà phải có cốt cách văn hóa, có đạo đức và phong cách mô phạm.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tập trung chỉ đạo để sớm hoàn thành việc quy hoạch, sắp xếp, có kế hoạch đầu tư hệ thống các trường sư phạm trong cả nước, trong đó tập trung đầu tư cho các trường sư phạm trọng điểm như Trường Đại học Sư phạm Hà Nội để đủ điều kiện, năng lực hoàn thành vai trò nòng cốt của nòng cốt trong đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.
Các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm hơn nữa tới việc chăm lo cho đội ngũ giáo viên. Trước mắt và trực tiếp nhất là thực hiện thật tốt Nghị định 116/NĐ-CP2020 của Chính phủ vừa ban hành quy định về chính sách đối với sinh viên sư phạm để sinh viên an tâm hơn về điều kiện học tập và công việc sau khi tốt nghiệp.
Ngay sau lễ khai giảng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng các đại biểu đã tham dự buổi giao lưu với sinh viên do Đoàn Thanh niên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức với chủ đề “Hãy là người dẫn đường."
Tại buổi giao lưu, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã trao đổi nhiều nội dung liên quan đến công tác đổi mới giáo dục và đào tạo; vấn đề tiền lương cho giáo viên; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập, thực hành, thí nghiệm cho sinh viên…; chế độ, chính sách dành cho sinh viên sư phạm. Đồng thời, các đại biểu đã lắng nghe những chia sẻ của sinh viên về ước mơ và niềm đam mê với nghề giáo cũng như những nỗ lực của bản thân để trở thành người giáo viên trong tương lai.
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội có vai trò nòng cốt cho hệ thống các trường sư phạm trong việc đào tạo, bồi dưỡng giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục; phát triển các chương trình đào tạo, biên soạn chương trình, giáo trình, sách giáo khoa cho các bậc học, tư vấn các cấp quản lý xây dựng chính sách về giáo dục.
Hướng tới mục tiêu từng bước xây dựng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội thực sự trở thành trường sư phạm trọng điểm quốc gia, nhà trường đã và đang tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp từ xây dựng đội ngũ; đổi mới mục tiêu, nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo và kiểm tra đánh giá cho đến đổi mới tư duy, phương thức quản lý; tổ chức nghiên cứu khoa học gắn với thực tiễn và tập trung mọi nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất khang trang, hiện đại.
Truyền thống "mô phạm-sáng tạo-cống hiến" của nhà trường sẽ tiếp tục được phát huy, song hành cùng với sự nghiệp phát triển đất nước./.