Đại học New Zealand linh hoạt đầu vào, đa dạng lộ trình đào tạo cho học sinh VN

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi và thu hút học sinh, sinh viên Việt Nam du học New Zealand, các trường đại học xứ sở kiwi đã linh hoạt điều kiện xét tuyển đầu vào và đa dạng lộ trình đào tạo.
Các học sinh Việt Nam nhận học bổng du học New Zealand. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Cơ quan Giáo dục New Zealand ngày hôm nay, 6/8, cho hay các trường đại học New Zealand thông báo cơ chế linh hoạt mới về điều kiện đầu vào và thêm lộ trình học đa dạng cho sinh viên Việt Nam.

Việc có cơ chế linh hoạt đầu vào nhằm tạo điều kiện tối ưu để học sinh Việt Nam tiếp cận các trường đại học ở New Zealand. Tất cả các trường đại học ở quốc gia này đều nằm trong tốp 500 trường đại học tốt nhất thế giới theo bảng xếp hạng QS Ranking 2025.

Cụ thể, các trường đại học hàng đầu gồm Đại học Canterbury (thành phố Christchurch), Đại học Massey (thành phố Auckland, Palmerston North và Wellington), Đại học Otago (thành phố Dunedin) và Đại học Waikato (thành phố Hamilton) sẽ chấp nhận điểm dự đoán (predicted score) của các chương trình Tú tài Quốc tế (IB) và A-Level (Cambridge Advanced) để xét nhập học và cấp thư mời nhập học không điều kiện (unconditional offer) cho người học.

Cơ chế mới này tạo điều kiện cho học sinh có thể nộp đơn ứng tuyển sớm hơn, ngay khi có điểm dự đoán, thay vì phải đợi đến khi có điểm thi chính thức, qua đó, chủ động tăng cường cơ hội ứng tuyển với cả hai kỳ nhập học chính của các trường đại học New Zealand là tháng Hai và tháng Bảy hàng năm. Với thư mời nhập học không điều kiện, người học đã có thể tiến hành xin thị thực sinh viên (student visa) và sớm chuẩn bị cho hành trình du học.

Cơ chế xét tuyển mới của các trường đại học New Zealand tạo điều kiện cho học sinh Việt Nam hoàn thiện hồ sơ du học nhanh chóng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đại học Canterbury, Đại học Massey và Đại học Otago cũng chấp nhận xét nhập học dựa trên điểm học bạ lớp 12 với điểm trung bình (GPA) từ 8.0 trở lên thay vì học sinh phải đợi đến khi có kết quả thi tốt nghiệp phổ thông trung học phổ thông mới có thể nộp hồ sơ ứng tuyển.

Để hoàn tất thủ tục nhập học, người học vẫn cần đảm bảo điểm thi chính thức đáp ứng yêu cầu đầu vào (đối với chương trình IB, A-Level), hoặc đậu kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học (đối với chương trình của Bộ Giáo dục Việt Nam). Các kết quả thi cần được nộp bổ sung cho các trường đại học theo thời hạn quy định cụ thể.

Bên cạnh việc linh hoạt trong xét đầu vào, các trường New Zealand cũng có thêm các lộ trình mới ở các bậc học khác nhau, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho người học.

Đa số các chương trình cử nhân tại New Zealand kéo dài 3 năm, trừ một số ngành như kỹ sư, y dược, luật… Tuy nhiên, để đảm bảo người học có nhiều lựa chọn học tập phù hợp với điều kiện của từng cá nhân, các trường đại học New Zealand đã đẩy mạnh triển khai nhiều lộ trình học tập với các ưu thế khác nhau về thời gian, bằng cấp và điều kiện đầu vào cho học sinh Việt Nam.

Học sinh, phụ huynh Việt Nam nghe tìm hiểu thông tin về du học tại New Zealand. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Cụ thể, thay vì phải đợi hoàn thành lớp 12, các học sinh Việt Nam học xong lớp 11 đã có thể đăng ký vào các chương trình dự bị đại học New Zealand và sau đó chuyển tiếp lên đại học.

Các học sinh đã tốt nghiệp lớp 12 nhưng chưa đủ điều kiện GPA đầu vào vẫn rộng cửa vào đại học New Zealand thông qua chương trình dự bị đại học, hoặc chương trình Diploma. Chương trình Diploma kéo dài một năm và tương đương năm nhất đại học. Sinh viên hoàn thành chương trình này được cấp chứng chỉ Diploma, đủ điều kiện tiếp tục vào thẳng năm hai đại học với các chương trình phù hợp, vẫn đảm bảo thời gian tối ưu để hoàn thành bậc học cử nhân.

Chương trình dự bị thạc sỹ (Pre-Master) cho phép các sinh viên chuyển tiếp từ bậc cao đẳng hoặc đại học ở Việt Nam lên tiếp chương trình thạc sỹ ở các trường đại học New Zealand.

Bên cạnh đó, một loạt các chương trình liên kết do các trường đại học New Zealand hợp tác với các trường đại học Việt Nam cũng là những lựa chọn giúp người học tiết kiệm chi phí đáng kể và tạo nền tảng học tập trong môi trường quốc tế.

Chi tiết về cơ chế xét điểm dự đoán (predicted score) để xét nhập học như sau

Tú tài quốc tế (IB)
Chương trình phổ thông Cambridge (CAIE) / A Level
Đại học Canterbury
Chấp nhận điểm dự đoán IB với yêu cầu tối thiểu: 28 điểm (chấp nhận 24 điểm nếu là kết quả cuối cùng/chính thức).
Học sinh nộp các điểm chính thức trước thời hạn quy định cụ thể (liên hệ trường để nắm thông tin chi tiết).
Chấp nhận điểm dự đoán A Level: BBB.
Học sinh liên hệ trường Canterbury để được tư vấn về điểm chính thức cụ thể cần bổ sung.
Đại học Massey
Chấp nhận điểm dự đoán IB với yêu cầu tối thiểu: 24 điểm.
Học sinh nộp các điểm chính thức trước thời hạn quy định cụ thể (liên hệ trường để nắm thông tin chi tiết).
Tối thiểu 120 điểm cho nhóm môn học được chấp thuận và chỉ được phép có một điểm D trong ít nhất ba nhóm môn học khác nhau, môn AS English từ điểm E trở lên, IGCSE hoặc GCSE Mathematics từ điểm D trở lên.
Học sinh nộp các điểm chính thức trước thời hạn quy định cụ thể (liên hệ trường để nắm thông tin chi tiết).
Đại học Otago
Chấp nhận điểm dự đoán IB với yêu cầu tối thiểu: 29 điểm.
Học sinh nộp các điểm chính thức trước thời hạn quy định cụ thể (liên hệ trường để nắm thông tin chi tiết).
Chấp nhận điểm dự đoán A Level với yêu cầu tối thiểu: BBB/ 12.
Học sinh nộp các điểm chính thức trước thời hạn quy định cụ thể (liên hệ trường để nắm thông tin chi tiết).
Đại học Waikato
Các đơn ứng tuyển trên điểm dự đoán sẽ được xét chấp thuận theo từng trường hợp cụ thể.
Chấp nhận điểm dự đoán IB với yêu cầu tối thiểu: 24 điểm.
Điểm dự đoán A level với yêu cầu tối thiểu: đạt tổng điểm của 3 môn học là 6 điểm, trong đó có 1 môn đạt tối thiểu điểm C. Cách tính điểm như sau: A = 5, B = 4, C = 3, D = 2, E = 1 (không bao gồm điểm của chương trình AS).
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục