Đại học của ông Tập Cận Bình vượt lên thành trường tốt nhất khu vực

Theo Times Higher Education, Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc đã hạ bệ Đại học Quốc gia Singapore, trở thành cơ sở đào tạo bậc đại học tốt nhất trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc. (Nguồn: scmp.com)

Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh đã hạ bệ Đại học Quốc gia Singapore (NUS) để trở thành cơ sở đào tạo bậc đại học tốt nhất trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, theo một nghiên cứu được Times Higher Education công bố vào thứ năm vừa qua, và là cơ sở đào tạo đầu tiên ở Trung Quốc đại lục đạt được thành tích này.

Ngôi trường với những cựu sinh viên nổi tiếng như Chủ tịch Tập Cận Bình hay các nhà lãnh đạo về hưu như Hồ Cẩm Đào và Chu Dung Cơ đã đạt vị trí thứ hai vào năm ngoái và vị trí thứ tư trong nghiên cứu đầu tiên vào năm 2017.

NUS, vốn chiếm vị trí đầu trong cả năm 2017 lẫn 2018, đã rơi xuống vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng năm 2019.

Đại học Melbourne đã trở lại vị trí thứ ba - thành tích của trường đại học này trong năm 2017 - từ vị trí thứ tư vào năm ngoái.

Có 3 trường đại học ở Hong Kong lọt vào top 10.

Ở vị trí thứ tư là Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong (HKUST), tăng 2 bậc từ vị trí thứ 6 năm 2018 và 3 bậc từ vị trí thứ 7 năm 2017.

Đại học Hong Kong vẫn ở vị trí thứ năm. Năm 2017, trường đại học này xếp thứ 6.

Đại học Trung văn Hong Kong vươn lên vị trí thứ 9 từ vị trí thứ 10 năm 2018 và vào năm trước đó không nằm trong top 10.

Bảng xếp hạng châu Á-Thái Bình Dương gồm tổng cộng 320 cơ sở giáo dục bậc đại học thuộc 13 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Hong Kong, Macau và Đài Loan.

[Mỹ và Trung Quốc "áp đảo" top 500 đại học hàng đầu thế giới]

Nghiên cứu đánh giá các trường đại học dựa trên 13 chỉ số đo lường hiệu quả giảng dạy, khối lượng nghiên cứu và danh tiếng, tầm ảnh hưởng của nghiên cứu, triển vọng quốc tế và chuyển giao kiến thức của một cơ sở đào tạo.

Ellie Bothwell, biên tập viên phụ trách mảng xếp hạng toàn cầu tại Times Greater Education, cho biết: "Từ năm 2017, sau mỗi năm, Đại học Thanh Hoa duy trì hoặc cải thiển điểm số của mình trên toàn bộ 5 trụ cột cho bảng xếp hạng: giảng dạy, nghiên cứu, trích dẫn, triển vọng quốc tế và thu nhập trong ngành.

Năm nay, Thanh Hoa có điểm số về giảng dạy và nghiên cứu cao hơn và điểm số thu nhập trong ngành cao hơn rất nhiều so với NUS."

Một cơ sở giáo dục khác của Trung Quốc đại lục cũng nằm trong top 10 năm 2019, đó là Đại học Bắc Kinh ở vị trí thứ 6, trượt dốc từ vị trí thứ ba năm 2018 và vị trí thứ hai năm 2017.

"Trung Quốc đại lục là câu chuyện thành công đáng chú ý trong bảng xếp hạng này. Trong số 60 trường đại học của Trung Quốc được xếp hạng năm ngoái, có tới 40 trường cải thiện được thứ hạng," Bothwell cho biết.

"Hong Kong có thành tích ổn định... Việc cả 5 trường đại học hàng đầu Hong Kong đều nằm trong top 30 của khu vực là rất ấn tượng."

Một phát ngôn viên của trường HKUST cho biết nhà trường hài lòng về kết quả xếp hạng này.

"Thứ hạng có thể đóng vai trò một thông tin tham khảo hữu ích để chúng tôi hiểu rõ hơn về kết quả hoạt động của mình và xác định các lĩnh vực cần cải thiện. HKUST sẽ tiếp tục nhấn mạnh việc thúc đẩy đổi mới và nghiên cứu khoa học, cũng như đem lại cho các sinh viên của chúng tôi trải nghiệm giáo dục với chất lượng cao nhất."

Các trường đại học khác nằm trong top 10 năm 2019 là Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore (thứ 7), Đại học Quốc gia Australia (thứ 8) và Đại học Tokyo (thứ 10).

Đại học Đài Loan xếp thứ 35 và Đại học Macau xếp thứ 60./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục