Đại học Bách khoa HN cần theo mô hình các trường đại học tiên tiến

Sáng 15/10, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm thành lập (1956-2016) và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ hai.
Đại học Bách khoa HN cần theo mô hình các trường đại học tiên tiến ảnh 1Chủ tịch nước Trần Đại Quang gắn Huân chương Hồ Chí Minh lên Cờ truyền thống của Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Sáng 15/10, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm thành lập (1956-2016) và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ hai.

Tham dự buổi lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Trần Đại Quang; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cùng đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương; các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, giảng viên và sinh viên nhà trường.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã trân trọng gắn Huân chương Hồ Chí Minh lên lá cờ truyền thống của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Điểm lại chặng đường 60 năm xây dựng, phấn đấu và trưởng thành của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá, đi cùng với nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục​-đào tạo, trường luôn giữ vai trò tiên phong trong nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học-kỹ thuật, đổi mới công nghệ, gắn với nhu cầu thực tế trong sản xuất, kinh doanh và đời sống.

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội là một trong những cơ sở nghiên cứu đứng đầu Việt Nam trong bảng xếp hạng về năng lực nghiên cứu của các tổ chức quốc tế; đồng thời, góp phần quan trọng vào việc hình thành và phát triển hệ thống các trường đại học và cao đẳng kỹ thuật của nước nhà.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang biểu dương Trường Đại học Bách khoa Hà Nội những năm gần đây là một trong những đơn vị đi đầu trong việc triển khai thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Mục tiêu chương trình đào tạo của nhà trường ngày càng được hoàn thiện, bám sát yêu cầu phát triển của thực tiễn công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.

Những kết quả, đóng góp to lớn của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đối với sự nghiệp giáo dục-đào tạo không những góp phần nâng cao vị thế và uy tín của nhà trường, mà còn tác động tích cực, ảnh hưởng lan tỏa sâu rộng tới toàn hệ thống giáo dục đại học nước nhà.

Chủ tịch nước lưu ý, trong bối cảnh đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều thuận lợi và khó khăn đan xen, điều này đặt ra cho ngành giáo dục-đào tạo nói chung và Trường Đại học Bách khoa Hà Nội nói riêng những yêu cầu, nhiệm vụ nặng nề, nhưng cũng rất vẻ vang.

Vì vậy, nhà trường cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục​-đào tạo, khoa học​-công nghệ.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm: Triển khai tốt Đề án thí điểm đổi mới quản lý theo cơ chế tự chủ, đổi mới mô hình quản trị theo mô hình các trường đại học tiên tiến của khu vực và trên thế giới; Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học​-công nghệ, bám sát định hướng chiến lược phát triển khoa học​-công nghệ của đất nước và nhu cầu của xã hội, nhất là trong những lĩnh vực công nghệ trọng điểm, mang tính liên ngành, đóng vai trò then chốt; Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, tiếp tục triển khai các chương trình hợp tác đào tạo tiến sỹ, thạc sỹ với các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu khoa học - công nghệ có uy tín của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đồng thời phải chú trọng xây dựng môi trường giáo dục đại học thân thiện, lành mạnh, góp phần hình thành nhân cách, văn hóa giao tiếp, ứng xử chuẩn mực ở sinh viên.

Bên cạnh đó, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giảng viên có trình độ chuyên môn cao, có kinh nghiệm, năng lực quản lý, coi đây là lực lượng nòng cốt, quyết định chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục-đào tạo.

Trong diễn văn kỷ niệm, ​phó ​giáo sư​, tiến sỹ Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết​ sau 60 năm hình thành và phát triển Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã đào tạo và cung cấp một nguồn nhân lực chất lượng cao với trên 200 nghìn chuyên gia kỹ thuật, trong đó có hơn 14.000 thạc sỹ và 838 tiến sỹ.

Các thế hệ trưởng thành từ Đại học Bách khoa Hà Nội đang có mặt trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế​-xã hội, an ninh​-quốc phòng của đất nước.

Hiện nay, Trường có 1.950 cán bộ viên chức, trong đó 1.2000 giảng viên với 21 giáo sư, 202 phó giáo sư; số cán bộ có trình độ tiến sỹ là 722 người, chiếm 60% số giảng viên và đang có xu hướng tăng nhanh trong những năm tới.

Với 35 chương trình đào tạo kỹ sư, 45 chương trình đào tạo cử nhân, 78 chương trình đào tạo thạc sỹ và 60 chương trình đào tạo tiến sỹ, Đại học Bách khoa Hà Nội đã khẳng định được vị thế của một trường đại học trọng điểm, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực và là một trường đại học đậm nét định hướng nghiên cứu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục