Đại học Bách khoa Hà Nội không xây dựng các đại học thành viên

Đại học Bách khoa Hà Nội khẳng định sẽ thực hiện phân cấp tự chủ mạnh nhưng không phân lập, không xây dựng các trường đại học thành viên, thống nhất quan điểm “một Bách khoa Hà Nội.”
Đại học Bách khoa Hà Nội không xây dựng các đại học thành viên ảnh 1(Ảnh: Đại học Bách khoa Hà Nội)

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội vừa được Chính phủ quyết định chuyển thành Đại học Bách khoa Hà Nội, bắt đầu từ ngày 2/12.

Theo Luật Giáo dục Đại học, các đại học được xây dựng các trường đại học thành viên. Tuy nhiên, trong thông tin gửi tới báo chí, lãnh đạo đơn vị này khẳng định sẽ phát triển Đại học Bách khoa Hà Nội theo mô hình tổ chức và quản trị tiên tiến, bộ máy tinh gọn, tăng tính chủ động, sáng tạo ở các đơn vị, thực hiện phân cấp tự chủ mạnh nhưng không phân lập, không xây dựng các trường đại học thành viên, thống nhất quan điểm “một Bách khoa Hà Nội.”

Quan điểm này thể hiện sự thống nhất về mục tiêu phát triển, giá trị cốt lõi, chuẩn mực và chất lượng của toàn đại học. Mô hình đào tạo cử nhân, kỹ sư, thạc sỹ, tiến sỹ được áp dụng thống nhất với bộ chuẩn chương trình đào tạo và quy chế đào tạo do Đại học Bách khoa Hà Nội quy định. Người học khi tốt nghiệp các bậc trình độ đều được cấp văn bằng tốt nghiệp của Đại học Bách khoa Hà Nội để đảm bảo sự gắn kết giữa sinh viên, cựu sinh viên với vị thế và danh tiếng của đại học.

Lãnh đạo Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay quyết định của Chính phủ là một dấu mốc quan trọng trong quá trình hơn 66 năm xây dựng và phát triển đơn vị này, phù hợp với chủ trương của Đảng, của Chính phủ và xu hướng phát triển của giáo dục đại học thế giới.

[Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ có các trường đại học thành viên?]

Sự chuyển đổi này đã được Đại học Bách khoa Hà Nội chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng, cẩn trọng, là sự kế thừa những kết quả và kinh nghiệm của quá trình thực hiện tự chủ suốt thời gian dài, được thực hiện với tinh thần quyết liệt, đảm bảo sự phát triển đúng với định hướng, tầm nhìn và chiến lược phát triển của nhà trường qua nhiều thế hệ.

Theo Điều 4, Nghị định số 99/2019/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục sử đổi, bổ sung một số điều củ Luật Giáo dục Đại học, điều kiện để chuyển trường đại học thành đại học như sau: trường đại học đã được công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục đại học bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hợp pháp; có ít nhất 3 trường thuộc trường đại học được thành lập theo quy định tại khoản 4 điều này; có ít nhất 10 ngành đào tạo đến trình độ tiến sĩ, có quy mô đào tạo chính quy trên 15.000 người; có ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý trực tiếp đối với trường đại học công lập; có sự đồng thuận của các nhà đầu tư đại diện ít nhất 75% tổng số vốn góp đối với trường đại học tư thục, trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.

Hiện Đại học Bách khoa Hà Nội có ba trường thành viên gồm Trường Điện-Điện tử, Trường Công nghệ thông tin và truyền thông, Trường Cơ khí. Đại học Bách khoa Hà Nội có quy mô đào tạo khoảng 35.000 sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh với 65 chuyên ngành đại học, 47 chuyên ngành cao học, 32 chuyên ngành tiến sỹ.  

Theo Bảng xếp hạng của Tổ chức Quacquarelli Symonds (QS) 2023, Đại học Bách khoa Hà Nội nằm trong nhóm 33% các đại học tốt nhất châu Á, thuộc nhóm các trường đại học công có quy mô đào tạo rất lớn và mức độ nghiên cứu rất cao. Trong Bảng xếp hạng đại học khu vực Đông Nam Á, Đại học Bách khoa Hà Nội xếp thứ 54 trong số các đại học tốt nhất của khu vực./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục