Ngày 21/3, nhà lãnh đạo tinh thần tối cao của Iran, Đại giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei đã loại bỏ mọi khả năng hợp tác với Mỹ giải quyết các vấn đề tại khu vực Trung Đông.
Ông khẳng định các cuộc đàm phán với Washington hiện nay chỉ giới hạn ở các vấn đề hạt nhân.
Phát biểu tại lễ hội Năm mới Nowruz của người Ba Tư, ông Khamenei đã bác bỏ tin đồn cho rằng một thỏa thuận hạt nhân với phương Tây có thể dẫn đến một sự hợp tác sâu rộng hơn.
Trong bài phát biểu trước hàng nghìn người ủng hộ tại thành phố linh thiêng Mashhad (Đông Bắc Iran), Đại giáo chủ khẳng định: "Không có chuyện một thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Iran dẫn tới tác động trong các chính sách khác."
Ông nhấn mạnh rằng quan điểm của Mỹ về các vấn đề khu vực đối lập với quan điểm của Iran. Đại giáo chủ cáo buộc Washington đang "gây bất ổn tại Syria, Libya và Ai Cập."
Tuyên bố của ông Khamenei dường như đập lại một nhận định mà Tổng thống Mỹ Barack Obama ưa ra trước đó, rằng một thỏa thuận hạt nhân có thể dẫn tới hợp tác tại Trung Đông, đặc biệt là chống các phần tử thánh chiến tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq và Syria.
Hiện Iran và Mỹ cùng với các cường quốc đang tiến hành đàm phán nhằm chấm dứt tranh cãi kéo dài 12 năm qua về chương trình hạt nhân của Iran.
Trong khi thời hạn chót đặt ra để đạt một thỏa thuận chính trị là ngày 31/3 tới, các bên vẫn bất đồng trong các cuộc thương lượng tại Lausanne (Thụy Sĩ). Theo kế hoạch, vòng đàm phán tiếp theo sẽ được diễn ra ngày 25/3 tới.
Trong bài phát biểu dài hơn một giờ đồng hồ trên, Đại giáo chủ Khamenei, người có tiếng nói quyết định trong mọi vấn đề của Iran, cũng nhắc lại rằng Iran muốn các lệnh trừng phạt phải được dỡ bỏ, đồng thời bày tỏ ủng hộ đoàn đàm phán hạt nhân Iran và kêu gọi tất cả người dân ủng hộ các nỗ lực của chính phủ.
Ông khẳng định dỡ bỏ trừng phạt "là một phần của các cuộc đàm phán, không phải là kết quả hướng tới. Các lệnh trừng phạt của phương Tây cần phải được hủy cùng lúc với việc thực thi một thỏa thuận mà các bên sẽ đạt được."
Bên cạnh đó, Đại giáo chủ kêu gọi đất nước đẩy mạnh phát triển nền kinh tế nội địa nhằm giảm phụ thuộc vào sự trợ giúp của nước ngoài./.