Ngày 7/6, chính quyền bang Ohio (Mỹ) đã đệ đơn kiện và kêu gọi một tòa án địa phương ra phán quyết công nhận Google là một tiện ích công phải chịu sự quản lý của nhà nước.
Trong đơn kiện chưa từng có trong tiền lệ này, Tổng Chưởng lý bang Ohio (Mỹ), ông Dave Yost nêu rõ Google nên được xem là tiện ích công chịu sự quản lý của chính phủ về công cụ tìm kiếm và các dịch vụ khác.
Các tiện ích công cộng cung cấp các mặt hàng và dịch vụ thiết yếu như điện, nước.
Vụ kiện không nhằm đòi bồi thường thiệt hại, mà muốn Google cung cấp đa dạng các nguồn hoặc cho phép các đối thủ có quyền cạnh tranh bình đẳng với hãng công nghệ này.
Ông Yost cáo buộc Google lạm dụng vị thế thống lĩnh trên thị trường, có những hành vi cạnh tranh không lành mạnh và phân biệt đối xử với cư dân bang Ohio.
Cụ thể, Google đã ưu tiên hiển thị các sản phẩm, trang web và dịch vụ của hãng trong kết quả tìm kiếm, gây bất lợi cho các đối thủ cạnh tranh.
[Mỹ: 11 bang kiện Google cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường]
Về phần mình, đại diện Google cho rằng vụ kiện trên không có cơ sở thực tế và tuyên bố hãng sẽ tự bào chữa trước tòa.
Đây chỉ là một trong số hàng loạt vụ tranh chấp pháp lý mà “đại gia công nghệ" Mỹ đang đối mặt ở trong và ngoài nước.
Cuối năm ngoái, bang Ohio nằm trong số hàng chục bang tại Mỹ đệ đơn kiện Google lạm dụng vị thế thống trị trên thị trường. Vụ kiện này vẫn chưa ngã ngũ.
Mới đây nhất, ngày 7/6, Cơ quan Quản lý cạnh tranh của Pháp đã phạt Google 220 triệu euro (267 triệu USD) với lý do tập đoàn công nghệ của Mỹ lạm dụng vị thế thống lĩnh thị trường quảng cáo trực tuyến.
Tháng Năm vừa qua, Cơ quan Chống độc quyền của Italy thông báo đã phạt Google hơn 100 triệu euro cũng vì lạm dụng vị thế trên thị trường khi loại một ứng dụng điện thoại thông minh của đối thủ.
Cũng trong tháng này, Cơ quan Giám sát chống độc quyền Liên bang Đức cho biết đã mở cuộc điều tra đối với Google Đức, Google Ireland và công ty mẹ Alphabet (ở California, Mỹ) về khả năng lạm dụng sự thống trị của họ trên thị trường./.