Đại dương chứa hơn 25.000 tấn rác thải từ đại dịch COVID-19

Guardian đưa ra phân tích cho thấy từ đầu dịch COVID-19 cho tới tháng 8/2021, 193 quốc gia đã sản xuất khoảng 8,4 triệu tấn rác thải nhựa.
(Nguồn: Getty)

Do tác động của đại dịch COVID-19, hơn 25.000 tấn rác thải nhựa, như khẩu trang và găng tay y tế, đã thải xuống đại dương trong nhiều tháng qua.

Trang tin Guardian đã làm một phép so sánh số lượng rác thải nhựa này tương đương với 2.000 chiếc xe buýt 2 tầng. Trong vòng vài năm tới, một phần rác thải từ đại dịch có thể trôi quanh Bắc Cực.

Phân tích cho thấy từ đầu dịch cho tới tháng 8 vừa qua, 193 quốc gia đã sản xuất khoảng 8,4 triệu tấn rác thải nhựa. Bệnh viện là nơi đóng góp phần lớn rác nhựa - khoảng 87,4%, trong khi 7,6% đến từ các cá nhân.

Bao bì và dụng cụ xét nghiệm chiếm lần lượt là khoảng 4,7% và 0,3% lượng rác thải.

[Nói không với rác thải nhựa: Không thay đổi, rác sẽ nhiều hơn cá]

Cho tới tháng 8, hàng nghìn tấn nhựa đã trôi theo dòng chảy của 369 con sông lớn ra tới đại dương. Trong 3 năm tới, phần lớn mảnh vụn nhựa sẽ từ bề mặt đại dương chìm xuống đáy biển hoặc trôi dạt vào các bờ biển.

“Đại dịch COVID-19 khiến nhu cầu sử dụng nhựa dùng một lần ngày càng gia tăng, đè nặng thêm áp lực cho một vấn đề vốn đã nằm ngoài tầm kiểm soát”, tác giả của nghiên cứu viết. “Phát hiện này sẽ cho thấy con sông hoặc lưu vực sông nào sẽ là điểm nóng và cần chú ý đặc biệt khi quản lý chất thải nhựa.”

Đặc biệt, nghiên cứu nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về hệ thống thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải nhựa y tế ở các nước đang phát triển, không để rác thải ra sông. Quan trọng hơn, các nước cần hạn chế sử dụng nhựa dùng một lần và tập trung tăng cường tới các lựa chọn thay thế bền vững khác./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục