Đại diện Việt Nam mặc áo tứ thân nhảy điệu truyền thống của Nhật Bản

Nhân sự kiện giao lưu văn hóa, đoàn Việt Nam mang đến nhiều dấu ấn qua câu chuyện Tấm Cám, mặc áo tứ thân, ngũ thân cách điệu và vấn khăn theo kiểu truyền thống, sử dụng đàn bầu trong âm nhạc...
Đại diện Việt Nam mặc áo tứ thân nhảy điệu truyền thống của Nhật Bản ảnh 1Hình ảnh đoàn nhảy Yosakoi từ Việt Nam trong trang phục áo tứ thân, ngũ thân được phát trên sóng truyền hình Nhật Bản. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nhân 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản, 70 năm Lễ hội Yosakoi tại Nhật Bản, một đội nhảy của Việt Nam đã được mời tham gia lễ hội này.

Cụ thể trong 2 ngày từ 10-11/8, Đoàn nhảy Yosakoi có tên Núi Trúc Sakura từ Việt Nam đã góp mặt cùng 155 đội nhảy khác của Nhật Bản tại thành phố Kochi, tỉnh Kochi. Trong ngày 15/8, đoàn sẽ trở về Việt Nam và đem theo kỷ niệm chương của lễ hội.

Núi Trúc Sakura thuộc Trung tâm tiếng Nhật Núi Trúc (Hà Nội), là một thành viên của Hội Giao lưu Văn hóa Việt Nam-Nhật Bản (JVCA) - một tổ chức phi chính phủ - nơi có hội nhảy Yosakoi đầu tiên tại Việt Nam.

[Yosakoi - vũ điệu giúp vực dậy tinh thần người Nhật thời hậu chiến]

Truyền thông Nhật Bản nhận định so với nền nghệ thuật đã có tuổi đời hàng chục ngàn năm, Yosakoi mang nhiều tính đương đại hơn, bởi điệu nhảy này được "sinh sau đẻ muộn" sau Thế chiến thứ 2, mang đậm tính cộng đồng, cho phép pha trộn giữa nhiều chất truyền thống của xứ "Mặt Trời mọc" với những nét hiện đại.

Mang nhiều nét hiện đại nhưng Yosakoi vẫn có những đặc trưng nhất định. Tham gia lễ hội, Đoàn Núi Trúc Sakura mang đến bài diễn "Liên Lý Bách Hoa" (Renri Hyakka) lấy từ cổ tích Tấm Cám quen thuộc, kết hợp chất Việt Nam và chất Yosakoi Nhật Bản.

Đại diện Việt Nam mặc áo tứ thân nhảy điệu truyền thống của Nhật Bản ảnh 2Đoàn Núi Trúc Sakura từ Việt Nam chụp ảnh lưu niệm tại Nhật Bản. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong đó, đồng phục của đoàn Việt Nam là áo ngũ thân và áo tứ thân được sân khấu hóa với nhiều màu sắc rực rỡ, trên đầu vấn khăn phỏng theo kiểu truyền thống. Bên cạnh Naruko - một loại nhạc cụ gỗ, khi gõ tạo thành lách cách. Về âm nhạc, đoàn Việt Nam còn sử dụng thanh âm của đàn bầu, sáng tác âm nhạc riêng nhưng vẫn dựa trên ca khúc gốc "Yosakoi naruko dance" - bài hát truyền thống của lễ hội.

Ông Lê Ngọc Định - Giám đốc Trung tâm tiếng Nhật Núi Trúc, Nguyên Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết các vũ công đều nghiệp dư, là học sinh, sinh viên, người trẻ mới đi làm tham gia.

"Dù không chuyên nhưng các bạn rất nhiệt tình và hào hứng. Đây là một cơ hội tốt để đưa quảng bá những nét văn hóa đặc trưng, đáng chú ý của Việt Nam đến các bạn Nhật Bản," ông Lê Ngọc Định nói.

Trong hai ngày, đội Việt Nam đã cùng các đoàn diễn Nhật Bản biểu diễn trước Tòa thị chính Kochi, sân khấu Chuokoen, diễu hành 5km qua 10 đường phố khác trong tỉnh.

[Photo: Lễ hội văn hóa Nhật Bản tại Hà Nội - Sôi động màn trình diễn Yosakoi]

Sự kiện đã thu hút sự quan tâm của không chỉ các chính khách như thống đốc tỉnh, các cán bộ tòa thị chính, mà còn gây chú ý với cộng đồng cư dân, khách du lịch nước ngoài đang thăm Nhật Bản trong dịp cuối tuần qua.

Nhân cơ hội giao lưu, gặp mặt, đoàn Việt Nam cũng mang nhiều tặng phẩm từ nước mình cho những người bạn Nhật Bản, nổi bật trong đó có những bức tranh Đông Hồ. 

Đại diện Việt Nam mặc áo tứ thân nhảy điệu truyền thống của Nhật Bản ảnh 3Đại diện đoàn Việt Nam tặng quà cho những người bạn Nhật Bản đã hỗ trợ đoàn trong lễ hội. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Đại diện Việt Nam mặc áo tứ thân nhảy điệu truyền thống của Nhật Bản ảnh 4Kỷ niệm chương từ lễ hội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Yosakoi ra đời sau Thế chiến thứ 2, trong bối cảnh Nhật Bản bị tàn phá nặng nề và rất khó khăn. Vì vậy điệu nhảy như một phương thức động viên tinh thần, mang tính vui tươi, giàu năng lượng và hướng đến lan tỏa cho cộng đồng. Yosakoi chào đón bất cứ ai, ở độ tuổi nào tham gia.

Người Nhật tham gia nhảy điệu này có thể mặc các trang phục hiện đại, song thường thấy nhất vẫn là yukata và happi. Một số khác có thể mặc cổ trang hoặc trang phục riêng.

Một đặc trưng của điệu Yosakoi là luôn phải có đạo cụ bằng gỗ tên naruko, khi khua tạo tiếng lạch cạch. Có những đội khác sẽ dùng trống, cờ, các nhạc cụ gõ khác hay đẩy một xe diễu hành cỡ lớn, gọi là Matsuri.

Về âm nhạc, mỗi đoàn sẽ mang đến sáng tác riêng song vẫn phải có một phần từ ca khúc truyền thống, tựa Anh gọi là "Yosakoi naruko dancing."

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục