Ngày 20/4, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai cho biết các cuộc đàm phán thương mại trong Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) có thể mang lại kết quả vào cuối năm nay để tạo ra các quy tắc và tiêu chuẩn kinh tế tại khu vực đang phát triển nhanh này.
Phát biểu trước các phóng viên tại Tokyo, bà Tai nhấn mạnh các cuộc đàm phán đang diễn ra với mức độ khẩn trương, đồng thời bày tỏ lạc quan rằng đàm phán khả năng sẽ đạt kết quả vào cuối năm nay.
Hiện có 14 nước tham gia thảo luận về IPEF, tập trung vào 4 trụ cột chính sách gồm thương mại công bằng, chuỗi cung ứng linh hoạt, năng lượng sạch với quá trình phi carbon hóa và cơ sở hạ tầng cũng như hệ thống đánh thuế hợp lý, chống gian lận.
[Đại diện Thương mại Mỹ công du châu Á để thảo luận về IPEF]
Bà Tai không loại trừ khả năng các bên sẽ công bố thỏa thuận về một số lĩnh vực trước những lĩnh vực khác do tốc độ đàm phán các vấn đề là khác nhau.
Trong chuyến thăm 2 ngày (18-20/4) tới Nhật Bản, bà Tai đã có các cuộc thảo luận với Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Yasutoshi Nishimura và Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi, khẳng định hai nước sẽ tăng cường hợp tác chặt chẽ trong thời gian tới, trong bối cảnh Nhật Bản dự kiến chủ trì Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tại Hiroshima vào tháng Năm và Mỹ sẽ tổ chức Hội nghị cấp cap Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại San Francisco vào tháng 11 tới.
IPEF được Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố lần đầu trong chuyến thăm Nhật Bản hồi tháng 5/2022, nhằm củng cố quan hệ kinh tế với các nền kinh tế quan trọng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hiện ước tính chiếm khoảng 40% sản lượng kinh tế toàn cầu.
Đàm phán về IPEF bắt đầu vào năm ngoái và vòng đàm phán tiếp theo dự kiến diễn ra vào tháng Năm tới tại Singapore./.