Đại diện 76 quốc gia và vùng lãnh thổ Diễn đàn Kinh tế Phương Đông lần thứ 9

Trong nhiều năm qua, diễn đàn EEF đã có những đóng góp đáng kể vào việc thúc đẩy các mối quan hệ kinh tế mang tính xây dựng giữa Nga với các nước ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Hội thảo khoa học hướng tới kỷ niệm 75 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Liên bang Nga và Việt trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Phương Đông lần thứ 9. (Ảnh: Quang Vinh/TTXVN)

Từ ngày 3-6/9, Diễn đàn Kinh tế Phương Đông lần thứ 9 (EEF 2024) sẽ diễn ra tại Đại học tổng hợp Liên bang Viễn Đông (FEFU) nằm trên đảo Russkyi ở thành phố Vladivostok.

Theo ban tổ chức, diễn đàn năm nay có chủ đề chính là “Viễn Đông 2030. Kết nối sức mạnh tạo tiềm năng mới." Diễn đàn thu hút hơn 6.000 đại biểu đến từ 76 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Các sự kiện trong khuôn khổ EEF 2024 được chia thành 7 chủ đề chính, bao gồm Các đường hướng hợp tác quốc tế mới; Công nghệ đảm bảo độc lập; Hệ thống giá trị tài chính; Viễn Đông của Nga; Con người, giáo dục và lòng yêu nước; Giao thông vận tải và hậu cần: Những tuyến đường mới; và Quy hoạch tổng thể: Từ kiến trúc đến nền kinh tế.

Trong thư chào mừng gửi diễn đàn, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin khẳng định Nga sẵn sàng đối thoại với tất cả các đối tác quan tâm trong không gian châu Á-Thái Bình Dương.

Theo Tổng thống Putin, trong nhiều năm qua, diễn đàn EEF đã có những đóng góp đáng kể vào việc thúc đẩy các mối quan hệ kinh tế mang tính xây dựng giữa Nga với các nước ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Những cuộc trao đổi và thảo luận giữa đại diện các cơ quan chính phủ, các doanh nghiệp và chuyên gia... đã đưa tới nhiều sáng kiến, ý tưởng, đồng thời thúc đẩy chương trình nghị sự khu vực và phát triển các dự án chung hữu ích.

Cũng theo nhà lãnh đạo Nga, khu vực châu Á-Thái Bình Dương có vai trò ngày càng tăng trong các vấn đề quốc tế và điều này đã mở ra những cơ hội mới cho hợp tác hiệu quả, kể cả trong các cấu trúc đa phương như Cộng đồng Kinh tế Á-Âu (EAEU), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) hay Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS).

Dự kiến, trong khuôn khổ diễn đàn EEF năm nay sẽ có nhiều thỏa thuận quan trọng được ký kết trên nhiều lĩnh vực khác nhau như thương mại và kinh tế, khoa học-kỹ thuật, xã hội, văn hóa, viễn thông, kinh tế kỹ thuật số, giáo dục, nhà ở và dịch vụ công cộng…

Một trong những sự kiện khởi động trong ngày 3/9, ngày khai mạc diễn đàn, là phiên toàn thể Hội nghị khoa học và thực tiễn quốc tế hướng tới kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Liên bang Nga và Việt Nam, quy tụ các học giả nổi tiếng của hai nước tham gia chia sẻ tầm nhìn về quan hệ song phương và thảo luận về hợp tác giáo dục giữa hai nước.

Ngoài ra, chương trình của diễn đàn cũng bao gồm các cuộc đối thoại giữa các doanh nhân Nga với các đối tác từ Trung Quốc, Ấn Độ, các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)...

Bên cạnh đó, cũng phải kể đến Diễn đàn Đổi mới Sáng tạo BRICS, Hội nghị Quốc tế APEC về hợp tác giáo dục đại học và chương trình thanh niên "Ngày của Tương lai."

Theo truyền thống, các địa phương của Khu vực Liên bang Viễn Đông sẽ giới thiệu những thành tựu tại triển lãm "Phố Viễn Đông" trong những ngày diễn ra diễn đàn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục