Đại dịch COVID-19: Những chuyến bay trọn nghĩa đồng bào

Chuyến bay đón công dân Việt Nam từ Guinea Xích Đạo trở về có ý nghĩa đặc biệt, thấm đậm tinh thần nhân văn của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong thực hiện chính sách bảo hộ công dân giữa đại dịch.
Các công dân xuống máy bay vào xe để về khu cách ly y tế. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)
Các công dân xuống máy bay vào xe để về khu cách ly y tế. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Bắt đầu từ chuyến bay đầu tiên đón công dân Việt Nam từ Vũ Hán (Trung Quốc), khi nơi đây trở thành điểm nóng COVID-19 đầu tiên trên thế giới, đến thời điểm này các cơ quan chức năng cùng các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của các nước, tổ chức đưa hơn 16.000 công dân Việt Nam đang sinh sống, làm việc tại gần 50 quốc gia, vùng lãnh thổ trên khắp 5 châu trở về đất nước.

Chiều 29/7, trên chiếc Airbus 350, chuyến bay đặc biệt mang số hiệu VN06 đã đưa 219 công dân Việt Nam, trong đó có nhiều người dương tính với virus SARS-CoV-2 từ Guinea Xích Đạo về nước.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 huy động nhiều bộ, ngành, cơ quan hữu quan cùng vào cuộc, các bộ: Ngoại giao, Y tế, Giao thông vận tải; Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines)... đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Guinea Xích Đạo... chuẩn bị kỹ lưỡng, cẩn trọng cho chuyến bay, đảm bảo cất, hạ cánh an toàn với những tiêu chuẩn phòng, chống dịch nghiêm ngặt nhất.

Tôi cảm thấy thực sự hạnh phúc!

Với nhiệm vụ là tiếp viên trưởng của chuyến bay, Trương Anh Tú rời nhà từ lúc 3 giờ 30 phút sáng 28/7. Sau khi họp Tổ tiếp viên, anh và các đồng nghiệp có mặt tại sân bay lúc 5 giờ và đến 7 giờ 45 phút, máy bay bắt đầu cất cánh.

"Việc khởi hành và đáp xuống sân bay Bata (Guinea Xích Đạo) rất đúng giờ. Khi máy bay đáp xuống, cửa mở, các tiếp viên bước ra vẫy tay và dù không nhìn thấy rõ, chúng tôi đều cảm nhận rõ sự vui mừng, khấn khích của những hành khách "đặc biệt" của mình.

Không thể nhảy lên reo vui, nhưng những cái vẫy tay đáp lại đã nói lên tất cả. Sau đó, máy bay bị delay khoảng hơn 5 tiếng, bởi cơ sở hạ tầng của sân bay Bata còn kém, chưa đáp ứng được các yêu cầu về xăng và phục vụ mặt đất," anh Tú kể lại.

"Những hành khách 'đặc biệt' của chúng tôi đã phải chờ đợi từ rất sớm để được trở về nhà. Rất may, chỉ có chút khó khăn tại sân bay Bata, còn trong suốt thời gian 13 tiếng để trở về Việt Nam không có bất cứ tình huống xấu nào xảy ra. Một số trường hợp bị sốt, khó thở, đều được các y, bác sỹ chăm sóc, chữa trị kịp thời.

Về đến Việt Nam, khi hành khách cuối cùng rời khỏi máy bay, không có người nào sức khỏe yếu, không ai phải gọi xe cấp cứu... chúng tôi mới thực sự thở phào nhẹ nhõm. Đến hôm nay, khi tất cả đã được cách ly an toàn, tôi chỉ mong các hành khách không mắc COVID-19, phi hành đoàn và các y, bác sỹ sẽ âm tính với SARS-CoV-2," anh Tú cho biết thêm.

Trong số 8 tiếp viên tham gia chuyến bay đi Guinea Xích Đạo, Trương Anh Tú và Nguyễn Hữu Trung là hai tiếp viên tình nguyện được phục vụ ở khoang dành riêng cho hành khách dương tính với SARS-CoV-2.

Đây là lần đầu tiên Tú tham gia chuyến bay đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước, dù ngay từ chuyến bay đầu tiên đi Vũ Hán (Trung Quốc) và các chuyến bay sau đó anh đều đăng ký tham gia.

[Trải lòng tiếp viên chuyến bay chở người Việt về từ Guinea Xích Đạo]

Anh Tú chia sẻ: "Cảm giác đầu tiên của tôi khi được tham gia chuyến bay là rất vui, không chỉ vì được chọn, còn là vì chuyến bay đã được thực hiện để đưa các công dân về nước. Quả thật tôi cũng có chút lo lắng nhưng cảm xúc này giúp tôi có sự chuẩn bị tốt hơn về sức khỏe, tinh thần. Trước khi đi, chúng tôi đã được lãnh đạo Vietnam Airlines thông tin về tình hình chuyến bay, tập huấn các kỹ năng cần thiết, được chuẩn bị kỹ về tâm lý, tinh thần. Trong quá trình bay sang Guinea Xích Đạo, các y, bác sỹ cũng hướng dẫn kỹ cho tiếp viên cách phòng dịch; cách mặc và cởi đồ bảo hộ đúng cách; tầm quan trọng của việc đeo khẩu trang trong suốt hành trình; phương thức tiếp xúc với bệnh nhân. Chúng tôi cũng được hướng dẫn thực hiện các kịch bản khi hành khách cần trợ giúp y tế, có chuyển biến xấu... Trong suốt chuyến bay, tất cả đều an toàn, hành khách reo mừng khi được trở về nhà, tôi cảm thấy thật sự hạnh phúc vì đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình."

Cũng như Tú, Nguyễn Hữu Trung đã đăng ký tự nguyện tham gia các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước từ rất sớm và đã được đi các chuyến đến Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Tất cả các chuyến bay, Trung đều xung phong tham gia, vì anh cảm thấy cần có trách nhiệm đóng góp cho Vietnam Airline và đất nước.

Đại dịch COVID-19: Những chuyến bay trọn nghĩa đồng bào ảnh 1Khuôn mặt Tiếp viên Nguyễn Hữu Trung bị hằn vết đeo khẩu trang trên chuyến bay 37 tiếng đưa người Việt từ Guinea Xích Đạo về nước. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

"Sang Guinea Xích Đạo là chuyến bay mỗi người tiếp viên đều mong muốn được tham gia. Tôi đã tham gia nhiều chuyến bay trên chuyên cơ, hay đón đội tuyển bóng đá Việt Nam về nước... được đi chuyến bay này, tôi sẽ có thêm những kiến thức mới. Đối với tôi, đây là chuyến bay để thực hiện mong muốn chứ không phải là vì trọng trách phải làm. Đặc biệt hơn, tôi cảm thấy mình có cơ hội được làm nhiều việc tốt. Dù có chút lo lắng nhưng chúng tôi đã được trang bị các kiến thức về phòng hộ nên đều sẵn sàng đón nhận nếu kết quả dương tính với SARS-CoV-2, bởi tôi tin vào năng lực của các bác sỹ Việt Nam. Sắp tới, tôi cũng rất mong được tham gia các chuyến bay như thế," Trung tâm sự.

Là một trong 4 y, bác sỹ tham gia chuyến bay đi Guinea Xích Đạo, tiến sỹ, bác sỹ Thân Mạnh Hùng, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, kể lại hành trình đón công dân trở về: "Trong hành trình về nhà, khoảng 15-16 bệnh nhân có biểu hiện sốt, được xử lý bằng thuốc hạ sốt, uống nước. 5-6 bệnh nhân có biểu hiện khó thở nhưng may mắn không phải thở máy. Có thể họ khó thở do thay đổi áp suất từ mặt đất lên không trung hoặc do đeo khẩu trang liên tục; bác sỹ chỉ thực hiện kẹp SPO2..."

"Mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch đã được dự tính, không có diễn biến xấu xảy ra. Trong quá trình bay, đoàn tiếp viên với nhân viên y tế đã thống nhất kịch bản, phối hợp ăn ý, đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau. Chuyến bay an toàn, anh em trở về đều thấy nhẹ nhõm, như trút được gánh nặng, bởi trước khi đi đã nhận trách nhiệm với áp lực lớn: Bảo đảm an toàn cho tất cả hành khách, trong đó có những bệnh nhân có thể chuyển biến nặng hơn trong quá trình bay."

Bác sỹ Thân Mạnh Hùng chia sẻ: "Bản thân tôi khi nhận nhiệm vụ cũng cảm thấy rất tự hào, bên cạnh đó cũng rất lo lắng vì nguy cơ lây nhiễm cao. Nhưng 4 anh em trong đoàn đã sẵn sàng cho tình huống xấu xảy ra. Rất may mọi việc đều ổn."

Kế hoạch chuẩn bị tỉ mỉ, cẩn trọng

Trước đó, để chuẩn bị cho chuyến bay đi Guinea Xích Đạo, kế hoạch đã được vạch ra cẩn trọng, tỉ mỉ nhất nhằm tránh tối đa lây nhiễm cho nhân viên y tế cũng như phi hành đoàn.

Dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Giao thông vận tải, Vietnam Airline đã chuẩn bị một tháng với hàng chục cuộc họp được diễn ra để bàn từng chi tiết cho chuyến bay.

Tính đến thời điểm này, Vietnam Airlines đã thực hiện 41 chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước. Trong chuyến bay "đặc biệt" đi Guinea Xích Đạo, đã có hơn 130 phi công, tiếp viên, thợ kỹ thuật, nhân viên mặt đất... tình nguyện tham gia.

Để bảo đảm an toàn cho chuyến bay "đặc biệt," Vietnam Airlines quyết định chọn lực lượng bay tinh nhuệ nhất. Người lái bao gồm những phi công dày dặn kinh nghiệm hiện đang là thầy giáo dạy bay.

Cùng đó, một lực lượng kỹ thuật được cử đi cùng, mang theo tất cả trang thiết bị dự phòng để thay thế trong trường hợp cần thiết hoặc cần phải thay thế. Tổ bay có 5 phi công (3 cơ trưởng, 2 lái phụ), 8 tiếp viên, 2 thợ máy, 2 nhân viên phục vụ mặt đất. Chuyến bay cũng chở theo 4 y bác sỹ (2 bác sỹ và 2 nhân viên điều dưỡng) để hỗ trợ chăm sóc sức khỏe hành khách.

[37 giờ trên chuyến bay Guinea Xích Đạo đưa công dân Việt về nước]

Tất cả tổ bay, hành khách đều trang bị quần áo bảo hộ y tế toàn thân, kèm khẩu trang, găng tay trên hành trình về Việt Nam. Riêng thành viên tổ bay mang đồ bảo hộ y tế đặc chủng. Toàn bộ ghế ngồi tàu bay được bọc nylon. Mỗi lưng ghế đều bố trí nhiều khăn ướt tẩm chất khử khuẩn. Chuyến bay còn được trang bị bình oxy cầm tay để sẵn sàng hỗ trợ các hành khách có diễn biến sức khỏe không tốt. Các nhân viên kỹ thuật và bác sỹ đã phối hợp lắp cáng trên máy bay để cấp cứu bệnh nhân trong trường hợp cần thiết.

Chuyến bay chia thành ba khu vực, được ngăn cách bởi rèm nhựa PVC, trong đó các hành khách dương tính với SARS-CoV-2 được bố trí ngồi ở cuối tàu bay. Thành viên tổ bay phục vụ khu vực có khách dương tính không di chuyển sang khu vực khác, tương tự, hành khách cũng không được di chuyển qua lại giữa các khu vực.

Đại dịch COVID-19: Những chuyến bay trọn nghĩa đồng bào ảnh 2Công dân từ Guinea Xích đạo về tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Sau khi máy bay hạ cánh, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và các đơn vị chức năng đã triển khai đón tiếp, kiểm tra sức khỏe, tổ chức đưa hành khách, tổ bay đi cách ly tập trung theo quy định. Máy bay được khử khuẩn toàn bộ khoang hành khách, buồng lái và hầm hàng. Các trang thiết bị phục vụ mặt đất cho chuyến bay như xe thang, xe nâng... cũng được khử khuẩn. Máy bay và các trang thiết bị sau khi khử khuẩn sẽ được kéo ra vị trí riêng, đóng cửa không khai thác trong 2 ngày để đảm bảo an toàn vệ sinh, phòng dịch tuyệt đối trước khi trở lại phục vụ.

Để chuẩn bị đón số lượng bệnh nhân lớn này, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã dành toàn bộ các khoa, phòng tại cơ sở 2 Kim Chung (Đông Anh) với 400- 500 phòng bệnh để làm tốt công tác điều trị và phòng, chống lây nhiễm.

Tất cả bệnh nhân thường đang điều trị tại đây đã được chuyển sang cơ sở Giải Phóng hoặc các cơ sở y tế khác để sẵn sàng cho công tác đón các ca dương tính với SARS-CoV-2. Bệnh viện sẽ đảm bảo giãn cách giữa tất cả khoa phòng, sao cho mật độ cách ly càng xa càng tốt, ít nhất là 2 mét giữa các giường bệnh.

Bệnh viện hiện có khoảng hơn 100 máy thở, đủ để phục vụ cho công tác điều trị. Ngoài ra, vấn đề thuốc men, các trang thiết bị phục vụ chẩn đoán, chăm sóc, điều trị bệnh nhân cũng đã sẵn sàng. Đặc biệt, lần này bệnh viện đưa các robot hỗ trợ điều trị vào thử nghiệm.

Phó giáo sư-tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết: Đây là lần đầu tiên có một chuyến bay có số bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 đông đến vậy. Vì thế, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan đã phải họp bàn rất kỹ.

Để bảo đảm an toàn, máy bay được chia làm các khoang không khí riêng cho bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2; bệnh nhân chưa có kết quả xét nghiệm và bệnh nhân âm tính; nhân viên y tế và phi hành đoàn.

Khi máy bay hạ cánh, các đơn vị chức năng triển khai ngay các biện pháp giống như các chuyến bay đón công dân từ các nước khác: Đó là xét nghiệm các nhóm từ tổ lái, các thầy thuốc cho đến các tiếp viên và tất cả hành khách. Sau đó, tất cả được đưa về Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để tiến hành điều trị các bệnh nhân mắc cũng như cách ly 14 ngày đối với các trường hợp âm tính. Tất cả các phương án đều sẵn sàng trước khi đón công dân từ Guinea Xích Đạo về nước.

Ngay từ khi dịch COVID-19 xuất hiện, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 ở Kim Chung đã đón các bệnh nhân mắc bệnh đầu tiên, vì vậy đã có nhiều kinh nghiệm trong việc điều trị. Bệnh viện có không gian thông thoáng, địa điểm nằm cách xa khu dân cư. Đặc biệt, giai đoạn vừa qua, Bệnh viện là nơi đón nhận nhiều bệnh nhân điều trị tích cực nhất và đã có nhiều bệnh nhân nặng đã được chữa trị khỏi. Các thầy thuốc nơi đây thực hiện nghiêm các quy định của Bộ Y tế về kiểm soát nhiễm khuẩn.

Thời gian tới, sẽ còn nhiều chuyến bay đưa công dân Việt Nam trên thế giới về nước, Bộ Y tế sẽ họp bàn với các bộ, ngành liên quan để phân luồng, chuyển các bệnh nhân mắc COVID-19 về Thành phố Hồ Chí Minh, Thừa Thiên-Huế... để giảm áp lực, bảo đảm cho các thầy thuốc và cộng đồng an toàn, Phó giáo sư-tiến sỹ Lương Ngọc Khuê nêu rõ.

Chuyến bay đón công dân Việt Nam từ Guinea Xích Đạo trở về có ý nghĩa đặc biệt, thấm đậm tinh thần nhân văn của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong thực hiện chính sách bảo hộ công dân giữa đại dịch COVID-19.

Trước đó, nhiều chuyến bay đón công dân Việt Nam từ 50 quốc gia, vùng lãnh thổ trở về đã được thực hiện và sắp tới sẽ còn những chuyến bay như thế. Những chuyến bay trọn nghĩa đồng bào, thể hiện sự quan tâm, tình cảm và trách nhiệm đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài - một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam.

Đại dịch COVID-19: Những chuyến bay trọn nghĩa đồng bào ảnh 3Các công dân vào khu cách ly của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục