Đại dịch COVID-19 thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ trong ngành y tế

Theo các chuyên gia, kỹ thuật số sẽ trở thành xu hướng tất yếu của ngành y tế, tạo một bệ phóng vững chắc cho một nền y tế thông minh.
Ngành y tế đang thúc đẩy mạnh mẽ việc ứng dụng công nghệ trong khám chữa bệnh từ xa. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ đã thúc đẩy sự phát triển của mọi lĩnh vực, bao gồm cả lĩnh vực y tế.

Theo các chuyên gia, kỹ thuật số sẽ trở thành xu hướng tất yếu của ngành y tế, tạo một bệ phóng vững chắc cho một nền y tế thông minh.

[Chính thức khánh thành 1.000 cơ sở y tế khám, chữa bệnh từ xa]

Khi đại dịch COVID-19 diễn ra, trên toàn cầu, hệ thống y tế của các nước thậm chí phát triển nhất cũng rơi vào tình trạng báo động. Chỉ trong vòng chưa đầy 3 tuần của tháng Ba, các bệnh viện miền Bắc của Italy trở nên quá tải và đặt ra thách thức lớn cho việc kiểm soát dịch. Ở Mỹ, điều tương tự đã và vẫn đang diễn ra.

Sự gia tăng nhanh chóng của lượng bệnh nhân trong thời gian ngắn gây ra nguy cơ thiếu thiết bị và nhân lực nghiêm trọng. Chính vì vậy, việc thay đổi các phương thức truyền thống trong quản lý dòng bệnh nhân trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Sự quá tải của hệ thống bệnh viện, dân số bùng nổ, các dịch bệnh mới được phát hiện… đang đặt nền y tế thế giới trước những áp lực mới. Mặt khác, dịch bệnh cũng cản trở việc cập nhật kiến thức y tế liên tục của các y bác sỹ. Trong khi các công nghệ không ngừng được cập nhật mỗi ngày, những chương trình học trực tiếp lại bị buộc phải ngưng lại do các chính sách hạn chế di chuyển, dễ dàng khiến các y bác sỹ tụt lại so với tốc độ phát triển trong ngành.

Tại Việt Nam, ngoài việc đối phó với dịch bệnh, ngành y tế còn đang đứng trước áp lực lớn của việc phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.

Theo một báo cáo năm 2018 của Business Monitor International, chi phí cho chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam dự kiến tăng từ 170 USD/người/năm vào năm 2017 lên 400 USD/người/năm vào năm 2027. Với tốc độ tăng trưởng như vậy, ngành y tế Việt Nam sẽ cần tăng ít nhất gấp đôi lượng thiết bị và nhân lực hiện tại trong vòng 10 năm tới.

Ông Phạm Hồng Sơn, Tổng Giám đốc GE Việt Nam phân tích những biến động như dịch COVID-19 là một tác nhân để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong ngành y tế hơn là tạo ra bước ngoặt, đưa y tế đi theo một hướng mới hoàn toàn.

Đại dịch khiến cho nhu cầu về y tế tăng đột biến, khó có thể đáp ứng theo cách trực tiếp truyền thống. Điều này đã nhanh chóng thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ trong y tế, việc mà trước đây có thể còn vướng mắc. Đây cũng là dịp để thấy rõ được hiệu quả và vai trò của công nghệ.

Theo ông Sơn, với khả năng cải thiện cả chất lượng và tốc độ dịch vụ y tế, các công nghệ số được dự đoán sẽ trở thành phương thức hữu hiệu trong ngành y tế, giúp các bệnh viện và nhân viên y tế vượt qua những thách thức của không chỉ đại dịch hiện tại mà còn cả các tình huống tương tự trong tương lai.

Lợi ích rõ ràng nhất của công nghệ số chính là cải thiện hiệu quả chẩn đoán bệnh, giảm tối đa các lỗi do con người gây ra, tăng độ chính xác và quản lý dòng bệnh nhân tốt hơn. Chẳng hạn như một thiết bị chụp X quang di động cầm tay được tích hợp trí tuệ nhân tạo để cảnh báo tình trạng tràn dịch màng phổi. Thiết bị này đang được ứng dụng ở những bệnh viện hàng đầu tại Việt Nam và cho thấy độ chính xác trong chẩn đoán lên đến 95%, giúp tiết kiệm tối đa thời gian và đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.

Bên cạnh đó, trí tuệ nhân tạo cũng có thể được ứng dụng vào việc quản lý hoạt động của khoa chẩn đoán hình ảnh, giúp giảm thời gian kiểm tra bệnh nhân khoảng 16%.

Ngày nay, với công nghệ hiện đại, các bác sỹ có thể giám sát được tình trạng của bệnh nhân mà không cần gặp trực tiếp. Điều này có ý nghĩa trong mọi hoàn cảnh, không chỉ trong trường hợp dịch bệnh hay thiên tai khi có thể giảm thiếu nguy cơ lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm đồng thời giúp tạo cơ hội tiếp cận với dịch vụ y tế chất lượng cao cho người dân ở vùng sâu vùng xa, nơi hạn chế về điều kiện cơ sở vật chất.

Ở Việt Nam, nhiều công nghệ đã được khai thác để cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ y tế và thực sự mang lại hiệu quả, đặc biệt là trong tình huống dịch bệnh, chẳng hạn như Trung tâm y tế từ xa (Tele-ICU). Đây là một mô hình tư vấn từ xa kết nối bệnh nhân với với đội ngũ y bác sỹ thông qua một trung tâm chỉ huy. Mọi thông tin về sức khỏe của bệnh nhân, bao gồm âm thanh và hình ảnh sẽ được truyền tải trực tiếp. Mô hình này giúp các bác sỹ có thể kiểm soát được sức khỏe của bệnh nhân từ mọi nơi mà không cần khám bệnh trực tiếp.

Trung tâm y tế từ xa đầu tiên đã được thành lập tại Việt Nam vào tháng 3/2020, kết nối với hơn 200 máy theo dõi và máy thở của 20 bệnh viện cấp tỉnh trên toàn quốc nhằm góp sức vào cuộc kiểm soát sự bùng phát của dịch COVID-19.

Kỹ thuật số cũng giúp giải quyết bài toán đầy thách thức về nhân lực. Theo số liệu từ Solidiance, trung bình Việt Nam có khoảng 8,6 bác sỹ/10.000 dân. Tuy nhiên, hầu hết nhân viên y tế đều tập trung tại hai thành phố lớn là Hà Nội và Hồ Chí Minh. Chính vì vậy, các chương trình đào tạo trực tuyến chính là lời giải, giúp cân bằng về chuyên môn giữa các tuyến.

Các khóa học trực tuyến thuận tiện cho các y bác sỹ khi vừa có thể làm việc tại phòng khám, vừa có thể học tập để nâng cao trình độ chuyên môn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục