Đại dịch COVID-19 tác động tới sự phát triển của trẻ em

Báo The New Daily của Australia đăng tải một báo cáo mới cho thấy tỷ lệ trẻ em tiến bộ trên 5 khía cạnh phát triển chính ở nước này đã giảm lần đầu tiên sau 13 năm do hệ quả của đại dịch COVID-19.
Đại dịch COVID-19 tác động tới sự phát triển của trẻ em ảnh 1Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho trẻ em ở Brooklyn, New York (Mỹ). (Ảnh: The New York Times/TTXVN)

Báo The New Daily của Australia đăng tải một báo cáo mới cho thấy tỷ lệ trẻ em tiến bộ trên 5 khía cạnh phát triển chính ở nước này đã giảm lần đầu tiên sau 13 năm do hệ quả của đại dịch COVID-19.

Trong khuôn khổ Cuộc điều tra dân số về sự phát triển sớm ở Australia, chính phủ nước này đã tiến hành nghiên cứu kéo dài 3 năm nhằm theo dõi sự phát triển thời thơ ấu dựa trên dữ liệu thu thập được từ các trẻ nhỏ trong năm đầu tiên đi học toàn thời gian.

Nghiên cứu xoay quanh 5 khía cạnh gồm: sức khỏe thể chất và phúc lợi; năng lực xã hội; sự trưởng thành về tình cảm; kỹ năng ngôn ngữ và nhận thức; kỹ năng giao tiếp và nhận thức chung.

Kết quả nghiên cứu cho thấy hầu hết trẻ em Australia đều phát triển tiến bộ khi xét tới từng khía cạnh nói trên. Tuy nhiên, trong giai đoạn năm 2018-2021, tỷ lệ trẻ tiến bộ theo 5 khía cạnh này đã giảm từ 55,4% năm 2018 xuống 54,8% năm 2021. Đây là xu hướng giảm lần đầu tiên kể từ năm 2009. 

Dữ liệu năm 2021 cũng cho thấy tỷ lệ trẻ em "dễ bị tổn thương về mặt phát triển" đã tăng lên đáng kể trong giai đoạn đại dịch COVID-19 khi trường học phải đóng cửa một trong thời gian dài để phòng dịch và chuyển sang hình thức học tập trực tuyến.

Trong khi đó, năng lực xã hội là khía cạnh duy nhất ghi nhận tỷ lệ trẻ em dễ bị tổn thương giảm từ 9,8% vào năm 2018 xuống 9,6% vào năm 2021.

Bộ trưởng Giáo dục Australia Stuart Robert cho biết trẻ em, gia đình và trường học đã thể hiện khả năng thích ứng và tính linh hoạt lớn trong thời gian dài chưa từng có. Ông nêu rõ cuộc điều tra dân số sẽ cung cấp cho các chính phủ dữ liệu cần thiết để có thể đưa ra quyết định sáng suốt về "đích đến" cho các chính sách, đặc biệt là đối với các cộng đồng dễ bị tổn thương và chịu thiệt thòi.

[Những di chứng do bệnh COVID-19 có thể kéo dài tới 2 năm]

Liên quan tình hình dịch bệnh tại Australia, các ca mắc mới COVID-19 ở nước đang tiếp tục gia tăng do biến thể phụ của Omicron có khả năng lây lan nhanh. Giới chuyên gia y tế dự báo đỉnh dịch ở nước này có thể sẽ rơi vào giữa tháng 4 tới.

Theo số liệu từ Ủy ban Bảo vệ sức khỏe Australia, số ca mắc COVID-19 theo ngày tại quốc gia châu Đại Dương này đã tăng hơn 76% trong khoảng thời gian từ 11/3 – 23/3.

Số ca nhập viện vì COVID-19 trong cùng kỳ cũng tăng gần 25%, song số ca tử vong và số bệnh nhân phải điều trị tích cực (ICU) trên cả nước đã giảm lần lượt là 7% và 5%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục