Đại dịch COVID-19 làm gián đoạn chiến dịch tiêm phòng sởi

Người phát ngôn WHO Margaret Harris cho biết các nguồn lực của tổ chức y tế này hiện không đủ nếu các nước liên tiếp đề nghị tài trợ để đối phó với số ổ dịch sởi ngày càng tăng.
Đại dịch COVID-19 làm gián đoạn chiến dịch tiêm phòng sởi ảnh 1(Nguồn: Gallo Images)

Đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn các chiến dịch tiêm vaccine phòng bệnh sởi trên toàn cầu trong năm 2020 và 2021, khiến hàng triệu trẻ em không được bảo vệ trước nguy cơ lây nhiễm một trong những bệnh dễ lây lan nhất thế giới và có thể gây các biến chứng nguy hiểm.

Đặc biệt, hệ thống y tế châu Phi dễ tổn thương do thiếu nguồn quỹ và nhân lực, nhất là những nước mà tình trạng suy dinh dưỡng và xung đột khiến trẻ em càng dễ mắc căn bệnh truyền nhiễm này.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đã có 26 ổ dịch sởi lớn bùng phát trên thế giới. Đáng chú ý, ổ dịch tại Zimbabwe từ đầu năm đến nay đã cướp đi sinh mạng của hơn 700 trẻ em, trong đó chủ yếu liên quan đến những cộng đồng tôn giáo không tin tưởng vào vaccine.

Thống kê cho thấy từ đầu năm đến nay, châu Phi báo cáo hơn 45.000 ca mắc sởi, trong đó có hơn 2.300 người tử vong. Những con số này đều tăng gấp đôi so với số ca mắc và tử vong trong cùng kỳ năm ngoái - thời điểm một số biện pháp giãn cách xã hội được duy trì có thể đã làm chậm đà lây lan của bệnh sởi.

Ước tính cần ít nhất 255 triệu USD để đối phó với bệnh sởi trên toàn cầu. Trong khi đó, đại dịch COVID-19, xung đột tại Ukraine, tình trạng thiếu lương thực và lạm phát khiến nguồn tài trợ từ các nước phát triển hơn trở nên eo hẹp.

[WHO cảnh báo nguy bùng phát lại dịch sởi ở các nước châu Phi]

Năm 2020, WHO và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã phát động chiến dịch nâng cao nhận thức và gây quỹ nhằm khắc phục những khó khăn trong công tác tiêm chủng do đại dịch gây ra, đặc biệt ở những nước có thu nhập trung bình. Tuy nhiên, hai cơ quan này cho biết các chiến dịch gần như không nhận được được tài trợ.

Người phát ngôn WHO Margaret Harris cho biết các nguồn lực của tổ chức y tế này hiện không đủ nếu các nước liên tiếp đề nghị tài trợ để đối phó với số ổ dịch sởi ngày càng tăng.

Trong một tài liệu gần đây được chia sẻ với các chính phủ và tổ chức y tế, WHO đã nêu 15 chiến dịch tiêm vaccine cần bắt đầu triển khai tại châu Phi trong năm 2022 và 2023.

Tuy nhiên, báo cáo cập nhật tháng 10 cho thấy chỉ 3 chiến dịch trong số này có thời điểm bắt đầu cụ thể. Các chiến dịch còn lại được xác định là trong năm 2022 hoặc 2023 hoặc sau đó.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cũng xác định 12 nước không có kế hoạch rõ ràng hoặc không được đảm bảo nguồn lực để triển khai chiến dịch tiêm phòng sởi tiếp theo. Trong đó, các nước Chad, Mali và Liberia đặc biệt có nguy cơ cao với tỷ lệ bao phủ vaccine trong khoảng 55-70%.

Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp do virus sởi gây nên. Khi xâm nhập vào cơ thể, virus sởi làm suy yếu hệ miễn dịch, khiến con người dễ mắc các bệnh truyền nhiễm khác như viêm phổi và tiêu chảy. Do đó, bệnh sởi là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em.

Bệnh chủ yếu gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi hay xảy ra vào mùa Đông-Xuân, có thể xuất hiện ở người lớn chưa được tiêm phòng hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa đủ.

Virus sởi đã cướp đi sinh mạng của 2 triệu trẻ em/năm trước khi vaccine phòng bệnh sởi ra đời vào đầu những năm 1960. Tại những nước kém phát triển, nơi trẻ em thường có hệ miễn dịch yếu hơn do suy dinh dưỡng hoặc mắc các bệnh khác mà không được điều trị, tỷ lệ tử vong do sởi là 10% số ca mắc. Sởi là bệnh dễ lây lan và một bệnh nhân sởi có nguy cơ lây bệnh cho khoảng 12-18 người khác.

Trong nhiều năm qua, vaccine phòng sởi đã giúp ngăn ngừa hiệu quả những rủi ro nói trên và giảm số ca mắc trên toàn cầu. Tuy nhiên, đến năm 2016, xu hướng này đã đảo ngược khi tâm lý e ngại tiêm vaccine gia tăng do thông tin sai lệch tràn lan và niềm tin vào các cơ quan y tế công giảm sút.

Năm 2019, số ca mắc sởi trên thế giới đã tăng lên mức cao nhất trong 23 năm, khiến 200.000 người tử vong, trong đó có cả ở những nước từng “xóa sổ” được căn bệnh này. CHDC Congo là một trong những nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, với hơn 6.000 ca không qua khỏi.

Theo ước tính của WHO năm 2019, có 86% số trẻ em trên thế giới đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine phòng sởi. Đến năm 2021, tỷ lệ này chỉ đạt 81%, mức thấp nhất kể từ năm 2008. Tại châu Phi, tỷ lệ này chỉ là 68%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục