Đại dịch COVID-19 đem đến "làn gió mới" cho thương mại điện tử

Các đối tượng tiêu dùng vốn chỉ trung thành với cách mua hàng truyền thống cũng cân nhắc về việc mua sắm trực tuyến, khi thương mại điện tử là cách duy nhất để mua sắm trong thời kỳ giãn cách xã hội.
Đại dịch COVID-19 đem đến "làn gió mới" cho thương mại điện tử ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: gemius.com)

Đại dịch COVID-19 là cơn “ác mộng” đối với nhiều lĩnh vực kinh tế trên toàn thế giới, nhưng dường như lại là “vận may” của các trang web thương mại điện tử.

Những thói quen lâu năm đã thay đổi chỉ sau một đêm, khiến ngay cả những người lớn tuổi và các đối tượng tiêu dùng vốn chỉ trung thành với cách mua hàng truyền thống cũng cân nhắc về việc mua sắm trực tuyến, khi thương mại điện tử là cách duy nhất để có được những thứ họ cần trong thời kỳ giãn cách xã hội.

Sau đây là một số xu hướng thương mại điện tử nổi bật và những cơ hội được kỳ vọng ở lĩnh vực này trong thời gian tới.

Cuộc đua quảng cáo số

Khi người tiêu dùng tập trung vào mua sắm trực tuyến, các doanh nghiệp cũng đẩy mạnh mô hình kinh doanh này. Điều đó đã làm cho “đấu trường” quảng cáo trở nên cạnh tranh hơn bao giờ hết.

Công ty quảng cáo quốc tế Dentsu (Nhật Bản) đưa ra dự đoán quảng cáo kỹ thuật số sẽ chiếm một nửa tổng chi tiêu cho quảng cáo của các doanh nghiệp vào năm 2021, với tổng mức chi tiêu dự kiến là 284 tỷ USD.

Tăng cường mối quan hệ với khách hàng

Dữ liệu là chìa khóa để quảng cáo kỹ thuật số đạt hiệu quả, nhất là khi doanh nghiệp nắm bắt được hành vi của người tiêu dùng.

Do đó, các nền tảng thương mại điện tử phát triển mạnh có khả năng thu thập dữ liệu của người mua, phân tích chính xác thói quen chi tiêu của họ và tùy chỉnh nội dung theo sở thích và nhu cầu của họ.

[Nhộn nhịp các kênh chợ online trong những ngày giãn cách xã hội]

Năm 2021, xu hướng của các trang thương mại điện tử là xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với người tiêu dùng và hiểu rõ điều gì thúc đẩy hành vi mua sắm của họ.

Tận dụng thế mạnh thông qua hợp nhất

Rất nhiều doanh nghiệp tham gia thị trường thương mại điện tử đều nhận thấy các trang web nhỏ hơn có thể khó tồn tại, nhất là khi họ đang sử dụng các mô hình kinh doanh phải “đốt” nhiều tiền mặt.

Do vậy, hợp nhất có thể là một lựa chọn để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, cải thiện tỷ suất lợi nhuận và rút ngắn con đường dẫn đến lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Mua lại và sáp nhập, đặc biệt là giữa các công ty có các thế mạnh bổ sung cho nhau, cho phép các trang thương mại điện tử tăng cường thị phần, đồng thời tận dụng cơ sở hạ tầng, nguồn lực tài chính và con người.

Đa dạng kênh mua sắm

Khi tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 giảm xuống, các hoạt động mua bán trực tiếp, bao gồm các cửa hàng truyền thống, đang dần mở cửa trở lại.

Tuy vậy, thói quen của người tiêu dùng đã thay đổi ngay cả khi các cửa hàng mở cửa trở lại hoàn toàn và đại dịch trở thành ký ức.

Trên thực tế, thói quen của người mua sắm, cũng như nhiều khía cạnh khác của cuộc sống trong thập kỷ thứ ba của thế kỷ 21 sẽ là sự kết hợp giữa phương thức truyền thống và kỹ thuật số.

Điều quan trọng đối với các trang thương mại điện tử là phải làm cho việc chuyển đổi giữa các kênh mua bán trở nên dễ dàng nhất có thể đối với người tiêu dùng để sau đại dịch họ vẫn có thể thích ứng với những thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng để tiếp tục phát triển mạnh mẽ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục