Đại dịch COVID-19 đánh dấu sự khởi đầu của kỷ nguyên châu Á?

Theo tạp chí IPG, các nước châu Á kiểm soát đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (COVID-19) tốt hơn nhiều so với phương Tây.
Đại dịch COVID-19 đánh dấu sự khởi đầu của kỷ nguyên châu Á? ảnh 1Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Seoul. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Theo tạp chí IPG, các nước châu Á kiểm soát đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (COVID-19) tốt hơn nhiều so với phương Tây. Liệu đại dịch này có đánh dấu sự khởi đầu của kỷ nguyên châu Á?

Khi đại dịch COVID-19 mới bùng phát, người ta thường phân biệt các quốc gia và các biện pháp kiểm soát dịch bệnh theo hệ thống chính trị của quốc gia đó.

Một điều rõ ràng đã được chỉ ra, đó là đường phân định thực sự giữa các nước không phải là đường chính trị mà là đường địa lý.

Dù là quốc gia được quản lý theo chế độ dân chủ hay chế độ chuyên chế, dù đó là một hòn đảo hay một phần của lục địa, dù là Nho giáo hay Phật giáo, cộng sản hay chủ nghĩa cá nhân: nếu quốc gia đó ở Đông Á, Đông Nam Á hay Tây Thái Bình Dương, thì nó hầu như đều đối phó với đại dịch COVID-19 tốt hơn bất kỳ nước châu Âu hoặc Bắc Mỹ nào.

Mặc dù đường phân định này không chuẩn xác một cách tuyệt đối giữa các bán cầu nhưng nó đủ chuẩn xác để khiến người ta phải suy nghĩ. Ngay cả những nước châu Á ứng phó kém nhất như Philippines hay Indonesia cũng đều khống chế đại dịch hiệu quả hơn các nước lớn nhất và giàu có nhất châu Âu.

Bất chấp những nghi ngờ về độ chính xác của số trường hợp tử vong do đại dịch mà Philippines (hay Ấn Độ) thống kê và công bố thì một điều thực tế không thể phủ nhận là người châu Âu và người Mỹ có nguy cơ tử vong vì COVID-19 cao hơn so với người châu Á.

Để giải thích khác biệt này cần phải có những nghiên cứu sâu rộng hơn.

[Hàn Quốc hy vọng đạt miễn dịch cộng đồng với COVID-19 vào cuối năm nay]

Nhiều thông tin hiện tại dựa trên các quan sát cá nhân và không đủ để đánh giá một cách toàn diện. Chúng có thể dễ dàng bị chính trị hóa và bị bóp méo. Để giúp tất cả các quốc gia chuẩn bị tốt cho việc ứng phó với các mối đe dọa sinh học có thể xảy ra trong tương lai, nhiều vấn đề cụ thể cần được nghiên cứu và trả lời.

Nhưng điều đầu tiên có thể thấy rằng, với kinh nghiệm phòng chống các loại dịch bệnh như SARS, MERS, cúm gia cầm hay dịch bệnh khác, hệ thống y tế ở các nước châu Á đã có sự chuẩn bị tốt hơn và người dân dễ tiếp nhận các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt hơn so với ở châu Âu hay Mỹ.

Một số nước châu Á rõ ràng đã tận dụng tốt các hệ thống hiện có được thiết lập để ngăn chặn sự bùng phát của bệnh lao, dịch tả, thương hàn, HIV/AIDS và các bệnh truyền nhiễm khác.

Nhật Bản là một ví dụ, theo số liệu năm 2014, nước này có 48.452 y tá y tế công cộng, trong đó 7.266 người làm việc tại các trung tâm y tế công. Họ nhanh chóng được huy động để giúp truy tìm những trường hợp tiếp xúc gần với người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Mặc dù các khái niệm về công việc ở mỗi nơi có khác nhau nhưng con số này vẫn có thể đưa ra để so sánh với con số tương ứng ở nước Anh, nơi chỉ có khoảng 350 đến 750 y tá y tế công cộng trong năm 2014.

Bên cạnh đó, một số quốc gia đã rất thành công trong việc bảo vệ các viện dưỡng lão và các cơ sở chăm sóc người cao tuổi khác, đặc biệt là các nước có tỉ lệ người trên 65 tuổi ở mức cao như Nhật Bản và Hàn Quốc.

Ngoài ra, có sự khác biệt rõ ràng giữa các nước về hiệu quả của truyền thông y tế công cộng, đồng thời sự khác biệt về gen và các chương trình tiêm phòng lao trước đây ở một số khu vực cũng có thể đã giúp hạn chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

Chỉ có thông qua các nghiên cứu thực nghiệm chặt chẽ mới thu được thông tin và số liệu cần thiết để chuẩn bị tốt cho các mối đe dọa trong tương lai.

Câu hỏi về sự thành công của châu Á có ý nghĩa như thế nào đối với vấn đề địa chính trị sau đại dịch đang được thảo luận thường xuyên. Trong tương lai, nếu các nhà sử học tìm kiếm điểm khởi đầu cho "thế kỷ châu Á" thì họ hoàn toàn có thể chọn năm 2020, giống như doanh nhân Mỹ Henry Luce đã đề xuất về "thế kỷ Mỹ" với sự bùng nổ của Chiến tranh thế giới thứ hai vậy.

Nhưng sự so sánh này có thể còn quá sớm. Nước Mỹ của Luce là một siêu cường duy nhất, còn thế kỷ châu Á sẽ bao gồm cả một châu lục rộng lớn với rất nhiều quốc gia trên đó. Nói cách khác, thế kỷ châu Á không chỉ có Trung Quốc.

Tất nhiên, sau những thất bại ban đầu và sự thiếu minh bạch ngay từ khi đại dịch bùng phát, siêu cường mới nổi này đã có những thành công đáng kể trong việc ứng phó với COVID-19. Nhưng ưu thế về hệ thống không phải là điều duy nhất mang tới thành công, vì xét cho cùng, nhiều nước châu Á khác cũng thành công không kém trong ứng phó với đại dịch.

Từ góc độ kinh tế, việc so sánh tình hình hiện tại với thời kỳ sau Chiến tranh thế giới thứ hai cũng có thể còn quá sớm. Sự tăng trưởng kinh tế của các nước châu Á năm 2020 không thể theo kịp thành công của họ trong việc chống lại đại dịch.

Thực sự thì năm 2020, Việt Nam, Trung Quốc và Đài Loan đã vượt trội hơn hẳn so với phần còn lại của thế giới về tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Nhưng kinh tế Mỹ cũng không đến mức quá tệ dù nước này đã thất bại trong việc chống lại đại dịch COVID-19. Các dự báo cho thấy năm 2020, GDP của Mỹ giảm ở mức 3,6%.

Điều đó có nghĩa là kinh tế Mỹ vẫn khả quan hơn bất kỳ nền kinh tế châu Âu nào, đồng thời cũng tốt hơn các quốc gia như Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Philippines và nhiều nước châu Á khác. So với Mỹ, nhiều nền kinh tế châu Á bị ảnh hưởng nặng nề hơn bởi các lệnh cấm trong lĩnh vực thương mại và đặc biệt là lĩnh vực du lịch.

Với Trung Quốc, dù kinh tế nước này năm 2020 phát triển tốt hơn nhiều so với các nước phương Tây, nhưng Bắc Kinh đã không thể thu được bất kỳ lợi thế chính trị hoặc ngoại giao nào từ đại dịch COVID-19. Trung Quốc luôn tỏ rõ thái độ hung hăng và "bắt nạt" các nước láng giềng trực tiếp và một số quốc gia khác như Australia.

Điều này cho thấy giới lãnh đạo Bắc Kinh không cố gắng để xây dựng một mạng lưới bạn bè và những người ủng hộ ở châu Á, thậm chí còn làm xấu đi hình ảnh của mình trong mắt bạn bè quốc tế.

Cách thức Trung Quốc giải quyết vấn đề tái cơ cấu nợ quốc tế sẽ là một bài kiểm tra quan trọng trong năm 2021. Tất nhiên, Mỹ và phần còn lại của phương Tây cũng đang phải đối mặt với thử thách lớn trong nhiều chủ đề, từ tài chính quốc tế đến giữ gìn sự ổn định chính trị xã hội trong nước.

Có thể còn quá sớm để công bố một kỷ nguyên lịch sử mới. Tuy nhiên đến thời điểm này có thể khẳng định rằng sẽ không hề sớm trong việc rút ra bài học từ những thành công của châu Á trong lĩnh vực bảo vệ sức khỏe cộng đồng và ứng phó với các đại dịch./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục