Theo báo cáo công bố ngày 29/4 của công ty dịch vụ tài chính Maybank Kim Eng, có trụ sở chính tại Kuala Lumpur, Malaysia, đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang gây sức ép lớn đến tăng trưởng kinh tế của các nước CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam) và có thể khiến tăng trưởng của khu vực này rơi xuống mức thấp kỷ lục.
Theo đó, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của CLMV được dự báo sẽ giảm mạnh từ mức 6,9% năm 2019 xuống còn 3% năm 2020 trước khi phục hồi lên mức 6,5% vào năm 2021.
Việt Nam được dự báo sẽ có triển vọng khả quan hơn so với ba nước còn lại, với mức tăng trưởng năm 2020 ước đạt 3,6%, nhờ có một cơ cấu kinh tế đa dạng hóa hơn, một vị thế tài chính và các yếu tố kinh tế vĩ mô cơ bản lành mạnh hơn, mặc dù cũng giảm mạnh so với mức tăng trưởng 7% ghi nhận trong năm 2019.
Việt Nam dường như cũng đã khống chế thành công dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và trở thành nước đầu tiên trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) bắt đầu nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội vào ngày 23/4, với việc hoạt động thương mại và kinh doanh bán lẻ được phép mở cửa và các phương tiện giao thông công cộng hoạt động trở lại.
[Standard Chartered dự báo tăng trưởng của Việt Nam đạt 3,3%]
Ngược lại, Campuchia sẽ bị tác động tồi tệ nhất với tốc độ tăng trưởng GDP chỉ đạt 0,5%, giảm từ 7% năm 2019.
Điều này là do Campuchia phụ thuộc lớn vào du lịch và xuất khẩu hàng dệt may, với ngành du lịch và các lĩnh vực liên quan đến vận tải chiếm 12,3% GDP của nước này.
Đối với dịch bệnh COVID-19, Campuchia vẫn chưa áp đặt các biện pháp phong tỏa toàn quốc, mặc dù dự luật về tình trạng khẩn cấp đã được thông qua gần đây cho phép chính phủ nước này áp đặt những hạn chế.
Tăng trưởng kinh tế của Myanmar được dự báo đạt 2% trong năm nay, giảm từ 6,8% năm 2019. Nước này cũng phụ thuộc lớn vào du lịch, với du lịch và các lĩnh vực liên quan đến vận tải chiếm tới 11,2% GDP và con số này có thể còn lớn hơn nếu tính đến các dịch vụ cư trú và lương thực.
Myanmar cũng dễ bị tổn thương nhất do sự giảm mạnh về nhu cầu sản xuất và xuất khẩu, với lĩnh vực chế tạo chiếm 24,2% GDP.
Trong khi đó, Lào có thể miễn nhiễm tốt hơn với lĩnh vực chế tạo chỉ chiếm 7,5% GDP và lĩnh vực du lịch-vận tải chiếm 3,9%.
Tuy nhiên, sự phụ thuộc nặng nề của nước này vào điện và khí đốt có thể gây tổn thương cho nền kinh tế khi các nhà máy đóng cửa và hoạt động đi lại sụt giảm.
Tăng trưởng GDP của Lào được dự đoán đạt 2,4% năm 2020, giảm từ 4,7% năm 2019./.