Trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội, đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, đầu tư từ ngân sách quốc gia thì phải ưu tiên cho dự án trọng điểm quốc gia. Ông Ngân đưa ra 3 lĩnh vực nên ưu tiên trong đầu tư công là các dự án liên quan đến an ninh quốc phòng, an sinh xã hội và ưu tiên đầu tư về các vấn đề biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.
- Hiện nay nguồn lực của chúng ta đang rất hạn chế nhưng các địa phương lại muốn đầu tư vào nhiều công trình trọng điểm, vậy theo ông việc huy động vốn sẽ lấy nguồn từ đâu?
Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Trong giai đoạn từ 2011-2015 chúng ta đã đầu tư công trên 1,2 triệu tỷ đồng và cũng đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, việc đầu tư dàn trải, đầu tư thiếu hiệu quả vẫn xảy ra. Do đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế không đạt như kế hoạch, chỉ đạt 5,91% (kế hoạch là 6,5-6,7%). Bội chi ngân sách liên tục vượt dự toán, ở mức 5,76% (dự toán bội chi là 4,5% GDP). Điều này dẫn đến nợ ngày càng tăng từ 50% GDP lên 64,98%.
Bây giờ chúng ta đang thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, làm sao để đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động... tức là tăng trưởng một cách bền vững thì chúng ta phải có một nguồn lực. Trong đó, nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, nguồn vốn từ đầu tư công khoảng 2 triệu tỷ đồng.
Trong 2 triệu tỷ đồng đó thì 880.000 tỷ đồng là ngân sách địa phương 63 tỉnh thành do Hội đồng Nhân dân các tỉnh quyết định, còn ngân sách Trung ương là 1,120 triệu tỷ đồng. Vấn đề là phân bổ nguồn vốn 1,120 triệu tỷ đồng thế nào thôi.
Chúng ta cần thống nhất với nhau về mặt quan điểm, mục tiêu, tiêu chí. Mục tiêu của đầu tư công phải hướng đến phát triển kinh tế-xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hướng đến an toàn nợ công của quốc gia. Điều quan trọng nữa là phải đảm bảo sự hài hòa với các kế hoạch khác như kế hoạch tài chính, kế hoạch huy động vốn và phải đáp ứng được mục tiêu của quá trình tái cơ cấu kinh tế.
Vì vậy, đầu tư từ ngân sách quốc gia thì phải ưu tiên cho dự án trọng điểm quốc gia. Theo tôi, thứ nhất ưu tiên các dự án liên quan đến an ninh quốc phòng để bảo vệ chủ quyền quốc gia, đảm bảo an ninh trật tự. Thứ hai, là phải đảm bảo được an sinh xã hội, không được để người dân đói, nghèo, tức là phải góp phần xóa đói giảm nghèo. Thứ ba là phải ưu tiên đầu tư về các vấn đề biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.
Tất cả 3 ưu tiên trên đòi hỏi chúng ta phải có tiền, do đó phải có tiêu chí hỗ trợ cho các địa phương để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như nuôi dưỡng nguồn thu để cho các đầu tầu đó tăng được nguồn thu ngân sách và tái đầu tư cho các ưu tiên trên. Như vậy mới đảm bảo được sự hài hòa và trên cơ sở đó chúng ta sẽ xây dựng các tiêu chí.
Theo tôi, chỉ nên ưu tiên cho các dự án cấp bách, có như vậy mới đảm bảo được an toàn nợ công.
Trong 5 năm qua, mỗi năm Chính phủ phải huy động trên 300.000 tỷ đồng, trong đó trái phiếu huy động khoảng 180.000 tỷ đồng. Để thực hiện kế hoạch nợ công giai đoạn 2016-2020 đảm bảo được bội chi ngân sách thì bình quân mỗi năm phải huy động 400.000 tỷ đồng, trong đó, phát hành trái phiếu trên 280.000 tỷ đồng mỗi năm và huy động vốn ODA một năm khoảng 120.000 tỷ đồng. Tất cả những mục tiêu này sẽ đè nặng lên thị trường vốn, đè nặng lên các doanh nghiệp đang cần vốn với lãi suất thấp. Nếu nhu cầu vốn tăng như vậy thì lãi suất rất khó giảm.
Như vậy chúng ta phải kiên quyết thực hiện một kỷ luật thép trong vấn đề ngân sách hiện nay. Phải triển khai cho được tinh thần của Luật đầu tư công, mà trong đó đã quy định rất rõ trách nhiệm, quyền hạn, xử lý kể cả xử lý hình sự nếu có chủ trương, quyết định đầu tư sai.
Luật Đầu tư công cũng quy định, trong triển khai kế hoạch đầu tư công 5 năm thì cuối mỗi năm sẽ có báo cáo với Quốc hội. Trong trường hợp kế hoạch không đáp ứng được điều kiện, chẳng hạn không hỗ trợ được tăng trưởng, tình hình ngân sách căng thẳng thì Quốc hội sẽ xem xét và được quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư công đã được phê duyệt.
Với tinh thần đó, tôi nghĩ chúng ta tin tưởng triển khai mạnh mẽ kế hoạch đầu tư công này với kỷ luật thép, kỷ luật tài chính, kỷ luật ngân sách một cách chặt chẽ.
- Như những giải pháp ông vừa đưa ra, để có thể huy động được vốn trong dân thì phải làm cách nào?
Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Hiện nay vốn ngân sách chỉ là "vốn mồi", chúng ta cần phải thu hút được vốn từ khu vực tư nhân cũng như thu hút được vốn từ đầu tư nước ngoài. Kế thừa những nghiên cứu trong nhiều năm qua, chúng ta đi theo mô hình 442, có nghĩa là vốn đầu tư ngân sách nhà nước là 40%, khu vực tư nhân là 40% và khu vực nước ngoài là 20%. Quá trình đó hiện nay đang chuyển dịch theo hướng khu vực nhà nước đang giảm dần từ 40% xuống còn 38%, khu vực tư nhân chúng ta mong rằng phải lên 42% (nhưng hiện nay mới được 38%), khu vực đầu tư nước ngoài hiện nay là 24%.
Trong quá trình tái cơ cấu này cũng phải làm sao huy động được nguồn lực của trong nước và cũng tạo điều kiện cho đầu tư nước ngoài nhưng có chọn lọc. Chúng ta nên xem xét những lĩnh vực đòi hỏi đổi mới mô hình tăng trưởng như vấn đề về công nghệ cao, nông nghiệp sạch, về đảm bảo môi trường… trên cơ sở đó, tạo điều kiện cho khu vực tư nhân.
Trong đề án tái cơ cấu lần này các bạn sẽ ngạc nhiên khi trọng tâm thứ nhất lại là thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển chứ không như trước nhằm mục tiêu đáp ứng tính tự chủ và phát triển các thành phần kinh tế tư nhân.
- Có một thực tế là việc phân bổ nguồn lực của chúng ta hiện nay đang chưa đúng địa chỉ gây ra lãng phí, và đặc biệt đầu tư công vào những công trình trọng điểm nhiều nhưng không phát huy hiệu quả. Vậy theo ông, giải pháp nào để có thể giải quyết tốt bài toán này?
Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Đây là một bài toán rất khó, tuy nhiên, chúng ta phải xây dựng các tiêu chí, trên cơ sở đó để phân bổ các nguồn lực mà vẫn phải đảm bảo được vấn đề an ninh quốc phòng, an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo nhưng chúng ta cũng phải đảm bảo được các mục tiêu là làm sao có được nguồn thu ngân sách. Tức là phải thúc đẩy được tăng trưởng.
Tôi nghĩ trong phân bổ ngân sách, ngoài các tiêu chí về mặt xã hội thì phải chú ý đến tiêu chí hiệu quả kinh tế để đảm bảo nuôi dưỡng nguồn thu. Chúng ta cũng nên rà soát lại và đưa ra quyết định xử phạt những ai đưa quyết định chủ trương đầu tư sai, gây ra hậu quả nghiêm trọng, gây lãng phí thất thoát vốn thì phải xử lý. Có như vậy mới sử dụng một cách tiết kiệm và hiệu quả nguồn vốn.
- Xin cảm ơn ông!