Tham dự Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam diễn ra từ ngày 1 đến 3/12 tại Hà Nội, các đại biểu quốc tế bày tỏ sự vui mừng và đánh giá cao vai trò của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; đồng thời cho rằng, sự gắn kết giữa cán bộ Công đoàn với người lao động rất chặt chẽ và gắn bó.
Dự và quan sát diễn biến của Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, các đại biểu chúc mừng và ấn tượng với sự chuẩn bị cũng như cách tổ chức rất bài bản, khoa học.
Đại biểu Trâu Chấn (Ban Thư ký Tổng Công hội Trung Quốc) cho rằng hoạt động của Công đoàn Việt Nam thực sự có tính gắn kết và tương lai rất tốt.
Sau khi nghe bài báo cáo tóm tắt của Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang, đặc biệt là bài phát biểu chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, đại biểu đến từ Trung Quốc khẳng định những thành tích của tổ chức Công đoàn Việt Nam đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá cao và được sự công nhận của người lao động.
“Chúng tôi thấy được vai trò tích cực của Công đoàn Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam đang phải đối mặt với hệ lụy của đại dịch COVID-19. Sự gắn kết giữa cán bộ Công đoàn với người lao động rất chặt chẽ và gắn bó,” đại biểu nhận xét.
Nhiều đại biểu quốc tế cho rằng Công đoàn Việt Nam đã thể hiện rõ được vai trò và chức năng của mình một cách rộng rãi, sâu sắc. Những người lao động, công nhân Việt Nam luôn được Công đoàn đồng hành trong việc thực hiện nhiệm vụ, cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam Ingrid Christensen cho rằng trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh đến vai trò và tiềm năng của tổ chức Công đoàn trong việc hỗ trợ cho người lao động cũng như gia đình họ là rất quan trọng.
Phát biểu của Tổng Bí thư tại Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII
TTXVN trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2023-2028.
Bên cạnh đó, thời gian qua, Công đoàn Việt Nam đã chứng minh được vai trò của mình trong việc đưa tiếng nói của người lao động đến Chính phủ, đóng góp cho sự phát triển đất nước bền vững cũng như xây dựng một hệ thống an sinh xã hội lâu dài cho người lao động.
Theo bà Ingrid Christensen, Tổ chức Lao động quốc tế và Công đoàn Việt Nam trải qua hợp tác lâu dài về Thỏa ước lao động tập thể, đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ Công đoàn, cho đoàn viên, lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động, lĩnh vực về an sinh xã hội, đào tạo...
Tổ chức Lao động quốc tế mong muốn tiếp tục được phối hợp với Công đoàn Việt Nam trong giai đoạn tới, ở những lĩnh vực tiềm năng, ví dụ về thương lượng tập thể, quan hệ lao động, đối thoại xã hội, thúc đẩy tôn trọng quyền và nguyên tắc cơ bản nơi làm việc. Từ đó thúc đẩy công bằng xã hội, việc làm bền vững.
Tổng Thư ký Liên hiệp Công đoàn Thế giới Pambis Kyritsis đánh giá cao vai trò của Công đoàn Việt Nam với tư cách mang tính biểu tượng trên thế giới trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc.
Với vai trò đại diện, chăm lo quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động, Công đoàn Việt Nam là nguồn cổ vũ cho phong trào Công đoàn mang tính giai cấp trên thế giới.
Công đoàn Việt Nam là một trong những Công đoàn đầu tiên tham gia thành lập Liên hiệp Công đoàn Thế giới và tham gia tích cực vào việc bảo vệ, duy trì sự phát triển của Liên hiệp Công đoàn Thế giới.
"Cùng với một số tổ chức Công đoàn mang tính giai cấp khác, Công đoàn Việt Nam đã hỗ trợ Liên hiệp Công đoàn Thế giới trong lúc khó khăn, nhất là sau khi một số nước xã hội chủ nghĩa sụp đổ, các thế lực thù địch muốn xóa bỏ tổ chức Công đoàn đấu tranh trên lập trường giai cấp của chúng tôi," ông Kyritsis nói.
Tổng Thư ký Liên hiệp Công đoàn Thế giới Pambis Kyritsis cho biết đây là lý do để ông thay mặt 110 triệu đoàn viên của 123 Công đoàn quốc gia, vùng lãnh thổ trên khắp thế giới bày tỏ sự trân trọng đối với Công đoàn Việt Nam, đồng thời khẳng định tình đoàn kết với Công đoàn Việt Nam trong thực hiện sứ mệnh vì người lao động và vì nền hoà bình, dân chủ, thịnh vượng.
Ông Pambis Kyritsis tin rằng sau Đại hội XIII, Công đoàn Việt Nam tiếp tục thảo luận và có những quyết sách có những nhiệm vụ đề ra, đồng thời tiếp tục ủng hộ phong trào công nhân công đoàn mang tính giai cấp thông qua các hoạt động để bảo vệ quyền lợi của người lao động.
Tổng Thư ký Liên hiệp Công đoàn Thế giới Pambis Kyritsis cho rằng sự chỉ đạo, định hướng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội là kim chỉ nam cho hoạt động của Công đoàn Việt Nam. Qua đó thấy rõ vai trò lãnh đạo và mối quan hệ chặt chẽ giữa Đảng Cộng sản và Công đoàn Việt Nam chính là chìa khóa quan trọng để Công đoàn Việt Nam có thể đạt mục tiêu nâng cao, cải thiện đời sống, việc làm cho người lao động.
“Khi Việt Nam tham gia nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì Công đoàn Việt Nam cũng phải đối mặt với những khó khăn nhất định do nền kinh tế thị trường dẫn dắt. Tuy nhiên, điều đặc biệt ở đây là Việt Nam có nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nên những quyết sách của Công đoàn Việt Nam được xây dựng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản sẽ giải quyết những mặt trái của kinh tế thị trường một cách tốt nhất,” Tổng Thư ký Liên hiệp Công đoàn Thế giới nhận định./.